Lợi thế không nên bỏ
Cuối tháng 5/2013 vừa rồi, báo The Nation dẫn lời bà Supinya Klangnarong - Ủy viên Ủy ban Phát sóng và viễn thông quốc gia nói Chính phủ nên sử dụng truyền thông xã hội để công bố các thông tin, chính sách quốc gia... Bà Supinya nhấn mạnh nhiều vấn đề có tác động tới người dân nhưng họ thường biết được thông tin quá trễ. Bên cạnh đó, bà cũng gợi ý Chính phủ nên đơn giản hóa thông tin công bố cho người dân để họ cảm thấy dễ hiểu hơn. Theo thống kê, Thái Lan hiện có 18 triệu người trong tổng số 66 triệu dân sử dụng mạng xã hội.
Thời gian gần đây, Viện Nghiên cứu phát triển Thái Lan đã bắt đầu đăng tải các nghiên cứu lên mạng, lập một nhóm nghiên cứu dữ liệu và thu thập phản hồi của người dân về các chính sách công như chương trình trợ giá lúa hay kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 2.200 tỷ baht (khoảng 72,6 tỷ USD)
"Đây là thời đại công nghệ đang từ vị trí phương tiện trở thành mục tiêu, đang từ vai trò cải thiện cuộc sống trở thành một lối sống. Để nó “tiến hóa” đến như vậy là do bản thân chúng ta”.
Giáo sư Susan Greenfield (ĐH Oxford Mỹ)
|
Còn quan điểm của tôn giáo đối với mạng xã hội cũng có cách nhìn tiến bộ hơn. Cuối tháng 12/2012, Đức Giáo hoàng Benedict XVI (nay đã là cựu) lần đầu tiên gửi thông điệp bằng 8 thứ tiếng của ngài lên Twitter. Còn Đức Đạt Lai Lạt Ma tham gia mạng xã hội trước đó vài tháng và số người kết nối với ông lên tới hơn 5 triệu. Cả hai vị lãnh tụ tinh thần tôn giáo đã tỏ ra rất am hiểu thời cuộc, biết tận dụng tốt những lợi thế mà công nghệ, cụ thể ở đây là mạng xã hội để truyền tải và kết nối với tín đồ của mình.
Sử dụng trên nền tảng đạo đức và pháp luật
Với mạng xã hội, bất cứ quốc gia nào cũng đau đầu với việc an toàn, ổn định xã hội và an ninh quốc gia. Xét về mặt kỹ thuật, việc ngăn chặn các mạng xã hội không khó. Tuy nhiên, điều này chưa hẳn đã là tốt vì sẽ gặp phải sự phản đối từ các cư dân mạng và sự không đồng tình của cộng đồng quốc tế. Nhưng vẫn có thể quản lý được nếu kết hợp tốt các giải pháp luật pháp, hành chính và kỹ thuật.
Trung Quốc đã ban hành 3 đạo luật về sử dụng Internet. Trong đó, “Quy chế tạm thời về việc quản lý thông tin mạng máy tính kết nối quốc tế” nêu rõ: Không một đơn vị hoặc cá nhân nào được phép tự tạo ra những kết nối quốc tế trực tiếp mà phải thông qua 4 nhà cung cấp mạng chính của Trung Quốc là ChinaNet, GBNet, CERNET, CTSNET. “Pháp lệnh bảo vệ an ninh của các hệ thống thông tin máy tính” quy định việc giám sát, kiểm tra và hướng dẫn công tác bảo vệ an ninh, điều tra và truy tố các trường hợp phạm pháp. “Pháp lệnh quy định sử dụng Internet” chỉ ra 5 loại hoạt động có hại liên quan đến việc sử dụng Internet. Chính phủ Trung Quốc cũng quản lý Internet theo 3 cấp độ. Cấp độ 1, quản lý các máy chủ và các nhà cung cấp dịch vụ mạng (trong đó có “Dự án Tường lửa”); cấp độ 2, quản lý các nhà cung cấp nội dung Internet; cấp độ 3, quản lý thư điện tử và các mạng xã hội.
Trong sự kiện “Mùa xuân Ai Cập” năm 2011, mạng xã hội Twitter là phương tiện chủ đạo để phe đối lập lôi kéo người dân xuống đường biểu tình tại Tunisia, Ai Cập… Trong chiến dịch không kích Libya năm 2011, Twitter được NATO sử dụng để cung cấp thông tin cho các tên lửa tấn công các vị trí của quân đội Libya.
|
Hàn Quốc ban hành “Luật chống nói xấu, phỉ báng trên mạng” nhằm tăng cường kiểm soát thông tin trực tuyến. Theo luật này, các thành viên khi tham gia bình luận trên mạng phải đưa đúng tên thật của mình để tránh vu khống, đồn đại sai sự thật, xuyên tạc. Nước này cũng bắt buộc người tham gia mạng xã hội phải đăng ký đúng, đủ thông tin. Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích người dân sử dụng mạng xã hội CyWorld (mạng xã hội của Hàn Quốc) để dễ kiểm soát và để người sử dụng thực hiện đúng mục đích.
Ở Đức, có các điều luật bảo vệ bí mật đời tư của công dân; các cơ quan chức năng đang tích cực nghiên cứu các mạng xã hội khác nhau tương ứng với luật pháp hiện hành. Quốc hội Đức đang thảo luận luật quy định các nhà tuyển dụng bị cấm đánh giá các ứng viên qua các trang xã hội mang tính giao tiếp, nếu vi phạm có thể bị phạt tới 300.000 euro. Chính phủ Đức cũng cấm một số thành phần xã hội khai thác, sử dụng mạng có mầm mống độc hại. Nhiều công ty Đức đã ban hành lệnh cấm sử dụng mạng Facebook ở văn phòng để ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực.
|