Mẫu xương sọ của một chủng người riêng biệt vừa được tìm thấy. (Nguồn: Fred Spoor) |
Phát hiện này cho thấy ít nhất ba chủng người khác nhau đã cùng sinh sống cùng thời ở châu Phi thời cổ đại.
Nghiên cứu cung cấp thêm bằng chứng bác bỏ niềm tin lâu nay cho rằng có sự tiến hóa theo đường thẳng từ vượn sang người.
Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học Nature, các nhà nhân chủng học phát hiện ra 3 mẫu hóa thạch xương người có từ cách đây 1,78 – 1,95 triệu năm. Các mẫu hóa thạch gồm xương mặt và xương hàm cùng với răng.
Năm 1972, các nhà khoa học tìm thấy một mẫu xương sọ của chủng người Homo rudolfensis, mang đặc điểm hoàn toàn khác so với các chủng người từng được biết đến trước đó. Với đặc điểm hộp sọ lớn và mặt dài, xương sọ đó khác hoàn toàn so với tất cả các mẫu xương sọ được tìm thấy cho tới thời điểm đó.
Nhưng trong suốt 40 năm qua, xương sọ này chỉ được coi là ví dụ duy nhất về một loài sinh vật, mà không đủ để khẳng định rằng từng có một chủng người hoàn toàn khác từng tồn tại.
Với việc phát hiện ra 3 mẫu hóa thạch mới ở miền bắc Kenya, các nhà nghiên cứu có thể khẳng định chắc chắn hơn rằng chủng người H.rudolfensis thực sự là chủng người riêng biệt, tồn tại khoảng 2 triệu năm trước đây cùng với các chủng người khác.
Trong một thời gian dài, tổ tiên cổ xưa nhất của loài người là người nguyên thủy Homo erectus, sống cách đây 1,8 triệu năm. Họ có đầu nhỏ, trán nhô ra và đứng thẳng.
Nhưng cách đây 50 năm, các nhà nghiên cứu phát hiện ra một chủng người nguyên thủy hơn, mang tên Homo habilis – có thể đã cùng tồn tại với chủng người H. erectus. Với phát hiện gần đây, tổ tiên của con người hiện đại ngày nay lại được bổ sung thêm một chủng người nữa. |