Tin địa phương
Bình chọn được 10 giống lúa mới triển vọng nhất phục vụ sản xuất
Ngày 22/2, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức hội thảo “Đánh giá giống lúa vụ đông xuân 2012-2013”. Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, đại diện ngành nông nghiệp cùng đông đảo nông dân 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và một số tỉnh miền Trung. Tham dự hội thảo, sau khi trực tiếp tham quan, đánh giá các giống lúa tại ruộng thực nghiệm, các đại biểu đã bình chọn ra 10 giống lúa mới triển vọng nhất gồm: OM 2012, OM 10636, OM 9582, OM 8017,… (Theo Báo Cần Thơ, ngày 23/2/2013)
Tin trong nước
Nga cấp 1 tỷ USD cho dự án điện hạt nhân VN
Ngân hàng lớn thứ hai của nước Nga VTB sẵn sàng cung cấp khoản vay trị giá 1 tỷ USD cho dự án xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.
Chi phí xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận ở Việt Nam ước tính vào khoảng 10 tỷ USD. Hồi tháng 11/2012, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã cho biết sẽ cấp một khoản vay của chính phủ cho việc xây dựng nhà máy này.
Các công việc chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy đã được bắt đầu từ tháng 12/2011. Nhà máy dự tính được khởi công xây dựng chính thức vào năm 2014.
Dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam hợp tác với Nga, công suất 2,4 GW, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Nhà máy điện hạt nhân thứ hai, hợp tác với Nhật Bản, với công suất 15 GW dự kiến hoàn thành vào năm 2030….(Theo Báo Đất Việt, ngày 23/2)
Phê duyệt Chương trình nghiên cứu, đào tạo, xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ (KTCN) cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020.
Theo đó, mục tiêu đến 2015, nghiên cứu, phát triển một số công nghệ thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển để bảo đảm sản xuất, cung ứng được khoảng 10 sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao đạt trình độ quốc tế.
Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển khoảng 15 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ sản xuất sản phẩm công nghệ cao; 5 cơ sở nghiên cứu, đào tạo nhân lực công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; 20 nhóm nghiên cứu mạnh về công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
Đến 2020, xây dựng và phát triển khoảng 40 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ sản xuất sản phẩm công nghệ cao; 20 cơ sở nghiên cứu, đào tạo nhân lực công nghệ cao đạt trình độ quốc tế vào năm 2020; 50 nhóm nghiên cứu mạnh về công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực….(Theo Chinhphu.vn, ngày 23/2)
Ninh Thuận: Đảm bảo an toàn cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân
Từ ngày 26.2 đến 1.3, Ban quản lý Điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận phối hợp với Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức hội thảo “Hệ thống đảm bảo và kiểm soát chất lượng trong xây dựng nhà máy ĐHN”.
Theo ông Jeannot Boogard - Trưởng nhóm chuyên gia của IAEA - cần phải xây dựng cho được một nền văn hóa an toàn trong các cơ sở hạt nhân, phải đưa vấn đề an toàn lên cao nhất trong việc quản lý một nhà máy ĐHN. Một trong những nguyên tắc quản lý an toàn cơ bản là phải tích hợp được hệ thống quản lý an toàn; người lãnh đạo cần xem xét mọi tình huống để đưa ra hướng xử lý cần thiết một khi cơ sở hạt nhân xảy ra sự cố. Vì thế, cần phải đào tạo có bài bản những cán bộ, công nhân sẽ vận hành các nhà máy ĐHN của Việt Nam ngay từ bây giờ; phải đảm bảo an toàn ngay từ khâu thiết kế, xây dựng cho đến vận hành….(Theo Lao động, ngày 28/2)
Khoa học và công nghệ năm 2013: Tăng tốc tạo lực đẩy mới
Năm 2013 được xem là năm tăng tốc để tạo lực đẩy mới cho khoa học và công nghệ (KHCN) Việt Nam với những vấn đề lớn như: Thông qua Luật KHCN sửa đổi; Đề án Đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KHCN; khởi động các chương trình quốc gia lớn về KHCN. Việc thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về KHCN cũng đang hứa hẹn là bước ngoặt mang tính quyết định với sự phát triển của ngành….(Theo Hà Nội mới, ngày 1/3)
Việt Nam ưu tiên nghiên cứu về công nghệ sinh học
Ngày 27/2 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo quốc tế về công nghệ sinh học Việt Nam-Ấn Độ với sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ của hai nước Việt Nam và Ấn Độ.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận những vấn đề cụ thể, nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ sinh học của hai nước, trong đó tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, thực phẩm, môi trường… như công nghệ gene nhằm cải tiến sức chịu hạn, chịu mặn của cây trồng thích nghi với biến đổi khí hậu, nghiên cứu và phát triển công nghệ tạo ra các loại có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu ở vùng MeKong, ứng dụng của công nghệ sinh học trên vắcxin, nghiên cứu về khiếm khuyết của gene đối với ung thư và các bệnh về não, nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học trong bảo tồn và phát triển các loại cây dược liệu…(Theo vietnamplus.vn, ngày 27/2).
|