Cơ khí [ Đăng ngày (14/09/2012) ]
Robot làm hướng dẫn viên bảo tàng
“Xin chào quý khách, tôi là robot hướng dẫn bảo tàng”. Loại robot mới này do Viện nghiên cứu quốc tế MICA (Đại học Bách khoa Hà Nội) chế tạo.

Robot hướng dẩn bảo tàng có khả năng hiểu một số câu hỏi của khách thăm quan, đồng thời sẽ giới thiệu cho khách thăm quan bằng tiếng nói nhiều thông tin liên quan đến các hiện vật trưng bày.

Robot nói tiếng người

“Xin chào quý khách, tôi là robot hướng dẫn bảo tàng. Tôi có thể giúp gì quý khách? Quý khách đang thăm quan khu vực trưng bày hiện vật văn hóa của người Chăm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Bên phải quý khách là nơi trưng bày đồ gốm với hàng trăm hiện vật, được làm ra bởi chính bàn tay khéo léo, sự cần cù, thông minh, sáng tạo của người Chăm…”

Đây là những tiếng nói được phát ra từ con robot hướng dẫn bảo tàng vừa được triển khai thử nghiệm tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam.

“Tôi không nghĩ mình đang tương tác với người máy mà là đang trò chuyện với một hướng dẫn viên bảo tàng thực thụ”, bạn Nguyễn Anh Tuấn, sinh viên trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết cảm tưởng ngay lần đầu tiên tiếp xúc và tương tác với  robot hướng dẫn bảo tàng tại Bảo tàng Dân tộc học . 

Tuấn cho biết, robot có thể phân biệt được người nào đứng trước và đang trò chuyện với nó qua cảm biến camera cực kỳ thông minh và âm thanh phát ra rất sắc nét. Tôi  thích “con” robot này”, Tuấn nói.

Theo TS Lê Thị Lan, Trưởng phòng Thị giác máy tính (Viện nghiên cứu quốc tế MICA), robot này cao 1 mét, chạy điện và di chuyển bằng bánh xe. Nó được gắn một webcam camera ở phần trên của robot giúp thực hiện các chức năng thị giác của máy tính, một micro để thực hiện việc nhận dạng tiếng nói cũng như nhận biết cảm xúc qua giọng nói và tám cảm biến hồng ngoại phục vụ cho các bài toán liên quan đến việc di chuyển của robot như phát hiện và tránh vật cản. 

Ngoài ra, robot còn được bổ sung một số thiết bị ngoại vi và xây dựng chương trình điều khiển robot bao gồm một màn hình cảm ứng và hai camera chất lượng cao. Việc bố trí này nhằm giúp cho robot quan sát được mặt người và cử chỉ của người đối thoại. Thông qua màn hình cảm ứng, robot nhận lệnh điều khiển của người dùng và giới thiệu thông tin đến người dùng dưới dạng cả hình ảnh tĩnh và hình ảnh động. 

“Robot này hiểu được cảm xúc vui buồn của người đối diện đang tương tác xem họ cần gì, họ có hài lòng hay không hài lòng với câu trả lời của mình, nhận diện được các cử chỉ tay vẫy của người dùng để hành động chứ không phải nhận lệnh bằng bàn phím hay bảng điều khiển nữa”, TS Lan cho hay.

Để sử dụng robot này trong ứng dụng hướng dẫn bảo tàng, nhóm nghiên cứu phải xây dựng một cơ sở dữ liệu về các hiện vật trưng bày có trong bảo tàng dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia bảo tàng như đồ gốm sản xuất ở đâu? Sản xuất như thế nào? Do dân tộc nào chế tác và dùng để làm gì?...Khi có người tương tác với robot, hỏi robot thông tin gì thì robot sẽ chiết xuất thông tin có trong cơ sở dữ liệu ra để trả lời khách thăm quan. 

PGS.TS Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhận định, ý tưởng đưa robot vào hướng dẫn bảo tàng của nhóm nghiên cứu Viện nghiên cứu quốc tế MICA  rất độc đáo và mới lạ ở Việt Nam. Lúc thử nghiệm với khách thăm quan đặc biệt là thanh niên rất hứng thú, nếu có thể kết hợp tăng mức độ khám phá để thu hút thêm đối tượng là các em nhỏ nữa thì sẽ hiệu quả hơn.

Để robot nói như người

TS Nguyễn Quốc Cường, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quốc tế MICA cho rằng, trong ngành công nghiệp chế tạo robot, vấn đề điều khiển robot theo cách thân thiện với con người là vấn đề đã và đang được quan tâm nghiên cứu.

Robot hướng dẫn bảo tàng bắt đầu được thực hiện từ giữa năm 2009, sử dụng hai phương thức tiếng nói và hình ảnh. Đây là hai phương thức trao đổi thông tin tự nhiên của con người. 

Một robot được cài đặt hệ thống tương tác nói trên sẽ đóng vai trò của người hướng dẫn dẫn viên trong bảo tàng. Robot có khả năng hiểu một số câu hỏi của khách thăm quan, đồng thời sẽ giới thiệu cho khách thăn quan thông tin liên quan đến các hiện vật trưng bày. Robot hướng dẫn bảo tàng đã được thử nghiệm cho một khu vực trưng bày hiện vật của dân tộc Chăm, Khmer, Hoa với cơ sở dữ liệu khoảng 500 thông tin.

Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, cái khó nhất là làm thế nào để  robot  hiểu chính xác yêu cầu của khách thăm quan và độ tự nhiên trong việc trả lời lại yêu cầu đấy. Việc robot nhận diện chính xác tiếng nói, hình ảnh và cử chỉ tay của khách và trả lời đạt được độ tiếng nói giống như người sẽ làm cho khách thăm quan thích thú khi nghĩ đó là người trả lời, chứ không phải là tiếng của một cái máy.

“Chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để nó có thể nghe nói tự nhiên hơn, nhận dạng chính xác hơn, cải tiến độ vọng, chống nhiễu sóng…” TS Cường nói.

Minh Cường
Theo Đất Việt (htthanh)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn



Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->