Xã hội-Nhân văn
[ Đăng ngày (07/12/2012) ]
|
Nghiên cứu các quá trình biến đổi hàm lượng ô nhiễm hữu cơ trong hệ thống thủy lợi vùng ảnh hưởng triều
|
|
Nghiên cứu do Ths.NCS. Trịnh Thị Long - Viện Khoa học Thủy Lợi miền Nam thực hiện nhằm nghiên cứu quá trình biến đổi hàm lượng ô nhiễm hữu cơ trong hệ thống thủy lợi vùng ảnh hưởng triều, hệ thống thủy lợi ven sông Sài Gòn (Rạch Tra – Vàm Thuật).
|
Ảnh minh họa
Tác giả đã tiến hành khảo sát hiện trường, đo đạc, lấy mẫu phân tích, thống kê, tổng hợp tài liệu và đánh giá hệ thống thủy lợi ven sông Sài Gòn (Rạch Tra - Vàm Thuật) đối với ô nhiễm hữu cơ được xác định bằng các thông số BOD5 và COD.
Hệ thống thủy lợi Rạch Tra - Vàm Thuật với các kênh rạch chằng chịt, nằm ở ven sông Sài Gòn (trong hệ thống Sài Gòn - Đồng Nai), thuộc địa phận thành phố Hồ Chí Minh giới hạn từ Nam Rạch Tra đến phía Bắc sông Vàm Thuật (cửa rạch Bến Cát) có diện tích khoảng 3.560ha, là một dải đất thấp với địa hình có xu thế dốc ngược phía sông cao, càng sâu vào trong càng thấp cộng với sự bồi lắng của các kênh rạch đã làm cho sự tiêu thoát nước rất kém hiệu quả. Phía tây Nam vùng nghiên cứu bị ô nhiễm nặng vì nước thải từ thành phố thải vào các kênh Tham Lương – Bến Cát – Vàm Thuật với mức độ ô nhiễm ở các kênh này thuộc vào loại nặng nhất thành phố Hồ Chí Minh. Mẫu được lấy trên toàn vùng nghiên cứu, ở các sông/kênh chính và kênh rạch nhánh bao quanh vùng nghiên cứu và trong nội vùng nghiên cứu vào mùa mưa và mùa khô, vào lúc đỉnh triều và chân triều, lúc nước ròng và nước lớn cùng với các đợt đo tăng cường từng giờ, trong các năm từ 2002 - 2004. Tất cả các số liệu được phân tích theo Standard methods tại các phòng thí nghiệm đã được công nhận LAS hoặc VILAS. Oxy hòa tan được đo trực tiếp trên sông bằng máy với 5 chỉ tiêu khác: pH, t°C, S‰, TDS and EC. Độ chính xác của máy đã được kiểm định tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (QUATEST 3) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở vùng có thủy triều tác động, hàm lượng ô nhiễm hữu cơ thay đổi theo thủy triều, theo mùa và theo con nước. Chất lượng nước ở các kênh rạch trong vùng nghiên cứu có biểu hiện xấu hơn về mùa khô và được cải thiện về mùa mưa. Chất lượng nước ở các sông kênh bao quanh vùng nghiên cứu bị tác động mạnh mẽ bởi thủy triều hơn so với các kênh rạch nội vùng. Ở vùng ảnh hưởng mạnh của thủy triều, nồng độ các chất ô nhiễm hữu cơ phụ thuộc vào quá trình pha loãng (quá trình tải – khuếch tán: biến đổi vật lý) chứ không phải các quá trình hóa sinh, hệ số pha loãng khoảng 1,8-2,5. |
dtphong
Theo Tuyển tập kết quả KH&CN 2008, Viện Khoa học Thủy lợi VN |