Môi trường [ Đăng ngày (06/03/2011) ]
Ba tháng mùa khô mưa nhiều hơn
Ba tháng cuối cùng của mùa khô năm nay, từ tháng 3 đến tháng 5, được dự báo có thể không rơi vào cảnh khô hạn như cùng kỳ năm trước và trời cũng mát mẻ hơn.

Theo Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường (IMH), nguyên nhân chính của xu thế đó là do dòng hải lưu lạnh La Nina vẫn đang hoạt động trên xích đạo khu vực Thái Bình Dương và có khả năng tồn tại trong ba tháng tới dù ở trạng thái yếu.

Theo đó, đa phần diện tích Đông Nam Á và Trung Quốc sẽ mát hơn so với cùng kỳ năm ngoái, thuận lợi cho các chuyến du ngoạn cuối xuân đầu hè ngoài trời.

Tín hiệu tích cực cho thấy lượng mưa có khả năng nhiều hơn mức trung bình nhiều năm ở hầu hết diện tích các quốc gia xung quanh Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa với việc dòng chảy các con sông bắt nguồn từ nước ngoài, trong đó có sông Mekong và sông Hồng, sẽ được cải thiện đáng kể.

Hầu hết lãnh thổ Việt Nam sẽ chịu tác động tích cực của La Nina, dù đang trong quá trình thoái trào nhưng có thể kéo dài đến giữa hè năm nay. Kinh nghiệm cho thấy, mỗi khi La Nina hoạt động, đại bộ phận nước ta chủ yếu có mưa nhiều hơn, nhiệt độ thấp hơn trung bình nhiều năm, chứ ít khi chịu tác động ngược lại.

Cụ thể, một vài vùng có thể sẽ hơi nóng hơn một chút như tỉnh Bắc Giang, miền tây tỉnh Nghệ An, các tỉnh Đắc Nông và Khánh Hòa. Một số địa phương khác thậm chí còn có thể nóng hơn trung bình nhiều năm như Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, bà Đào Thị Thúy, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu (Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng - Khí hậu thuộc IMH), cho hay, Việt Nam khó xuất hiện các đợt nắng nóng sớm liên tiếp và diện rộng như năm ngoái và một số năm trước. Riêng khu vực Nam Bộ có thể khó cảm nhận xu thế này song cũng ít có khả năng nóng hơn cùng kỳ mọi năm.

Tỉnh cực nam Cà Mau có thể có lượng mưa gần với trung bình nhiều năm. Trong khi đó, đa phần diện tích Đông Bắc Bộ dự báo có lượng mưa hụt chuẩn, thiếu hụt có thể lên đến 200 mm so với trung bình nhiều năm. Trên bình diện toàn quốc, tình hình khả quan hơn.

Tổng hợp phân tích của nhiều cơ quan khí tượng quốc tế, bà Đào Thị Thúy nhận định “Lượng mưa ở Việt Nam có khả năng vượt chuẩn trên phạm vi hầu khắp cả nước”. Khu vực từ tỉnh Quảng Bình trở vào, lượng mưa vượt chuẩn (tức vượt giá trị lượng mưa trung bình của 30 năm qua) có khả năng lên đến 200 mm. Một số nơi ở Trung và Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, lượng mưa vượt chuẩn có thể lên đến 400 mm, thậm chí hơn.

Quốc Dũng
Theo Tiềnphong Online (nthieu)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Đầu tư hệ thống đường sắt - Cơ hội để phát triển công nghiệp hỗ trợ
Định hướng về phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã được Bộ Chính trị nêu rõ trong Kết luận 49-KL/BCT, đó là “- Huy động tối đa các nguồn lực, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi cụ thể, phù hợp với điều kiện và kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong đó, xác định nguồn lực trong nước là cơ bản, lâu dài; ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, tạo đột phá. Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam là trục "xương sống", khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối hiệu quả với các tuyến đường sắt đô thị, các trung tâm kinh tế lớn, đầu mối vận tải trong nước (cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế) và liên vận quốc tế. - Tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp đường sắt đồng bộ với các ngành công nghiệp khác”.


Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->