Môi trường [ Đăng ngày (08/02/2011) ]
Nhóm 10 nước "xanh" nhất thế giới
Dựa trên môi trường của mỗi nước, Trường đại học Yale của Mỹ đã đánh giá nhóm 10 nước "xanh" nhất thế giới gồm:

1- Iceland: Được đánh giá là một trong những nước đẹp nhất thế giới, Iceland có các sông băng, núi lửa và các thác nước. Iceland đứng đầu danh sách các quốc gia xanh nhất. Mặc dù chỉ là một hòn đảo khá nhỏ, nhưng Iceland đã chứng minh rằng diện tích đất nước nhỏ nhưng nó có khả năng thực hiện được những tác động rất lớn đối với hệ sinh thái.

Iceland  có thể tự hào nói rằng, chỉ có 18% các nguồn năng lượng của nước này là từ than đá, 82% còn lại là từ hydro và năng lượng địa nhiệt. Nước này hy vọng sẽ trở thành nước đầu tiên sử dụng hoàn toàn nguồn năng lượng sạch này.

2- Thụy Sỹ: Thụy Sỹ đã được kiểm chứng là quốc gia thân thiện với hệ sinh thái và bảo vệ môi trường. Năm 1914, nước này tạo ra Vườn Quốc gia Alpine đầu tiên nằm trong dãy núi Alps. Trong một số thành phố của Thụy Sỹ, xe ôtô không được phép hoạt động. Ngoài ra, Chính phủ thúc đẩy các hoạt động thân thiện với hệ sinh thái.

3- Costa Rica:  Nước này đã đặt ra mục tiêu rất cao để thành quốc gia xanh. Đến năm 2021, Costa Rica hy vọng sẽ sử dụng nhiều nguồn tài nguyên tái tạo, rất thân thiện với hệ sinh thái.

Trong nhiều thập kỷ qua, Costa Rica đã ngăn cản được nạn phá rừng. Hiện nay, Costa Rica tập trung vào tái trồng rừng. Trong thực tế, năm 2008, quốc gia này đã trồng hơn 5.000.000 cây, không chỉ với mục đích tăng cường phủ xanh mà còn để làm giảm lượng khí thải.

4- Thụy Điển: Từ những năm 1980, với mục tiêu làm giảm khí thải carbon, Thụy Điển đã tập trung vào việc sử dụng thủy điện, điện hạt nhân và phong điện. Một cách chính mà Thụy Điển dùng để làm xanh là sử dụng tất cả các mảnh rừng của mình. Mặt khác, Chính phủ quyết định tận dụng mùn cưa các loại gỗ  được sử dụng cho các dự án để làm ra các viên gỗ, rồi sau đó đem bán cho các hộ gia đình để tạo ra nhiệt. Thụy Điển cũng đã quyết định cắt giảm số lượng nhiên liệu sử dụng trong vận chuyển.

5- Na Uy: Đến năm 2030, Na Uy hy vọng sẽ là một quốc gia carbon trung tính. Điều này có nghĩa, nước này có kế hoạch trở thành một quốc gia xanh, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, trước năm 2030, Na Uy cũng có kế hoạch cắt giảm tổng lượng chất thải tới 40%. Ví dụ, nước này muốn tập trung sử dụng đường sắt nhiều hơn, cũng như tìm kiếm nguồn nhiên liệu thay thế thân thiện với môi trường. Những người sử dụng nhiên liệu diesel sẽ phải trả lệ phí cao hơn. Từ năm 2009, việc sử dụng hệ thống sưởi chạy bằng dầu bị cấm.

6- Mauritius: Là một hòn đảo ngoài khơi bờ biển châu Phi và dù là đất nước nhỏ bé nhưng Mauritius vẫn quyết thực hiện các kế hoạch táo bạo để làm xanh trái đất.  Hiện tại, quốc gia này đang tập trung vào năng lượng gió và sử dụng các nhà máy mía đường để tạo ra nhiên liệu, đặc biệt là cho nồi hơi. Tuy nhiên, quá trình làm xanh đất nước có lẽ cũng không dễ dàng với Mauritius vì những hạn chế về nguồn lực.

7- Pháp: Pháp là một quốc gia thân thiện với hệ sinh thái. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã thúc đẩy hoạt động bảo tồn năng lượng cũng như môi trường. Một trong những kế hoạch mà Tổng thống Sarkozy đã đặt ra là cải tạo tất cả các tòa nhà hiện có để bảo tồn năng lượng, giảm khí thải nhà kính 20% vào năm 2020, tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo từ 9% lên 20-25%, tăng chăn nuôi hữu cơ và tạo ra một tổ chức chỉ tập trung xem xét và thử nghiệm cây trồng biến đổi gen. Hiện tại, 80% lượng điện của Pháp là điện hạt nhân. Để khuyến khích việc sử dụng các tấm pin mặt trời, Nhà nước quyết định giảm thuế nếu chủ nhà sử dụng năng lượng này.

8- Áo: Thế vận hội Mùa đông 2010 là một trong những sự kiện nằm trong kế hoạch "xanh" của Áo. Ủy ban Ôlympic Áo cũng như một số Đài truyền hình thiết lập một ngôi nhà "thụ động" tại Whistler. Ngôi nhà thụ động này không sử dụng hệ thống làm mát hoặc sưởi ấm bằng phương pháp thông thường. Năng lượng tiết kiệm được ở các ngôi nhà này lên tới 80%.

9- Cuba: Cuba là một quốc gia với hầu hết những người sống ở trong nước đi lại chỉ bằng xe đạp hoặc đi bộ. Nhiều người kiếm tiền bằng cách bán cây trồng và chăn nuôi gia súc. Cuba hiện đang nỗ lực tái sử dụng đất nông nghiệp, giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu độc hại và đã quyết định chỉ sử dụng sản phẩm hữu cơ trên tất cả các trang trại. Cuba cũng đặt kế hoạch phát triển nguồn năng lượng thủy điện.

10- Colombia: Là đất nước phải hứng chịu rất nhiều từ nạn phá rừng, bạo lực và xung đột chính trị, nhưng cũng từ đó, Colombia đã nhận ra những tiêu cực như là một bài học và bắt đầu hành động với mục đích làm môi trường nước mình nói riêng và trái đất nói chung tốt hơn. Chính phủ Colombia đã có những nỗ lực để biến đất nước mình thành một trong những quốc gia thân thiện với môi trường. Các kiến trúc sư ở Colombia đã bỏ thép và bắt đầu sử dụng tre. Thậm chí thời trang cũng có sự "cải tổ". Nhà thiết kế Maria Nubia Ayala đã tạo ra một dòng quần áo bằng cách sử dụng lá và hoa.

Linh Phương/Monrenet (nhoanh)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Đầu tư hệ thống đường sắt - Cơ hội để phát triển công nghiệp hỗ trợ
Định hướng về phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã được Bộ Chính trị nêu rõ trong Kết luận 49-KL/BCT, đó là “- Huy động tối đa các nguồn lực, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi cụ thể, phù hợp với điều kiện và kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong đó, xác định nguồn lực trong nước là cơ bản, lâu dài; ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, tạo đột phá. Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam là trục "xương sống", khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối hiệu quả với các tuyến đường sắt đô thị, các trung tâm kinh tế lớn, đầu mối vận tải trong nước (cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế) và liên vận quốc tế. - Tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp đường sắt đồng bộ với các ngành công nghiệp khác”.


Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->