Xã hội-Nhân văn
[ Đăng ngày (30/05/2013) ]
|
Đối chiếu vị trí đường dẫn truyền phụ ở hội chứng Wolff-Pakinson-White thể điển hình với hình ảnh điện tâm đồ bề mặt
|
|
Nghiên cứu do các tác giả Chu Dũng Sĩ, Trịnh Hoàng Hà - Khoa Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội và Phan Đình Phong, Phạm Quốc Khánh - Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện.
|
Mục tiêu nghiên cứu nhằm đối chiếu vị trí đường dẫn truyền phụ ở Hội chúng Wolff-Parkinson-White điển hình với điện tâm đồ bề mặt. Đối tượng nghiên cứu là 135 bệnh nhân có hội chứng Wolff-Parkinson-White điển hình tại Viện Tim mạch Việt Nam trong thời gian từ tháng 1/2008 - 6/2012. Các thông số điện tâm đồ bề mặt sẽ được đối chiếu với vị trí đường dẫn truyền phụ xác định bằng thăm dò điện sinh lý học tim và điều trị RF.
Qua nghiên cứu kết quả cho thấy, có khoảng PR ở nhóm có đường dẫn truyền phụ bên trái (nhóm bên trái): 112,6 ± 11,5 ms dài hơn ở nhóm có đường dẫn truyền phụ bên phải (nhóm bên phải): 102,4 ± 15,8 (p < 0,05); Thời gian QRS ở nhóm bên trái: 134,1 ± 16,7 ms rộng hơn ở nhóm bên phải: 146,9 ± 23,6 ms (p < 0,05). Sóng delta âm ở V1 gặp ở 90,76% đường phụ bên phải trong khi sóng delta dương ở V1 gặp ở 97,14% đường phụ bên trái. Sóng delta dương ở ít nhất 2/3 chuyển đạo vùng sau dưới thường gặp ở nhóm đường phụ thành trước vòng van nhĩ thất (chiếm 79,7% số ca) trong khi sóng delta âm ở ít nhất 2/3 chuyển đạo thành sau thường gặp nhóm đường phụ ở thành sau vòng van nhĩ thất (chiếm 93,94% số ca). Đối với các đường phụ bên phải (sóng delta âm ở V1): chuyển tiếp phức bộ QRS ở V1V2 gặp ở 92,5% đường phụ vùng vách, trong khi chuyển tiếp QRS sau chuyển đạo V2 gặp ở 92,2% đường phụ thành bên.
Qua nghiên cứu, nhóm tác giả đã kết luận: Các thông số điện tâm đồ bề mặt trong hội chứng WPW điển hình có liên quan chặt chẽ với vị trí đường dẫn truyền phụ khi thăm dò điện sinh lý học tim và có thể được sử dụng để dự báo vị trí đường dẫn truyền phụ. |
T.Thắm
Theo TC Y học thực hành (860) – Số 3/2013 |