Xã hội-Nhân văn [ Đăng ngày (14/07/2012) ]
Ứng dụng GIS và GPS hỗ trợ công tác quan trắc và quản lý hệ thống thu gom – trung chuyển chất thải rắn đô thị ở TP. Cần Thơ
Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Thị Lành, Nguyễn Hiếu Trung, Nguyễn Phúc Thanh (Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường ĐHCT) và Yasuhiro Matsui (Khoa SĐH về Quản lý Môi trường, ĐH Okayama, Nhật Bản ) thực hiện.

Trong nghiên cứu này, các tác giả đã ứng dụng GIS/GPS trong quan trắc và quản lý chất thải rắn (CTR) nhằm đánh giá hiện trạng hiệu quả hoạt động của hệ thống thu gom - trung chuyển CTR bằng xe kéo tay. Mục tiêu nghiên cứu nhằm ứng dụng công cụ GIS/GPS  để đánh giá các thông số thu gom một xe kéo tay (trên một đơn vị thể tích hoặc một đơn vị khối lượng), cụ thể: thời gian, đoạn đường, vận tốc. Bên cạnh đó, đánh giá các hoạt động thu gom CTR bằng xe kéo tay như: (i) di chuyển từ bãi đậu xe đến nơi lấy CTR, (ii) di chuyển từ nơi thu gom CTR cuối cùng đến điểm hẹn, (iii) chờ đợi, (iv) đổ (trung chuyển) CTR, (v) di chuyển của xe kéo tay ở mỗi chuyến hoặc cả ngày. Qua đó phân tích những khó khăn và thuận lợi của hệ thống hiện tại làm cơ sở cho những nghiên cứu chuyên sâu trong tương lai.

Một cuộc khảo sát kéo dài một tuần đối với 35 xe kéo tay tại 9 điểm hẹn (điểm trung chuyển) kết quả cho thấy, để thu gom 1m3 CTR thì xe loại 1 (660L) sử dụng thời gian ít nhất kế đến là xe loại 2 (1.000L) và thời gian lâu nhất thuộc về xe loại 3 (1.000L - có gắn động cơ). Khoảng cách thu gom 1m3 CTR  của xe loại 1 ngắn nhất, tiếp đến là xe loại 2 và xe loại 3 thì dài nhất. Trung bình 3 loại xe mỗi chuyến thực hiện trung chuyển mất 1,1± 0,9 phút nhưng thời gian đợi ở mỗi điểm hẹn khá lâu là 46,6±37,3 phút (lâu nhất lên đến 187,8 phút), trong khi đó thời gian trung  ình cho một chuyến thu gom chỉ là 42,8±20,3 phút. Trong thời gian khảo sát, tổng thời gian một chuyến có khi kéo dài đến 320,9 phút tức hơn 5 giờ tuy thời gian thực sự dành cho thu gom không nhiều. Điều này làm giảm năng suất lao động, đồng thời gây ô nhiễm, mất mỹ quan và lây lan dịch bệnh tại các điểm hẹn trên đường, do đó vai trò của trạm trung chuyển là rất quan trọng và thiết yếu.  Vì vậy, nên sớm đưa trạm trung chuyển hẻm 190 vào hoạt động cũng như bổ sung tạm trung chuyển cho thành phố Cần Thơ, đồng thời phải có xe dự bị để phòng trường hợp xe hư hỏng và nên đồng bộ lại xe kéo tay.

Bên cạnh đó, nghiên cứu còn chỉ ra rằng GIS và GPS đã hỗ trợ đắc lực công tác quản lý hệ thống thu gom và trung chuyển CTR, nó tạo điều kiện thuận tiện cho người quản lý dễ dàng truy cập thong tin một cách nhanh chóng, hiệu quả, chính xác,…Đây sẽ là tài liệu tham khảo quan trọng giúp thành phố tiến hành thiết kế lịch trung chuyển thật chuẩn để công nhân không đợi lâu, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới thu gom CTR hợp lý hơn, nhân rộng mô hình các trạm trung chuyển cố định, và lực chọn xe kéo tay (thể tích hoặc thiết kế) cho phù hợp với từng khu vực thu gom.

nhoanh
Theo Tạp chí Khoa học 2011:21b (Trường Đại học Cần Thơ)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->