Tin địa phương
Báo cáo tổng kết khoa học kỹ thuật, đề tài “Luận cứ khoa học về phòng chống ngập tại TP. Cần Thơ”
Ngày 10/5/2013, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ đã thành lập Hội đồng nghiệm thu đề tài “Luận cứ khoa học về phòng chống ngập tại thành phố Cần Thơ” do GS.TS. Lê Sâm làm chủ nhiệm, cùng với nhóm cộng sự Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đồng thực hiện.
Từ kết quả nghiên cứu đã xác định được các nguyên nhân chính gây ngập trên địa bàn TP. Cần Thơ như do địa hình thấp; hiện tượng lún sụt ngày càng tăng; tiến trình đô thị hóa - công nghiệp hóa tăng nhanh đã san lấp hệ thống tiêu thoát nước; diễn biến mực nước sông Hậu, sông Cần Thơ có xu thế ngày càng tăng cao; diễn biến mưa ngày càng cực đoan; các công trình tiêu thoát nước đô thị thiếu về số lượng, xuống cấp về chất lượng; và cùng với ý thức bảo vệ hệ thống thoát nước của người dân trong khu vực nghiên cứu chưa cao.
Qua đó, nhóm tác giả đề xuất các giải pháp chống ngập cho TP. Cần Thơ như xây dựng hệ thống đê bao và hệ thống cống ngăn lũ, xây dựng các trạm bơm hỗ trợ tiêu bằng động lực, các công trình điều hòa, trữ nước để giảm mức độ ngập tại các khu đô thị… (Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ)
Cần Thơ xây dựng kế hoạch ứng phó rủi ro lũ lụt

(Ảnh minh họa: Thế Lập/TTXVN)
Ngày 10/5, Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức hội thảo “Xây dựng kế hoạch ứng phó toàn diện cho quản lý rủi ro lũ lụt tổng hợp tại Cần Thơ.”
Hội thảo nhằm đánh giá các rủi ro lũ lụt cho thành phố Cần Thơ để từ đó chuẩn bị kế hoạch hành động ứng phó toàn diện đến năm 2030 và xác định các giải pháp công trình, phi công trình cho quản lý lũ lụt bền vững.
Theo WB, thành phố Cần Thơ hiện là một trong những địa phương của khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang bị ảnh hưởng lớn do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tình hình lũ lụt tại thành phố Cần Thơ có diễn biến bất thường trong những năm gần đây. Nếu như năm 2000 mực nước lũ là 1,79m, thì năm 2007 là 2,03m và năm 2011 đạt mốc 2,15m.
Để ứng phó toàn diện với rủi ro lũ lụt, nhiều ý kiến cho rằng, thành phố Cần Thơ cần nâng cấp các tuyến đường chính và nhà ở ven đường là biện pháp ngăn chặn ngập lụt có hiệu quả trước các sự kiện lũ lụt như hiện nay.
Bên cạnh đó, thành phố cần gắn công tác quan trắc môi trường với các trọng tâm, trọng điểm phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Cụ thể là cung cấp các đánh giá về diễn biến chất lượng môi trường của từng khu vực trọng điểm đã được quan trắc, để các cấp quản lý cảnh báo kịp thời các diễn biến bất thường hay các nguy cơ ô nhiễm, suy thoái môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu về chất lượng môi trường phục vụ việc lưu trữ, cung cấp và trao đổi thông tin trong phạm vi quốc gia…. (Theo vietnamplus.vn, ngày 10/5)
400 tỷ đồng đầu tư Vườn ươm công nghệ ở Cần Thơ
Chế biển thủy sản xuất khẩu. Ảnh minh họa.(Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Đại diện Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Công Thương cho biết Bộ Công Thương sẽ là chủ đầu tư Dự án Vườn ươm Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc tại TP. Cần Thơ do vậy vốn đối ứng để triển khai dự án sẽ sớm được thu xếp.
Theo phương án cuối cùng, Bộ Công Thương sẽ làm chủ đầu tư dự án, còn Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ sẽ trực tiếp triển khai thực hiện các hạng mục của dự án.
Dự án Vườn ươm Công nghệ, dự kiến khởi công vào tháng 9 tới, nằm trong thỏa thuận đã được ký kết giữa Bộ Công Thương với Bộ Kinh tế và Tri thức Hàn Quốc cũng như giữa Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH) với Ủy ban nhân dân TP. Cần Thơ.
Dự án sẽ được xây dựng trên tổng diện tích 4,5 ha tại khu công nghiệp Trà Nóc 2; trong đó, 1,3 ha được dành để xây dựng khu hành chính và khu nghiên cứu với các phòng chức năng, phòng dịch vụ dành cho các chuyên gia và nhà xưởng phục vụ việc chế tạo, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ.
Tổng vốn thực hiện dự án là 400 tỷ đồng; trong đó phía Hàn Quốc đầu tư 70%.... (Theo vietnamplus.vn, ngày 7/5).
Tin trong nước
Việt Nam và IRRI hợp tác phát triển ngành lúa gạo

Nông dân tỉnh Quảng Trị xem lúa giống tại trại giống xã Hải Tân, huyện Hải Lăng.
(Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Chiều 7/5, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát và Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) Robert S.Zeigler đã ký Biên bản ghi nhớ Hợp tác khoa học kỹ thuật để phát triển ngành lúa gạo Việt Nam.
Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh việc hợp tác giữa Việt Nam và IRRI sẽ đánh dấu bước phát triển mới giữa hai bên trong lĩnh vực lúa gạo.
Đây là lĩnh vực được Việt Nam hết sức coi trọng phát triển, nhưng để tiếp tục phát huy thế mạnh này cần phải giải quyết những thách thức to lớn.
Tổng Giám đốc IRRI Robert S.Zeigler bày tỏ tự hào về những đóng góp của IRRI đối với những thành công trong sản xuất lúa gạo của Việt Nam, đồng thời đánh giá kinh nghiệm của Việt Nam là tấm gương cho nhiều quốc gia khác học tập trong phát triển nông nghiệp.
Thời gian tới, IRRI và Việt Nam sẽ liên kết chặt chẽ, cùng nghiên cứu về biến đổi khí hậu cho toàn khu vực Đông Nam Á…. (Theo vietnamplus.vn, ngày 7/5)
Phóng thành công vệ tinh viễn thám VNREDSat-1

Quang cảnh buổi truyền hình trực tiếp tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
(Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam - Chủ dự án Vệ tinh nhỏ Việt Nam quan sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai (VNREDSat-1) cho biết: Đúng theo kế hoạch đã định, vào 9 giờ 6 phút (giờ Hà Nội) sáng 7/5/2013, Vệ tinh quan sát Trái Đất đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1 đã được phóng vào vũ trụ bằng tên lửa đẩy VEGA từ bãi phóng Kourou, Guyana thuộc Pháp.
Các hình ảnh tường thuật Chương trình Phóng vệ tinh từ Kourou cũng được truyền trực tiếp về Lễ chào mừng sự kiện phóng vệ tinh VNREDSat-1 tại trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Hà Nội.
Giáo sư Châu Văn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đánh giá đây là sự kiện khoa học công nghệ có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra bước phát triển mới trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ của Việt Nam tiếp nối sau thành công của các dự án vệ tinh viễn thông Vinasat1 (2008) và Vinasat2 (2012).
Dự án vệ tinh VNREDSat-1 thành công không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt khoa học công nghệ mà còn góp phần xác định vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập với thế giới nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác khoảng không vũ trụ vì các mục đích hòa bình phục vụ lợi ích con người nói riêng…. (Theo vietnamplus.vn, ngày 7/5)
Việt Nam sẽ có vệ tinh viễn thám thứ hai

Vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1 đang hoạt động trong không gian sau khi được phóng vào vũ trụ ngày 7/5 vừa qua. Ảnh: Vast.ac.
VNREDSat-1B là vệ tinh viễn thám tiếp theo mà Việt Nam dự kiến đưa vào vũ trụ với sự hợp tác của Bỉ, sau khi phóng thành công vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên. Dự án VNREDSAT-1B có tổng kinh phí đầu tư trên 60 triệu euro từ nguồn vốn vay ODA của chính phủ Bỉ và vốn đối ứng của Việt Nam. Vệ tinh có trọng lượng khoảng 130 kg.
Bỉ và Việt Nam đã đưa ra quyết định các công ty của Bỉ, dưới sự chỉ đạo của Spacebel sẽ sản xuất vệ tinh VNREDSat - 1B, theo thông cáo của Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam phát đi ngày 7/5. Đây sẽ là vệ tinh quan sát trái đất thứ hai, giúp giám sát nguồn tài nguyên môi trường, thiên tai, cải thiện quản lý lãnh thổ và các nguồn tài nguyên chủ yếu như nông nghiệp, biển, rừng.
Dự kiến, VNREDSat - 1B sẽ phóng vào vũ trụ năm 2017. Vệ tinh này có nguồn gốc từ nhóm các vệ tinh PROBA (Project for On-BoardAutonomy) của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA)…. (Theo vnexpress.net, ngày 10/5)
Công nghệ sản xuất bột chè từ lá chè thứ phẩm
Các nhà khoa học thuộc Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội đã thực hiện thành công đề tài "Nghiên cứu công nghệ sản xuất bột chè xanh uống liền".
Đề tài thực hiện trong năm 2012 với kinh phí khoảng 770 triệu đồng. Theo chủ nhiệm đề tài, TS Nguyễn Thanh Hải, với công nghệ chế biến bột chè hòa tan từ lá chè tươi, những lá chè búp kém chất lượng sẽ được tận thu nhằm tạo ra dịch chè hoặc bột chè hòa tan, làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến phẩm mầu, nước chè đóng chai, chè sữa, cà phê, mỹ phẩm, kem đánh răng.
Do việc sản xuất dịch chè tươi không đòi hỏi lá chè có chất lượng cao nên công nghệ này sẽ góp phần giải quyết tình trạng bỏ phí chè kém chất lượng ở nhiều vùng nguyên liệu chè. Bột chè sản xuất ra có chất lượng cao hơn hẳn so với sản phẩm tương đương của một số nước trên thế giới, bảo đảm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm. Giá thành cho 1kg bột chè hòa tan sản xuất theo quy trình công nghệ nói trên chỉ bằng 1/3 giá thành 1kg bột chè hòa tan bán tại thị trường Trung Quốc có cùng chất lượng. (Theo Báo Hà Nội mới, ngày 10/5)
Khởi tranh vòng chung kết Robocon 2013

Cuộc thi Robocon năm nay có chủ đề "Hành tinh xanh". Ảnh: VTV.
Ngày 7-5, tại Cung Thể thao Tiên Sơn - Đà Nẵng, vòng chung kết cuộc thi Sáng tạo robot Việt Nam năm 2013 (Robocon 2013) chính thức khởi tranh với chủ đề "Hành tinh xanh".
Có 32 đội tham gia chung kết, là những đại diện xuất sắc nhất trong số gần 200 đội tuyển của 41 trường ĐH, CĐ chuyên ngành kỹ thuật trên cả nước. 2 đội đoạt giải nhất và nhì vòng chung kết toàn quốc sẽ được quyền tham gia Giải Robocon Châu Á - Thái Bình Dương (cũng được tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 16 đến 20-8-2013). Năm nay, cuộc thi có nhiều gương mặt mới như ĐH Hải Dương, ĐH Kỹ thuật hậu cần Công an nhân dân, CĐ Công nghiệp Hà Nội...
Từ nay đến ngày 12-5, vòng chung kết được phát sóng trực tiếp vào 20h35 hằng ngày trên kênh VTV2. (Theo Báo Hà Nội mới, ngày 8/5)
Học sinh phát minh quả cầu chữa cháy

Người chữa cháy sẽ hạn chế được nguy hiểm (vì đứng cách xa đám cháy để dập lửa) khi sử dụng quả cầu chữa cháy. Ảnh: V.LONG
Với đề tài quả cầu chữa cháy, ba em Hoàng Trọng Thanh Tùng, Đỗ Kỳ Minh Triết, Trần Ngọc Nhật Huyền - học sinh lớp 12 Trường Quốc học (Huế) vừa vượt qua 96 đề tài để giành giải nhất cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia cấp THPT.
Các em còn được nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec).
Em Trần Ngọc Nhật Huyền chia sẻ: “Ý tưởng làm quả cầu chữa cháy xuất phát từ một lần quan sát người dân bị bỏng trong lúc chữa cháy. Khi tìm hiểu, chúng em phát hiện bình chữa cháy có nhiều điểm hạn chế như quá nặng, vòi ngắn nên khoảng cách giữa đám cháy và người chữa cháy rất gần, dễ gây nguy hiểm cho người chữa cháy. Quả cầu chữa cháy của chúng em khắc phục được những hạn chế của bình chữa cháy và giá thành chưa tới 300.000 đồng, chỉ bằng một nửa giá của bình chữa cháy (600.000-700.000 đồng), lại có thể sử dụng nhiều lần”. (Theo phapluattp.vn, ngày 7/5)
Trang bị kết nối vệ tinh Movimar cho tàu cá Quảng Ngãi

Quảng Ngãi là một trong 14 tỉnh, thành phố ven biển được hỗ trợ Dự án hệ thống quan sát tàu cá vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh Movimar từ nguồn vốn ODA do Cộng hòa Pháp tài trợ.
Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi Dương Văn Tô cho biết, Quảng Ngãi có nhiều tàu cá được chọn lắp đặt thiết bị này do địa phương đã thành lập nhiều tổ, đội đánh bắt hải sản xa bờ với loại tàu có công suất lớn. Đây là Dự án kỹ thuật viễn thông hiện đại đầu tiên được triển khai lắp đặt cho tàu cá đánh bắt xa bờ đối với ngư dân Quảng Ngãi.
Toàn tỉnh sẽ có khoảng 305 tàu cá được chọn để lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh Movimar.
Ngư dân không phải bỏ bất kỳ khoản kinh phí nào. Mỗi tổ, đội cử ra một tàu để lắp đặt thiết bị này và chủ tàu được tập huấn, hướng dẫn cách sử dụng thiết bị, cũng như có trách nhiệm đối với các thành viên trong tổ của mình khi hành nghề khai thác hải sản trên biển.
Công nghệ vệ tinh Movimar là hệ thống hiện đại, giúp ngư dân nắm bắt các thông tin thời tiết trên biển; phát các tín hiệu cấp cứu khi gặp nạn. … (Theo nhandan.org.vn, ngày 8/5)
Phát động Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2013
Ngày 8-5, tại TP Hồ Chí Minh, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, báo Dân trí tổ chức họp báo phát động Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2013.
Đây là năm thứ 9 giải thưởng này được tổ chức. Ngoài các lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), khoa học tự nhiên (toán học, vật lý, hóa học, khoa học về sự sống, khoa học về trái đất) và y học, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm nay sẽ mở rộng sang lĩnh vực môi trường. Lĩnh vực này sẽ tôn vinh những những đơn vị, tập thể thành tích xuất sắc trong hoạt động bảo vệ môi trường và đã xây dựng thành công khu dân cư xanh.
Riêng lĩnh vực CNTT, cùng với trao thưởng cho hai nhóm sản phẩm CNTT: thành công và triển vọng, sẽ mở rộng trao giải cho các sản phẩm dự thi các ứng dụng công nghệ trên thiết bị di động.
Giải thưởng khoa học Tự nhiên và Y học tiếp tục dành cho tác giả, nhóm tác giả có công trình hoặc nhóm công trình nghiên cứu xuất sắc về các lĩnh vực này đã được ứng dụng vào thực tiễn.
Ban tổ chức nhận bài dự thi từ 21-11-2012 đến hết 31-8-2013. Lễ trao giải sẽ được tổ chức vào ngày 20-11-2013 tại Hà Nội.
Cũng dịp này, giao diện mới website chính thức của giải thưởng tại địa chỉ http://nhantaidatviet.vnpt.vn đã được ra mắt. Giao diện này được thiết kế thân thiện hơn với người sử dụng và được thiết lập diễn đàn trao đổi thông tin cho những người yêu thích CNTT và quan tâm tới giải thưởng. (Theo nhandan.org.vn, ngày 8/5) |