Việt Nam sáng chế thành công máy bay không người lái

Tiến sỹ Phạm Ngọc Lãng, chủ nhiệm đề tài phát lệnh bay thử nghiệm.
Sáng nay 3/5/2013, tại bãi thử nghiệm Viện Công nghệ không gian thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Liên hiệp Khoa học sản xuất công nghệ cao Viễn thông-Tin học (HTI) - km27 Đại Lộ Thăng Long Hà Nội, nhóm thực hiện Đề tài “Nghiên cứu chế tạo tổ hợp máy bay không người lái phục vụ nghiên cứu khoa học” đã tiến hành thành công bay thử nghiệm 3 mẫu máy bay không người lái trong số 5 mẫu máy bay chuyên dụng khác đã hoàn thiện tại Viện Công nghệ Không gian.
Cả 5 loại máy bay trên đều được thiết kế chế độ điều khiển bay tự động theo chương trình lập sẵn trên nền bản đồ số. Máy bay được trang bị camera máy ảnh tác nghiệp trong cả ban ngày và ban đêm cùng các trang bị nghiên cứu khoa học chuyên dụng khác.
Đối với loại AV.UAV.S3, AV.UAV.S4 có thể mở rộng tầm bay xa hơn khi sử dụng liên lạc vệ tinh dẫn đường hoặc các trạm chuyển tiếp mặt đất…. (Theo vietnamplus.vn, ngày 03/5)
ĐBSCL sẽ hiện đại hóa công nghệ sau thu hoạch lúa
Thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)
Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai nhiều dự án nâng cao chất lượng lúa gạo nhằm tăng tính cạnh tranh của mặt hàng này trên thị trường thế giới, trước hết là hiện đại hóa công nghệ sau thu hoạch.
Các dự án trên sẽ giúp Đồng bằng sông Cửu Long giảm chi phí sản xuất 30.000 đồng/tấn lúa, giúp tăng thu từ lúa trên 500 tỷ đồng mỗi năm. Giá trị tăng thêm của lượng lúa Hè Thu và Thu Đông do không còn bị hao hụt đạt khoảng 6.000 tỷ đồng.
Từ nay đến năm 2020, các tỉnh sẽ trang bị thêm từ 20.000-25.000 máy gặt đập liên hợp và máy sấy lúa, bảo đảm cơ giới hóa các khâu gặt, sấy cho ít nhất 80% diện tích đất lúa. Từ nay đến năm 2015, các tỉnh bảo đảm thu hoạch lúa bằng máy đạt ít nhất 50% diện tích đất.
Đến năm 2015, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng thêm 70 hệ thống sấy hiện đại, công suất từ 10-30 tấn lúa/giờ, gắn với các trung tâm chế biến gạo xuất khẩu, bảo đảm sấy 4 triệu tấn lúa/năm, cộng với số máy sấy trong dân, sẽ bảo đảm sấy 80% lượng lúa Hè Thu, Thu Đông hàng năm…. (Theo vietnamplus.vn, ngày 02/5)
Sản xuất cá lăng chấm bằng phương pháp nhân tạo

Sản xuất cá giống. (Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)
Thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống cá lăng chấm bằng phương pháp sinh sản nhân tạo,” Chi cục Thủy sản Tuyên Quang vừa nghiên cứu và cho đẻ thành công cá lăng chấm giống bằng phương pháp này trên quy mô 63 cá lăng chấm bố mẹ.
Đây là lần đầu tiên Tuyên Quang cho cá lăng chấm đẻ thành công bằng phương pháp nhân tạo.
Bà Nguyễn Thị Vĩnh An, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tuyên Quang cho biết Chi cục Thủy sản đã cho cá lăng chấm sinh sản nhân tạo trong 3 đợt, đã thu được hơn 10.200 con cá bột. Sau khi sinh sản, tỷ lệ sống của cá bố mẹ đạt 75%; tỷ lệ thụ tinh đạt trên 60%; tỷ lệ nở đạt trên 45%. Chi cục đã ương nuôi 10.200 cá bột, sau 15 ngày thu được gần 6.000 con cá hương, tỷ lệ sống đạt 58%. Nuôi cá hương lên cá giống, sau 30 ngày thu được trên 3000 con cá giống, tỷ lệ sống 51,5%.
Thành công trong việc sản xuất cá lăng chấm giống bằng phương pháp nhân tạo sẽ góp phần làm đa dạng nguồn cá giống, nhất là những loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc sống gần các lưu vực sông, hồ. … (Theo vietnamplus.vn, ngày 01/5)
Công bố kết quả điều tra, nghiên cứu và phát triển KH-CN

Hoạt động điều tra nhằm thu thập thông tin về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của của các trường đại học. Trong ảnh: học viên cao học Trường ĐH Bách khoa TP.HCM thí nghiệm về công nghệ nâng cao xử lý chất thải - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Mới đây, tại Hà Nội, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ (KH-CN) quốc gia đã tổ chức họp công bố kết quả điều tra, nghiên cứu và phát triển (NC&PT) năm 2012 tập trung vào 6 lĩnh vực: Khoa học tự nhiên; Khoa học kỹ thuật và công nghệ: Ydược; Nông nghiệp; Khoa học xã hội và khoa học nhân văn.
Đây là năm đầu tiên Bộ KH&CN chính thức tổ chức cuộc điều tra NC&PT trên quy mô toàn quốc nhưng đã huy động được sự tham gia tích cực của các cán bộ điều tra trong các đơn vị, tổ chức có liên quan trong cả nước, đặc biệt là đã tiếp cận được các phương pháp thống kê KH&CN tiên tiến nhất của thế giới…. (Theo Đất Việt, ngày 30/4)
Ký kết đảm bảo an ninh điện hạt nhân Ninh Thuận
Một nhân viên nhà thầu JAPC giơ tấm biển Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 tại điểm khoan thăm dò, khảo sát thực địa dự án. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Chiều 3/5, Công an tỉnh Ninh Thuận và Ban quản lý Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận đã thỏa thuận, ký kết và triển khai thực hiện Quy chế phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn các dự án thành phần do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư thuộc Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Hai bên thảo luận, thống nhất thông qua Quy chế qui định nội dung, biện pháp phối hợp đảm bảo an ninh và an toàn đối với các hoạt động của Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả trong công tác bảo vệ an ninh nội bộ, an ninh kinh tế, phòng ngừa, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn cơ quan.
Công an tỉnh Ninh Thuận, Ban quản lý dự án trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được Nhà nước giao, có kế hoạch phối hợp chặt chẽ bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân có liên quan…. (Theo vietnamplus.vn, ngày 03/5)
‘Viện nghiên cứu biển lưu động’ khởi hành ra Trường Sa

Con tàu này mang theo 22 nhà khoa học của Viện Hàn lâm khoa học Nga và 12 nhà khoa học của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam và đoàn thủy thủ 32 người.
Ngày 2/5 tàu nghiên cứu biển mang tên ‘Viện sĩ Oparin’ bắt đầu khởi hành chuyến nghiên cứu, khảo sát vùng biển nước ta, trong đó đặc biệt chú trọng vùng Trường Sa. Chuyến nghiên cứu sẽ được tiến hành hơn 1 tháng.
Con tàu nghiên cứu biển lưu động lần này mang theo 22 nhà khoa học của Viện Hàn lâm khoa học Nga và 12 nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ngoài ra còn có đoàn thủy thủ 32 người.
Các nhà khoa học sẽ tập trung điều tra toàn diện về đa dạng sinh học và sinh hóa trên toàn vùng biển Việt Nam, bao gồm nghiên cứu các cộng đồng rạn san hô, thu thập và xác định các loại rong biển, sinh vật và vi sinh vật biển để tìm kiếm nguồn các chất chuyển hóa có hoạt tính sinh học mới…. (Theo Đất Việt, ngày 02/5)
Xe máy chạy bằng gas

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dũng bên chiếc xe máy có gắn hệ thống bình gas
- Ảnh: Lê Thanh
Tiến sĩ trẻ Nguyễn Ngọc Dũng (Phòng thí nghiệm động cơ đốt trong của Trường đại học Bách khoa TP.HCM) cùng một số cộng sự đã nghiên cứu thành công công trình khoa học xe gắn máy chạy với hai nhiên liệu xăng và LPG (gas).
Theo đó, trên chiếc xe máy tay ga hiện hữu, Dũng gắn thêm một bình gas nhỏ gọn chứa từ 4 đến 5 kg gas đặt trong cốp xe. Bình cung cấp gas được gia công đặc biệt, tính toán cẩn thận về áp suất, độ bền, chất lượng để đảm bảo an toàn cho phương tiện và người khi sử dụng. Tiếp theo là nghiên cứu một hệ thống cung cấp nhiên liệu gas được thiết kế phù hợp để tích hợp vào hệ thống cung cấp nhiên liệu xăng có sẵn trong xe. Với thiết kế như trên, xe có thể chạy được 500 km mới hết nhiên liệu trong điều kiện bình thường.
Nói về tính ưu việt của công trình này, tiến sĩ Dũng cho rằng: “Việc kết hợp giữa hai nhiên liệu xăng và gas giúp xe có thể đi được quãng đường xa hơn, giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường. Theo tính toán, nồng độ CO phát thải giảm khi xe tăng tốc độ, lượng phát thải CO giảm trên 60% khi xe đạt tốc độ từ 40 km/giờ; nồng độ phát thải CO2 giảm hơn 10% khi sử dụng nhiên liệu khí”…. (TheoThanh niên, ngày 01/5)
Chuyển giao công nghệ - bước ngoặt của công nghiệp Việt Nam

“Chuyển giao công nghệ - bước ngoặt của Công nghiệp Việt Nam” là chủ đề chính của Diễn đàn Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam lần thứ 5 (Vietnam Manufacturing 2013) do Công ty Reed Tradex, Thái Lan phối hợp với Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức ngày 9/5/2015, tại Hà Nội.
Tham dự Diễn đàn sẽ có lãnh đạo các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, lãnh đạo các doanh nghiệp chế tạo Nhật Bản, lãnh đạo và thành viên các tổ chức và hiệp hội liên quan, đại diện Bộ một số bộ, ngành,…
Diễn đàn Vietnam Manufacturing 2013 với chủ đề “Chuyển giao công nghệ - bước ngoặt của Công nghiệp Việt Nam” sẽ là cơ hội để chia sẻ những cơ hội của ngành Công nghiệp ô tô và các ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam; tạo cơ sở để đề xuất giải pháp nhằm duy trì và gia tăng vốn đầu tư Nhật Bản; lĩnh hội tri thức mới để tối đa hóa cơ hội mở rộng thị trường, đồng thời cũng là dịp để các nhà sản xuất, lãnh đạo doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu.
Diễn đàn hứa hẹn sẽ mang đến những nhận định về thực trạng, kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất của các chuyên gia đến từ các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các nhà công nghiệp Việt Nam và Nhật Bản để đạt được các mục tiêu chung…. (Theo truyenthongkhoahoc.vn, ngày 29/4). |