Sự ảo tưởng trong trí óc khi ngủ có nguồn gốc từ chính những trải nghiệm hàng ngày. (Ảnh: Internet) |
Phát biểu trong cuộc thảo luận “The Strange Science of Sleep and Dreams” diễn ra hôm thứ 6 (ngày 9/ 11) vừa qua, nhà thần kinh học Matthew Wilson, thành viên ban hội thẩm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học New York cho biết: “Cấu trúc và nội dung của tư duy cũng giống như cấu trúc và nội dung của giấc mơ, là sản phẩm của cùng một cỗ máy”.
Giấc mơ cho phép bộ não làm việc căn cứ vào những trải nghiệm có ý thức của nó. Trong đó, não đóng vai trò như một bộ máy thần kinh kiểm tra các khía cạnh, thông tin trong quá khứ và tương lai. “Những gì chúng ta ghi nhớ là kết quả của giấc mơ chứ không phải bằng cách nào khác”, Wilson nói.
Trong nghiên cứu của mình, Matthew Wilson cùng Erin Wamsley, một nhà khoa học giấc ngủ tại Trung tâm Y tế Beth Israel thuộc trường Y khoa Harvard đã tập trung vào mối quan hệ giữa bộ nhớ và giấc mơ trong giai đoạn giấc ngủ non-REM (mắt không chuyển động nhanh, có thể hiểu là ngủ chập chờn). Thông thường, quá trình mơ thường xảy ra vào giai đoạn REM (chuyển động mắt nhanh, nôm na là ngủ say), tuy nhiên, trạng thái non-REM cũng mang đến những giấc mơ tuy có phần rời rạc hơn.
Trước đó, trong một báo cáo công bố trên tạp chí Current Biology vào tháng 4/2010, Wamsley nhận thấy khi bắt đầu bước vào non-REM, nhóm tình nguyện viên thường mơ về một trò chơi video vừa chơi cách đây vài tiếng, hiệu suất đạt được trong giấc mơ cũng tăng đáng kể so với khi họ tỉnh táo. Mặc dù nghiên cứu này tập trung vào non-REM nhưng sự kết hợp với quá trình tiếp thu kiến thức, học tập kinh nghiệm xảy ra trong tất cả các giai đoạn của giấc ngủ.
Để làm rõ mối quan hệ giữa giấc mơ và khả năng học tập, ghi nhớ, Wamsley đã yêu cầu người tham gia chơi một trò chơi khác về môn thể thao di chuyển trên ván trượt tuyết và mô tả lại giấc mơ của mình. Ban đầu, trong giấc mơ, họ thấy mình tham gia trực tiếp vào trò chơi, chẳng hạn như tập luyện. Nhưng khi rơi vào giấc ngủ sâu hơn, bộ não sẽ sàng lọc kinh nghiệm cụ thể giúp họ biết làm thế nào để có thể trượt tuyết một cách dễ dàng.
Trong tương lai, khoa học có thể phát triển những phương pháp kiểm soát chức năng nhận thức được tăng cường bởi giấc ngủ, “biến giấc ngủ và giấc mơ thành công cụ dạy và học về những điều diễn ra lúc chúng ta có ý thức”, Wilson nhận định thêm. |