Xã hội-Nhân văn [ Đăng ngày (12/12/2012) ]
Diễn biến lòng dẫn hệ thống sông hạ du sông Đồng Nai-Sài Gòn và kiến nghị các giải pháp phòng tránh
Nghiên cứu do PGS.TS.Hoàng Văn Huân – Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thực hiện nhằm đưa ra các nguyên nhân gây biến đổi lòng dẫn hệ thống sông Hạ Du, sông Đồng Nai-Sài Gòn để có những giải pháp ổn định lòng dẫn, phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai do sạt lở bờ sông, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững ở TP.Hồ Chí Minh và khu vực.

Ảnh minh họa

Tác giả đã nghiên cứu diễn biến, quy luật hình thái sông, nguyên nhân và cơ chế biến đổi lòng dẫn của sông Đồng Nai  từ nhà máy thủy điện Trị An đến hợp lưu sông Đồng Nai - Sài Gòn là đoạn sông nối tiếp giữa trung lưu và hạ lưu của lưu vực sông Đồng Nai;  diễn biến lòng sông Sài Gòn, Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu; tình hình và nguyên nhân gây xói lở lòng sông và sạt lở mái bờ sông ở hạ du sông Đồng Nai – Sài Gòn; xác lập loại hình lòng dẫn của hạ du sông Đồng Nai - Sài Gòn. Sông Đồng Nai thuộc loại hình lòng dẫn xem kẽ giữa đoạn sông thẳng và đoạn sông phân lạch hoặc giữa 2 đoạn sông phân lạch bởi các nút hình thái sông. Các nút hình thái sông tồn tại trong thời gian lịch sử nhất định, có tác dụng điều khiển các quá trình diễn biến lòng sông tạo lòng, điều chỉnh thế sông phía thượng và hạ du. Sông Đồng Nai thuộc loại hình sông phân lạch cong, ít bùn cát ổn định. Bên cạnh đó, tác giả còn nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ để ổn định lòng dẫn hạ du sông Đồng Nai - Sài Gòn với công tác dự báo, di dời và xác định hành lang an toàn sạt lở; định hướng quy hoạch chỉnh trị sông khu vực hạ du sông Đồng Nai Sài Gòn tại các khu vực xói bồi trọng điểm; nghiên cứu phối hợp vận hành hồ chứa thượng lưu để giảm ngập úng, xói lở lòng dẫn hạ lưu và đánh giá tác động của các biện pháp khai thác hạ lưu và giải pháp bảo vệ bờ biển, cửa sông từ kết quả nghiên cứu trường sóng các cửa sông Đồng Nai - Sài Gòn.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, quy luật diễn biến lòng sông, hình thái sông của hạ du sông Đồng Nai - Sài Gòn có những nét đặc thù riêng của sông vùng triều. Hiện tượng cơ bản của quá trình xói bồi, biến hình lòng sông Đồng Nai là xói lở cục bộ theo phương ngang và xói lở phổ biến (theo chiều sâu) dọc theo sông.  Quá trình biến hình lòng sông Đồng Nai tuân theo quy luật biến hình lòng sông của sông phân lạch vùng triều. Sông Sài Gòn thuộc loại hình sông cong tự do,  đặc biệt và khá ổn định về mặt biến hình, có những nét đặc thù riêng về mặt hình thái, khác nhiều so với sông không chịu ảnh hưởng thủy triều và với quy luật hình thái của L. Fargue. Đặc điểm biến hình lòng sông có quan hệ mật thiết với loại hình lòng dẫn của sông. Quá trình xói bồi, biến hình lòng sông Đồng Nai không làm thay đổi loại hình lòng dẫn của Sông Đồng Nai. Sông này thuộc loại hình sông phân lạch cong, ổn định. Sông Sài Gòn ít bùn cát, lòng sông không mở rộng, co hẹp đột ngột, hạn chế sự hình thành bãi bồi giữa sông, chủ yếu là các bãi bên hẹp nằm dọc theo hai bên bờ sông,…     

dtphong
Theo Tuyển tập kết quả KH&CN 2008, Viện Khoa học Thủy lợi VN
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->