TS Dương Văn Ni đang trình bày tại hội thảo vào sáng ngày 30-5 tại Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Kim
Hợp tác quản lý lưu vực sông Mê Kông
Ngày 30-5, tại TP Cần Thơ, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức Hội thảo “Khía cạnh pháp lý trong hợp tác quản lý lưu vực sông Mê Kông”.
Tại hội thảo, các diễn giả, nhà khoa học đã trình bày về quá trình phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông và bày tỏ những quan ngại về tác động của thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông đối với ĐBSCL. Các diễn giả cho rằng, Việt Nam là quốc gia cuối nguồn nên sẽ chịu tác động mạnh bởi việc phát triển các đập thủy điện từ thượng lưu. Phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông sẽ làm suy giảm hệ sinh thái đất ngập nước và tính đa đạng sinh học của vùng ĐBSCL, gây tổn thất đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế của cư dân trong vùng. Mức độ rủi ro, thiệt hại do các đập thủy điện gây ra rất khó dự báo khiến các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu khó thực hiện và nảy sinh nhiều hệ lụy mới. Để hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông, Việt Nam cần thu hút và tạo sự đồng thuận từ dư luận quốc tế trên cơ sở liên kết chặt chẽ với các quốc gia trong khu vực, chia sẻ và bảo vệ nguồn lợi từ sông Mê Kông. Đồng thời, cần có những đối sách hợp lý và kiên định, chủ động các giải pháp ứng phó nhằm đảm bảo cho sự phát triển của ĐBSCL trong tương lai. (Theo Báo Cần Thơ, ngày 31/5)
Robot phun thuốc trừ sâu
Chàng trai trẻ Trần Thanh Tuấn ở vùng sâu tỉnh An Giang đã làm các lão nông thán phục khi chế tạo thành công robot phun thuốc trừ sâu thay vì phun thủ công như trước đây.
Tuấn cho biết: “Lúc mình đưa robot ra đồng trình diễn, mấy cô chú ngạc nhiên lắm. Ai cũng khen máy gọn, đơn giản và hoạt động phun thuốc như con người”. Tuấn thấy nhiều người bị ngộ độc thuốc trừ sâu do đeo bình phun xịt thuốc trên lưng đi xịt thuốc, bị hơi thuốc bám vào người gây bệnh.

Tuấn cho robot chạy trình diễn trên đồng ruộng - Ảnh: Thanh Dũng
Tuấn nảy ý nghĩ chế cái gì đó giúp cho nhà nông bớt cực. Năm 2010, Tuấn tìm cách nghiên cứu chế tạo robot phun thuốc trừ sâu. Thế nhưng, bao công sức cả năm trời tiêu tan bởi lần đầu đưa robot ra đồng, bấm cần điều khiển thì nó chạy trên bờ ruộng bị đổ, bị lún trên đất sình hay phun thuốc không được... Không nản lòng, Tuấn kiên trì chỉnh sửa những khiếm khuyết của đứa con tinh thần.
Và kết quả đã không phụ công khó nhọc. Tháng 3.2013, sản phẩm robot đã gây tiếng vang trong xóm. Tuấn lấy remote đứng cách xa bấm điều khiển cho khách xem. Tuấn kể: “Mấy tháng trước tôi đưa robot ra đồng và kết quả thật tuyệt vời. Tôi bấm remote điều khiển hướng nào thì nó đi hướng đó, bấm xoay ngang hay bẻ cua là nó chuyển động liền tức khắc. Muốn nó đi nhanh hay chậm, cho phun thuốc nhanh hay mau tùy ý mình điều khiển”…. (Theo thanhnien.com.vn, ngày 31/5)
Thành lập Cục Công tác phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ trưởng Nguyễn Quân tặng hoa cho lãnh đạo Cục Công tác phía Nam
Ngày 28/5, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân đã dự Lễ ra mắt và trao Quyết định thành lập Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN (gọi tắt là Cục). Bộ trưởng cũng trao quyết định thay đổi các chức danh lãnh đạo cho các cán bộ của Cục. Ông Bùi Văn Quyền giữ chức Cục trưởng Cục Công tác phía Nam.
Cục được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Cơ quan đại diện của Bộ KH&CN tại TP.HCM, là đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN, giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý về KH&CN; theo dõi, tổng hợp tình hình hoạt động trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ; bảo đảm các điều kiện can thiết để phục vụ các hoạt động của Bộ tại các tỉnh, thành.
Cục có nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp thông tin và định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất báo cáo Bộ trưởng về tình hình hoạt động trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ tại phía Nam; phối hợp với các đơn vị thuộc tham mưu, đề xuất với Bộ trưởng các chủ trương, chính sách và biện pháp để thực hiện chức năng quản lý thuộc phạm vi của Bộ tại khu vực phía Nam và hướng dẫn tổ chức, triển khai sau khi được ban hành, phê duyệt. Cục là đầu mối tổng hợp, phối hợp hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ đóng trên địa bàn để triển khai các nhiệm vụ của Bộ tại khu vực phía Nam. Đây cũng là đầu mối tiếp nhận, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, địa phương tổ chức đào tạo ngắn hạn, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về KH&CN; tổ chức thực hiện các dịch vụ KH&CN; ứng dụng và phát triển công nghệ;… (Theo truyenthongkhoahoc.vn, ngày 29/5)
Điện gió trên biển VN bắt đầu lên lưới

Các tuabin trên biển thuộc Nhà máy điện gió Bạc Liêu.Nguồn: Nangluongvietnam.vn
Đúng 16 giờ chiều 29/5/2013, dòng điện gió trên biển đầu tiên của Việt Nam tại Bạc Liêu bắt đầu hòa vào lưới điện quốc gia.
Đó là dòng điện phát ra từ 1 tuabin đầu tiên với công suất khoảng 1,6 MW (mega-oat) trong số 10 tuabin của giai đoạn 1 thuộc Dự án nhà máy điện gió Bạc Liêu đã xây dựng xong. Các tuabin khác sẽ cho phát điện và hòa vào lưới điện quốc gia lần lượt từ giờ phút trên cho đến ngày 7/6/2013 sắp tới.
Giờ phút đáng ghi nhớ trên tiếp theo thời gian dài hơn 30 tháng thi công khẩn trương gồm nhiều công đoạn phức tạp, từ dựng các trụ tuabin trên biển đến xây dựng, hiệu chỉnh, vận hành thử toàn bộ hệ thống trạm biến áp cùng đường dây dẫn đưa nguồn điện từ các tuabin lên lưới điện quốc gia.
Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu chia ra 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 đã hoàn thành lắp đặt 10 cột tuabin, công suất tổng cộng của giai đoạn này là 16 MW và điện năng sản xuất dự tính khoảng 56 triệu kWh/năm gần bằng với sản lượng của 30 tuabin của nhà máy điện gió tỉnh Ninh Thuận.
Giai đoạn 2 của dự án sẽ xây lắp tiếp 52 tuabin còn lại. Sau khi hoàn thành, Nhà máy điện gió Bạc Liêu sẽ có tổng số 62 tuabin với tổng công suất trên 99 MW và điện năng sản xuất ra khoảng 320 triệu kWh/năm.
Nhà máy điện gió Bạc Liêu sử dụng công nghệ tiến tiến nhất tại Việt Nam và là nhà máy xây dựng trên biển duy nhất hiện nay. … (Theo vietnamnet.vn,. ngày 30/5)
Thiết bị thu nước từ không khí có độ ẩm cao
ThS Phan Anh Tân và các nhà khoa học trẻ thuộc viện Ứng dụng công nghệ đã nghiên cứu chế tạo thành công thiết bị cung cấp nước sinh hoạt thu từ không khí có độ ẩm cao, sử dụng năng lượng gió, có thể thu được 120 lít nước/ngày.

ThS Phan Anh Tân và các nhà khoa học trẻ thuộc viện Ứng dụng công nghệ đã nghiên cứu chế tạo thành công thiết bị cung cấp nước sinh hoạt thu từ không khí có độ ẩm cao, sử dụng năng lượng gió, có thể thu được 120 lít nước/ngày. Thiết bị giống như máy điều hoà nhiệt độ nhưng được sắp xếp theo thứ tự hướng không khí vào: giàn bay hơi, giàn ngưng tụ, quạt hút gió, máy nén phía trên phía dưới có bao che… (ảnh). Dưới giàn bay hơi có khay hứng nước ngưng tụ, phía trước và phía sau có bố trí cửa gió để không khí được hút qua. Hệ thống đã được lắp đặt thử nghiệm và hoạt động hiệu quả tại đồn biên phòng Lũng Cú (Hà Giang). (Theo sgtt.vn, ngày 30/5)
Khai mạc ENTECH Hanoi 2013

Ngày 29/5, Hội chợ triển lãm quốc tế ENTECH Hanoi 2013 với chủ đề “Hiệu quả năng lượng - môi trường, hiệu quả kinh doanh, phát triển bền vững” do UBND TP. Hà Nội phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức đã chính thức khai mạc tại Hà Nội.
Đây là triển lãm lần thứ 5 và có quy mô lớn nhất với 210 gian hàng của 100 doanh nghiệp trưng bày các công nghệ, sản phẩm tiết kiệm năng lượng và môi trường đến từ Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…, trong đó Hàn Quốc có tới 74 gian hàng với 50 công ty tham dự.
Hội chợ triển lãm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN Hà Nội và các tỉnh phía Bắc xúc tiến đầu tư, tiếp cận các giải pháp công nghệ có hàm lượng tri thức cao, tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường nhằm giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, ENTECH 2013 cũng hứa hẹn là môi trường giao thương sôi động, hợp tác kinh doanh về lĩnh vực hiệu quả năng lượng - môi trường giữa DN và các nhà cung cấp thiết bị trong và ngoài nước; tạo bước chuyển từ nhận thức sang hành động để thực hiện tiết kiệm năng lượng hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tăng trưởng “xanh”, bền vững./. (Theo ven.vn, ngày 29/5)
Giao lưu giữa các nhà khoa học Việt Nam và thế giới

Đại sứ Dương Chí Dũng phát biểu tại buổi gặp gỡ. (Ảnh: Lê Hà-Trung Dũng/Vietnam+)
Ngày 30/5, tại thành phố Blois, miền trung nước Pháp, cách thủ đô Paris khoảng 200km, đã diễn ra cuộc gặp gỡ Blois lần thứ 25 mang tên “Vật lý hạt và vũ trụ học.”
Đây là cuộc gặp gỡ giữa các nhà khoa học từ các chuyên ngành khác nhau, góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa các nhà khoa học Việt Nam và cộng đồng khoa học quốc tế.
Sự kiện này được tổ chức dưới sự chủ trì của giáo sư, tiến sỹ Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam tại Pháp.
Trong 5 ngày diễn ra cuộc Gặp gỡ Blois (26/5 - 31/5), các đại biểu đã nghe khoảng 30 bản báo cáo khoa học đề cặp đến nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau như vật lý ứng dụng, thiên văn học, sinh học.
Theo Đại sứ, đây là “cơ hội quý báu” để các nhà khoa học Việt Nam và các nhà quốc tế có tên tuổi có thể gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu khác nhau để “dệt nên sự hợp tác hiệu quả” trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học giữa Việt Nam với Pháp và các nước khác trên thế giới…. (Theo Vietnam+, ngày 31/5). |