Thằn lằn ngón Cyrtodactylus kingsadai. Ảnh: Phùng Mỹ Trung.
Phát hiện loài thằn lằn mới ở Phú Yên
Các nhà khoa học vừa công bố một loài thằn lằn chân ngón mới tại khu vực mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Yên.
Thằn lằn mới có tên khoa học là Cyrtodactylus kingsadai được các nhà khoa học Đức và Việt nam công bố trên tạp chí Zootaxa tháng này. Loài này đặt theo tên nhà nghiên cứu động vật trường Đại học quốc gia Lào – Phouthone Kingsada. Thạc sỹ Phouthone là đồng tác giả của một số công bố gần đây về nhóm tắc kè này, nhưng ông không may qua đời vì bệnh sốt xuất huyết vào cuối năm ngoái. (Theo vnexpress.net, ngày 17/7)
Thiết bị giám sát hành trình ôtô
Nhóm nghiên cứu của trung tâm Nghiên cứu công nghệ thông tin và tự động hoá, đại học Giao thông vận tải, Hà Nội đã chế tạo thành công thiết bị giám sát hành trình CRIAT-iBOX, phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình của ôtô.

Thiết bị có các đặc điểm kỹ thuật: lưu trữ và truyền số liệu qua mạng internet (thông tin về xe và lái xe; hành trình của xe; tốc độ vận hành của xe; số lần và thời gian dừng, đỗ xe; số lần và thời gian đóng, mở cửa xe; thời gian làm việc của lái xe); xuất dữ liệu ra máy in (biển số xe, thông tin về giấy phép lái xe; tốc độ tức thời của xe tại mười thời điểm bất kỳ trong suốt hành trình xe chạy; số lần xe chạy vượt quá tốc độ giới hạn và duy trì liên tục 30 giây trong suốt hành trình xe chạy; số lần đóng, mở cửa xe trong suốt hành trình xe chạy)… (Theo sgtt.vn, ngày 17/7)
Hội thảo “Công nghệ sáng tạo phát triển nông nghiệp Việt Nam”
Ngày 17-6, tại TP Rạch Giá (Kiên Giang), Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức Hội thảo khoa học “Công nghệ sáng tạo phát triển nông nghiệp Việt Nam”.

Ảnh: ntt.edu.vn
Hội thảo tập trung vào ba nhóm vấn đề: ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công nghệ tin; công nghệ sinh học; công nghệ môi trường trong nông nghiệp. Đây là những công nghệ chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp một cách bền vững, giúp giải quyết một số vấn đề cấp thiết của nông nghiệp Việt Nam. Đó là phổ kiến thức kinh tế kỹ thuật, thông tin thị trường cho nông dân, phát triển giống mới, cải thiện phương pháp canh tác, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, kết nối chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường. (Theo nhandan.org.vn, ngày 16/7)
Sản phẩm lọc nước giá rẻ giành Cúp vô địch CDIO 2013
Trường đại học Duy Tân là đơn vị đại diện cho Việt Nam tham dự Cuộc thi CDIO 2013 diễn ra vào tháng 6 vừa qua tại Ðại học Ha-vớt (Mỹ). Hai sinh viên Võ Trương Hoàng Linh và Nguyễn Thế Quỳnh Nhi đại diện nhóm dự thi đã chinh phục ban giám khảo khi thuyết trình về dự án "Sản phẩm lọc nước giá rẻ tự làm dành cho người dân vùng nông thôn" để giành giải nhất và cúp vô địch.

Hai sinh viên Võ Trương Hoàng Linh và Nguyễn Thế Quỳnh Nhi cùng nhóm các bạn Trường đại học Duy Tân tại Mỹ.
Sản phẩm khi được đưa vào thực tế không chỉ bảo đảm về chất lượng lọc nước mà giá thành chưa đến 150 nghìn đồng, rất phù hợp với người dân vùng còn nhiều khó khăn. (Theo nhandan.org.vn, ngày 14/7)
Sản xuất que thử phát hiện nhanh độc tố thực phẩm
Lần đầu tiên tại Việt Nam, các nhà khoa học của Viện Công nghệ Sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam bước đầu nghiên cứu thành công kháng nguyên tái tổ hợp giảm độc lực để tạo kháng thể đơn dòng, phục vụ việc sản xuất que thử (Kít) phát hiện nhanh vi khuẩn tụ cầu vàng trong thực phẩm.

Nguồn: congnghethucpham.com
Que thử này khi ra đời sẽ cho phép phát hiện độc tố Staphyloccocal entotoxin B (SEB) trong thời gian ngắn, đơn giản dễ sử dụng.
Dự kiến từ nay tới năm 2015, que thử sẽ ra được đưa ra thử nghiệm ngoài thực tế. Khi ấy, Việt Nam có thể chủ động trong việc phát hiện nhanh độc tố nhóm B trong thực phẩm, nước... Quan trọng hơn, các que thử này còn giúp chúng ta có thể chủ động trong việc phát hiện độc tố nhóm B do Staphylococcus aureus. (Theo vietnamplus.vn, ngày 18/7)
Nhật Bản thống nhất cùng Việt Nam khai thác đất hiếm
Các vấn đề liên quan đến thỏa thuận phát triển đất hiếm vừa được lãnh đạo bộ chuyên ngành Việt Nam - Nhật Bản thống nhất hợp tác. Hai bên quyết tâm thúc đẩy việc triển khai Thỏa thuận hợp tác phát triển đất hiếm giữa hai nước.

Khoáng sản đất hiếm đóng vai trò rất quan trọng đối với ngành sản xuất điện tử và ôtô của Nhật Bản
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang vừa có buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Kinh tế - Thương mại Nhật Bản, ông Akaba Kazuyoshi nhằm rà soát tình hình triển khai Thỏa thuận hợp tác phát triển đất hiếm giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản.
Tại buổi làm việc, hai Bên đã trao đổi các vấn đề liên quan đến Thỏa thuận phát triển đất hiếm.
Cả hai Thứ trưởng đều bày tỏ sự cần thiết phải có tầm nhìn chung và dài hạn đối với chiến lược phát triển đất hiếm và quyết tâm thúc đẩy việc triển khai Thỏa thuận hợp tác phát triển đất hiếm giữa hai nước. (Theo baodatviet.vn, 18/7)
6 ngành ưu tiên áp dụng công nghệ cao
6 ngành ưu tiên sẽ đi đầu trong áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch gắn với đảm bảo tính hợp lý về điều kiện kinh tế của Việt Nam; giá trị sản xuất của các ngành ưu tiên tăng tối thiểu 20% hàng năm và đóng góp tối thiểu 35% vào tổng giá trị sản xuất ngành công nghệp...

Chế biến thủy sản là một trong những ngành ưu tiên áp dụng công nghệ cao
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1043/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng tới đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Chiến lược này đã đề ra định hướng phát triển vượt bậc 06 ngành công nghiệp ưu tiên bao gồm: Điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông, thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô thành những ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh quốc tế. (Theo vietq.vn, 19/7) |