Quốc tế [ Đăng ngày (09/02/2011) ]
Sức Xuân ngoại giao Việt Nam
Năm 2010, hoạt động đối ngoại của Việt Nam đầy ắp những sự kiện quan trọng, sôi động, đóng góp có hiệu quả vào việc duy trì môi trường hoà bình, tranh thủ các điều kiện quốc tế, thuận lợi cho công cuộc phát triển và bảo vệ của Việt Nam.

Việt Nam góp phần nâng cao vị thế, uy tín của ASEAN

Trong năm qua, đất nước ta đã diễn ra một trong những sự kiện đáng nhớ nhất là trên cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công mỹ mãn Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 và các Hội nghị liên quan.

Mỗi hội nghị có sự tham gia của hàng nghìn đại biểu và phóng viên báo chí trong và ngoài nước. Riêng Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 và các cấp cao liên quan tổ chức tại Hà Nội tháng 10/2010, nước ta đã đón 17 nguyên thủ quốc gia, gồm Tổng thống và Thủ tướng từ các nước ASEAN, các nước đối thoại của ASEAN, Tổng Thư ký LHQ, Tổng Thư ký ASEAN, nhiều Bộ trưởng, quan chức cao cấp và hơn 2.560 đại biểu dự họp; đón gần 800 phóng viên quốc tế đến đưa tin.

Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 đã quyết định nhiều vấn đề hệ trọng. Trong đó đã thông qua 3 văn kiện về Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN; Tuyên bố về phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng phục hồi, phát triển bền vững; Tuyên bố về nâng cao phúc lợi và phát triển cho phụ nữ và trẻ em.

ASEAN nhất trí thúc đẩy một cấu trúc khu vực trên các tiến trình hợp tác khu vực hiện có, đan xen, bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, trong đó ASEAN giữ vai trò chủ đạo; đã bàn đến giải pháp ứng phó với  những thách thức toàn cầu như an ninh năng lượng và lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… ASEAN còn nhất trí cao đẩy mạnh quan hệ đối ngoại thông qua nhiều khuôn khổ khác nhau, đồng thời giữ vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình. ASEAN đã quyết định mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) để Nga và Hoa Kỳ tham gia từ năm 2011 trên cơ sở ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN.

Trong việc tổ chức các hội nghị này, sự linh hoạt, khéo léo và lịch thiệp của Thủ tướng  Nguyễn Tấn Dũng khi điều hành các hội nghị đã tạo dấu ấn đặc biệt - Dấu ấn Việt Nam, được các đại biểu quốc tế đánh giá rất cao. Điều quan trọng là Thủ tướng đã đưa ra được những định hướng ưu tiên, thu hẹp các khác biệt, tạo ra sự đồng thuận để đi đến những quyết sách có tầm chiến lược đối với khu vực và thế giới.

Thành công đó đã nâng cao vị thế và uy tín của ASEAN và Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, góp phần đẩy mạnh thực hiện lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống .

Các tướng lĩnh bàn chuyện hoà bình và hợp tác

Hội nghị các Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM +) tổ chức tại Hà Nội là Hội nghị đầu tiên ở một dạng mới, có tầm quan trọng đặc biệt về hợp tác quốc phòng-an ninh trong khu vực.

18 Bộ trưởng Quốc phòng từ những nước có chế độ chính trị-xã hội rất khác nhau tề tựu ở Hà Nội để bàn chuyện hoà bình và hợp tác. Đấy là các Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand. Sự có mặt của các vị Bộ trưởng ở Hà Nội là một sự kiện chính trị- quân sự lớn được toàn thế giới quan tâm.

Hội nghị thể hiện xu thế hoà bình, hợp tác trong khu vực vẫn nổi trội, do uy tín và sức hút của ASEAN, do sự khéo léo, năng động và thành tâm của nước chủ nhà Việt Nam là tiền đề của thành công.

Hội nghị ADMM+ cho rằng, các thách thức an ninh hiện nay ở khu vực cũng như trên phạm vi toàn thế giới ngày càng phức tạp và mang tính xuyên quốc gia, đòi hỏi sự hợp tác giữa các nước trong khu vực. Hội nghị cam kết thúc đẩy ADMM+ thành một diễn đàn quốc phòng và an ninh nhằm đóng góp hữu ích cho hoà bình, an ninh khu vực.

Thượng tướng Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc khái quát kết quả Hội nghị ADMM+ đầu tiên: “Mục đích rõ ràng, chuẩn bị chu đáo, tầm nhìn chiến lược, quan điểm hài hoà”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Hội nghị này là bước phát triển mới, quan trọng trong hợp tác quốc phòng của ASEAN và cũng là một sự kiện quan trọng trong Năm Chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam”.

Chưa đầy 2 tháng sau, Hội nghị Nhóm Công tác quan chức quốc phòng cao cấp các nước ADMM+ đã họp tại Đà Lạt để bàn ngay việc triển khai trên thực tế các quyết định của Hội nghị ADMM+.

Theo đó, Việt Nam và Trung Quốc làm đồng Chủ tịch Nhóm hợp tác hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm hoạ; Malaysia và Australia làm đồng Chủ tịch Nhóm  hợp tác an ninh biển; Philippines và New Zelaend làm đồng Chủ tịch Nhóm hoạt động gìn giữ hoà bình; Sigapore và Nhật Bản làm đồng Chủ tịch Nhóm quân y. Điều đó đã khẳng định đặc tính nổi bật của ADMM+ là hợp tác thực chất và mang lại hiệu quả thiết thực.

Bảo vệ biên giới lãnh thổ, biển đảo

Công tác biên giới lãnh thổ, biển đảo trong năm 2010 đạt nhiều kết quả cụ thể, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ vững hoà bình, ổn định và lợi ích quốc gia

Về biên giới trên bộ, Việt Nam và Trung Quốc đã công bố 3 văn kiện pháp lý về quản lý biên giới và cửa khẩu, góp phần tăng cường giao lưu kinh tế, văn hoá giữa hai nước và hạn chế đến mức thấp nhất các hoạt động vi phạm; về biên giới trên biển, Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành được 4 vòng đàm phán cấp chuyên viên về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển và 5 vòng đàm phán về việc phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ .

Vấn đề Biển Đông năm qua được toàn thế giới quan tâm hơn và được bàn bạc, tranh luận tại nhiều hội nghị, nhiều diễn đàn. Dư luận thế giới ngày càng hiểu rõ hơn lập trường, thái độ đúng đắn, nghiêm túc của Việt Nam về vấn đề Biển Đông.

Nhà bình luận Thái Lan Kavi Chongkittavorn đánh giá cao cách xử lý của Việt Nam. Ông nói, sự công khai rộng rãi về tranh chấp Biển Đông những tháng qua rõ ràng đã nâng cao hình ảnh của ASEAN và Việt Nam cũng như tạo ra một cảnh quan chiến lược mới cho các bên liên quan tham gia vào những vấn đề liên quan tới quyền tự do và an toàn hàng hải.

Hội thảo Khoa học quốc tế lần thứ 2: “Biển Đông - Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong khu vực” tổ chức cuối năm 2010 ở TP Hồ Chí Minh được cộng đồng quốc tế theo dõi với sự chú ý đặc biệt. Hội thảo quy tụ 67 học giả quốc tế từ 25 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Mỹ, Nga, Anh, Pháp.  Đa số các nhà khoa học kiến nghị giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua biện pháp hoà bình, dựa trên luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982, thúc đẩy thực thi Tuyên bố về quy tắc ứng xử ở Biển Đông (DOC), tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý cao .

Về biên giới trên đất liền, Việt Nam và Lào đã thống nhất lấy năm 2010 là năm tăng tốc, tăng dày và tôn tạo mốc giới; đã họp nhóm chuyên viên liên hợp trao đổi ý kiến giải quyết các vấn đề dân di cư tự do trong khu vực biên giới Việt - Lào. Bên cạnh đó, công tác phân giới cắm mốc với Campuchia đạt một số tiến triển về chuyển vẽ bản đồ.

Khẳng định năng lực đảm nhận các trách nhiệm quốc tế

Năm 2010 là năm nước ta tham gia tích cực và dồn dập chưa từng thấy  nhiều diễn đàn đa phương quan trọng như Hội nghị Cấp cao của LHQ  về các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, Hội nghị Cấp cao toàn cầu về An ninh hạt nhân, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Hội  nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Cấp cao các nước Tiểu vùng Mekong…

Đáng chú ý nhất là lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2010, đã dự hai Hội nghị thượng đỉnh G20 họp ở Canada và Hàn Quốc.

 
 Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Seoul, Hàn Quốc tháng 11/2010, với tư cách Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đề xuất thí điểm cơ chế tham vấn chính sách G20 - ASEAN. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon trước giờ khai mạc Hội nghị - Ảnh: Chinhphu.vn

Sự xuất hiện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại 2 Hội nghị thượng đỉnh của G20 là hình ảnh một ASEAN vững mạnh và một Việt Nam tươi mới. Khối lượng nội dung và văn kiện hội nghị rất lớn, giữa các nước thành viên G20 có nhiều khác biệt về quan điểm, nhưng Hội nghị đã thành công với việc cam kết thực thi các chính sách vĩ mô nhằm tiếp tục phục hồi kinh tế thế giới và nâng cao sự ổn định của các thị trường tài chính.

Các bài phát biểu của Thủ tướng tại các Hội nghị G20 với một loạt sáng kiến đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng như tăng cường sự phối hợp chính sách toàn cầu, tự do hoá thương mại, cải cấch các thể chế tài chính quốc tế , biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh … được nhiều nước hưởng ứng và đánh giá cao.

Kiến nghị của Thủ tướng Nguyên Tấn Dũng về việc G20 cần hỗ trợ các nước đang phát triển sớm kết thúc Vòng đàm phán Doha, tăng cường sự tham gia của đại diện ASEAN vào quá trình G20… được các nước ủng hộ và ghi nhận trong Tuyên bố chung của Hội nghị.

Sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam tại G20 - cơ chế quản trị toàn cầu quan trọng hàng đầu - với những ý tưởng, sáng kiến mới đã góp phần khẳng định năng lực đảm nhận các trách nhiệm quốc tế của nước ta.

Có thể khẳng định năm 2010 nước ta được mùa hoạt động đối ngoại. Công tác ngoại giao đã đóng góp có hiệu quả vào việc việc duy trì môi trường hoà bình, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc phát triển và bảo vệ đất nước, nâng cao vị thế quốc tế củaViệt Nam.

Sức Xuân ngoại giao Việt Nam đang căng đầy nhựa sống. Mùa Xuân mới của Ngoại giao Việt Nam đã đến, tiếp tục toả sắc hương thực hiện đường lối đối ngoại do Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đề ra.

Nền Ngoại giao Việt Nam mang khát vọng mùa Xuân sẽ vượt qua mọi thách thức tiếp tục có những cống hiến mới góp phần giữ vững môi trường hoà bình cho Tổ quốc, xây dựng nước Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh ./.

 

http://baodientu.chinhphu.vn (nnhanh)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn







Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->