Xã hội-Nhân văn
[ Đăng ngày (24/09/2012) ]
|
Nghiên cứu hiệu quả ghép tế bào gốc trung mô tách từ màng dây rốn người trên vết thương bỏng nhiệt thực nghiệm
|
|
Nghiên cứu do các tác giả thực hiện Đinh Văn Hân, Phan Minh Hoàng và Lương Quang Anh – Học viện Quân y thực hiện nhằm đánh giá tác dụng ghép tế bào gốc trung mô màng dây rốn người (TBGTMMDRN)trên quá trình liền vết thương bỏng nhiệt thực nghiệm, đồng thời đánh giá ảnh hưởng của cấy ghép trong việc gây nhiễm khuẩn vết thương và tính sinh miễn dịch của tế bào ghép.
|
Ghép tế bào đã được dùng khá phổ biến trong điều trị các vết thương bỏng, đặc biệt các tổn thương diện tích rộng hoặc các vết thương mạn tính. Những nghiên cứu về tế bào gốc đã chứng minh, hằng ngày cơ thể con người được đổi mới thay thế những tế bào già chết do nguồn các tế bào gốc biệt hóa thành những tế bào chức năng. Khi bị thương, các tế bào gốc sẽ di cư từ tủy xương, từ các mô khác nhau và ngay cả bên cạnh tổn thương đến để biệt hóa thành các tế bào chức năng làm liền vết thương. Tuy nhiên, việc ghép tế bào gốc để điều trị vết thương bị hạn chế bởi vấn đề số lượng tế bào gốc trưởng thành hoặc bởi vấn đề y đức nếu là tế bào gốc phôi thai.
Đối tượng nghiên cứu là TBGTMMDRN thuộc dòng tế bào P53 được phân lập từ màng dây rốn của trẻ sơ sinh và môi trường chuyên dụng nuôi cấy TBGTMMDRN do Ngân hàng Tế bào gốc MekoStem cung cấp. Thỏ đực 15 con, cân nặng trung bình 2,0 ± 0,2 kg do Ban cung cấp động vật thí nghiệm Học viện Quân y cung cấp. Thỏ được nuôi đảm bảo theo tiêu chuẩn thực nghiệm. Các hóa chất dùng cho nuôi cấy tế bào là hóa chất đạt tiêu chuẩn nuôi cấy mô và tiêu chuẩn phân tích do các hãng Invitrogen, Merck, Sigma cung cấp.
Qua nghiên cứu cho thấy, trên các vết bỏng thực nghiệm ở thỏ, tế bào gốc trung mô của dây rốn người đã có những biểu hiện làm tăng quá trình liền vết thương so với nhóm chứng. Tác dụng của tế bào gốc trung mô trong việc hạn chế nhiễm khuẩn tại vết bỏng chưa thể hiện rõ ràng. Trong khi đó việc ghép tế bào gốc trung mô làm cho diễn biến mô học tại vết bỏng thuận lợi hơn cho quá trình liền vết thương. Các TBGTMMDRN khi được ghép dị loài vào vết bỏng trên thỏ sinh kháng thể kháng TBGTMMDRN. Hoạt tính kháng thể không mạnh và giảm nhanh sau khi ngừng cấy ghép tế bào. |
Cẩm Tú
Theo Tạp chí Dược học số 436 |