Từ sản xuất xanh…
Theo Chiến lược Tăng trưởng xanh, ngành sản xuất sẽ được rà soát, điều chỉnh theo hướng sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên; tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm. Tuy nhiên, không ít chuyên gia lo ngại cho rằng chỉ tiêu đến năm 2020, giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh trong GDP là 42 - 45% là khá cao. “Nếu không có những giải pháp phù hợp, mục tiêu đặt ra khó có thể tác động vào thực tế và dễ chìm vào quên lãng” - một chuyên gia góp ý.
Thực tế cho thấy, với trình độ công nghệ vẫn ở mức thấp, tốc độ đổi mới công nghệ còn diễn ra chậm chạp thì mục tiêu đặt ra rất khó thực hiện. Có thể nói sự thành công trong phát triển kinh tế xanh của Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào công nghệ của các nước phát triển, đặc biệt là những công nghệ liên quan đến kiểm soát phát thải khí nhà kính. Mặc dù đã có những nhà đầu tư nước ngoài mang tới công nghệ hiện đại nhưng con số này còn rất hạn chế.
Cùng với đó là khá nhiều doanh nghiệp không tự giác tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, chỉ vận hành hệ thống xử lý nước thải khi bị cơ quan chức năng quản lý môi trường phát hiện và xử phạt. Nước ta đã có hệ thống pháp lý và dự án, chương trình kiểm soát môi trường, quản lý tài nguyên nhưng việc thực thi pháp luật còn quá yếu. Do đó, phê duyệt chiến lược cũng đồng nghĩa với việc hệ thống pháp lý phải được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản. Trong thời gian tới, tăng cường công tác kiểm tra doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm môi trường nghiêm trọng là rất cần thiết đồng thời phải phối hợp với các phương tiện truyền thông để công khai thông tin những đơn vị vi phạm.
Theo các chuyên gia, thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, trong đó có xanh hóa sản xuất, doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chính vì vậy muốn sản xuất xanh, các doanh nghiệp phải sắp xếp lại cơ cấu, đặc biệt hạn chế phát triển ngành phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường kết hợp với sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên. Bên cạnh đó, “phát triển mạng lưới các trung tâm nghiên cứu, tăng cường hợp tác quốc tế để thực hiện chuyển giao công nghệ, đầu tư khoa học kỹ thuật nhằm sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng là những giải pháp quan trọng giúp việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng đạt hiệu quả cao” - Phó viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ TN - MT Nguyễn Thế Chinh nhấn mạnh.
…đến tiêu dùng xanh
Xanh hóa lối sống cũng là mục tiêu quan trọng của chiến lược “nhằm hình thành lối sống hòa hợp với thiên nhiên và tạo lập thói quen tiêu dùng bền vững. Những chỉ tiêu đặt ra dựa trên cơ sở kết hợp nếp sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh để tạo nên đời sống tiện nghi, chất lượng cao mang đậm bản sắc dân tộc cho xã hội hiện đại.” - Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục tài nguyên và môi trường, Bộ KH - ĐT Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Lối sống xanh, tiêu dùng xanh đồng nghĩa với việc người dân tích cực sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, nói không với túi nilon, ống hút nhựa, tiết kiệm điện hay sử dụng phương tiện ít phát thải… Từ đó, đạt chỉ tiêu đến năm 2020, 60% đô thị loại III có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt chuẩn; 40% đối với đô thị loại IV, V và các làng nghề; 100% khu vực bị ô nhiễm nặng được cải thiện môi trường; tỷ lệ đô thị lớn và vừa đạt tiêu chí đô thị xanh là 50%.
Thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh trước mắt nên tập trung chủ yếu vào giáo dục, nâng cao ý thức người dân, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu nhằm tạo ra sự đồng thuận trong việc thực thi các kế hoạch tăng trưởng xanh trong tương lai ở các khâu khai thác, sản xuất và tiêu dùng. Điều đáng nói là các cơ quan chức năng phải bảo đảm duy trì hoạt động tuyên truyền được thường xuyên, thông tin tuyên truyền cụ thể, sát thực đến cộng đồng, giúp người dân nhận diện rõ đâu là sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, nhận thức được hậu quả của việc sử dụng lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng trong sinh hoạt.
Nhằm bảo đảm tính hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường không thể thiếu sự phối hợp và đồng thuận giữa người dân, nhà phân phối, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng. Tuy nhiên ngoài sự hợp tác đó, rất cần xây dựng chính sách và thể chế hỗ trợ phù hợp. Điều quan trọng là chính sách và thể chế được xây dựng phải dựa trên nguyên tắc bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng. |