Trên đất nước ta có lẽ ít có vùng đất nào quần tụ nhiều dân tộc như mảnh đất hiểm trở, hùng vĩ ở phía Bắc Tây Nguyên này. Họ là những mảnh vỡ của các bộ tộc vùng Nam Lào sau những cuộc chiến tranh bộ tộc liên miên đã giạt về đây, co mình giữa những rặng núi cao chất ngất để tìm cuộc sống hòa bình. Trừ hai dân tộc Xê Đăng và Jẻ Triêng, các dân tộc khác chỉ trên dưới vài trăm hộ. Tuy nhiên có lẽ không còn dân tộc nào ít hơn người Châu. Thống kê mới nhất cho thấy hiện họ chỉ còn đúng 57 hộ với 268 nhân khẩu, nhưng thuần người Châu thì chỉ còn vỏn vẹn 15 hộ. Trong số những đứa trẻ sinh ra gần đây của tộc người này đã có dòng máu người Kinh…

|
Vợ chồng anh Tuấn và con nuôi Y Tâm. Ảnh: N.T
|
Cái nắng vàng nghệ ấm áp ngoài thị trấn Đak Glei đã bị những rặng núi phía sau nuốt chửng. Bầu trời đặc xịt những tầng mây xám. Mưa lất phất khiến cái rét đắng tê đầu lưỡi… Tôi ngẩn người trước cái khái niệm “làng” mới lạ: Giữa lưng chừng ngọn Mường Hoong xám xịt mây, những căn nhà bíu vào lưng núi trông cứ như những chiếc nấm bám vào thân cây. Không hàng lối, không đường ngõ, không ranh giới vườn tược, giữa không gian phóng khoáng có tìm đến nhau xin cứ tùy nghi mà chọn lối đặt chân…
Chúng tôi tìm đến nhà A Bía- cán bộ Hội Nông dân của xã. Nhà cán bộ cũng là một ngôi nhà trệt bình thường như với mọi người trong làng. Trời đã lờ mờ tối, không cần đèn, bếp lửa đốt bằng củi xà nu cũng sáng rực mọi ngõ ngách. Sau lời chào, phải đến mươi phút anh mới lên tiếp chúng tôi với lời phân trần: đang chuẩn bị mấy thứ lặt vặt cho cái Tết cữ nước… Thì ra quá bận rộn với những điều mới lạ, tôi đã không để ý trong làng đang diễn ra những sự khác thường: Tiếng giã gạo thậm thịch, những bộ quần áo mới sặc sỡ căng đầy trên dây… Tết cữ nước được xem là một trong ba cái Tết lớn của người Châu. Hai Tết kia là Tết Nguyên đán và Tết cúng lúa mới. Tết cữ nước của người Châu mang ý nghĩa tương tự như lễ mừng rẫy mới của đồng bào Tây Nguyên. Họ nấu bánh chưng, bánh tét như người Kinh. Đặc biệt món không thể thiếu là thịt chuột. Nhìn xuống nhà dưới tôi đã thấy những xâu chuột hong khói đong đưa trên ngọn lửa. Nhìn xa cứ ngỡ là những trái bắp khô…
Giá mà anh lên với bà con trong dịp Tết… Nhưng thôi, chúng ta ăn Tết trước với nhau càng thích- A Bía nói rồi xoa tay đi xuống bếp. Thoáng chốc mùi thịt nướng đã bốc lên thơm lừng. Tôi hiểu mình sẽ được đãi món thịt chuột- vị khách quý của gia đình…
Trong tâm thức của A Bía cũng như người già nhất làng bây giờ, gốc gác tổ tiên gần như chỉ còn là cái bóng xa mờ. Trước đây đã có lúc người Châu được coi là một dân tộc, đã có dự án xin Nhà nước bảo tồn. Nhưng không hiểu sao sau đó người ta lại cho rằng người Châu chỉ là một nhánh của dân tộc Xê Đăng. Bẵng đi một thời gian dài, các chương trình xóa đói giảm nghèo mới được tăng tốc trở lại… Chỉ với một xã có hơn 550 hộ dân nhưng Nhà nước đã phải mở một con đường 35 km qua các cung núi hiểm trở rồi kéo điện lưới quốc gia vượt quãng đường cũng xấp xỉ ngần ấy, tốn kém hàng trăm tỷ đồng. Trước đây từ làng ra trung tâm huyện phải đi bộ mất hai ngày. Bây giờ thì xe máy chỉ bon nửa buổi là tới.
Đây là chuyện mà trước đây người Châu có mơ cũng không ai nghĩ. Dù vậy đời sống của bà con vẫn còn rất nghèo. Riêng với làng Đak Rế, chưa hộ nào thu nhập đạt nổi 100 ngàn đồng/người/tháng. Nguyên do là người Châu vẫn chỉ biết bám vào cây lúa rẫy. “Chuyển dịch cơ cấu cây trồng” đáng kể nhất ở đây chỉ là cây bời lời. Hai thứ cây xóa đói, giảm nghèo hiệu quả phổ biến ở vùng Bắc Tây Nguyên là mì và bắp lai mới xuất hiện lác đác… Dẫu sao thì trong câu chuyện với A Bía tôi đã chớm nhận ra trong nếp sống khép mình cố hữu, người Châu càng ngày càng chịu tương tác bởi nhịp sống mở của bên ngoài. Đã có một sự chuyển động- dù rất từ từ và lặng lẽ- nhưng đầy ý chí bứt phá. Và những sự bứt phá ấy bây giờ đã nhú lên, gần như công khai trên nền nếp cũ… Này là chuyện Y Biết, Y Bót dám có con không chồng; chuyện Y Bía dám vượt qua lệ làng để bắt chồng là một công nhân làm đường với ước muốn có người dẫn dắt gia đình vươn tới cuộc sống văn minh… Và còn quyết liệt hơn thế là câu chuyện sau đây...
Ở làng người Châu hiện chỉ có một hộ người Kinh là gia đình Phan Quốc Tuấn. Tuấn quê ở Hà Tĩnh, vốn là công nhân của Liên hiệp Lâm- Công nghiệp Đak Glei. Sau khi liên hiệp giải thể, anh quyết định “cắm chốt” rồi đưa vợ con vào. Thấy cơ duyên của anh với vùng đất heo hút, bà con bầu anh làm Phó thôn. Trong gia đình Tuấn có một thành viên rất đặc biệt- đó là Y Tâm.
Y Tâm năm nay đã 18 tuổi. Cái tuổi ấy lẽ ra với người Châu đã phải bắt chồng từ lâu nhưng Y Tâm vẫn chưa ra dáng một thiếu nữ. Có lẽ sự bất hạnh đã khiến cô bé se sắt lại. Cha Y Tâm là A Pốt. Pốt trước đi bộ đội, có văn hóa nên được cử đi học để vận hành trạm tiếp sóng truyền hình cho xã… Tập tục của người Châu, điều đáng sợ nhất là trong làng có ai đó sinh đôi. Con người ta, chỉ khi bắt vợ bắt chồng mới thành đôi được. Lọt lòng đã có đôi, họa chỉ là ma rừng. Ấy thế mà mẹ Tâm lại những hai lần đẻ sinh đôi! Lần sinh đôi thứ nhất cả làng xao xác. Không muốn trở thành ma rừng thì cha Tâm phải giết đi một đứa. Là người có hiểu biết, đời nào cha lại tuân theo lệ tục lạc hậu ấy. Thế là cả làng không dám đến thăm đã đành, bước qua ngõ ngôi nhà ma quỷ ấy cũng không ai dám. Bức xúc quá, cha Tâm phải đưa con lên trạm phát truyền hình ở. Cuộc sống thiếu thốn đã làm một đứa em Tâm phải chết… Chuyện động trời chưa dịu được bao lâu thì mẹ Tâm lại sinh đôi tiếp lần hai. Mà lạ, lần này đứa sau lại ra đời sau đứa trước những một đêm! Rõ là con ma rừng ám vào quá nặng! Một là theo lệ làng, hai là tìm đường đi theo chúng. Không thể trì hoãn, không còn cách nào khác, cha Tâm đành phải ngậm ngùi dời nhà ra khỏi làng. “Ngôi nhà ma quỷ” ấy bây giờ nằm ở đầu đường vào xã, chỉ người trong làng mới biết cái giá của kẻ dám chống lại lệ tục ông bà…
Chống lại lệ làng, cuộc sống khó khăn lại càng thêm khó. Cha Tâm bức xúc đôi khi đánh cả con. Tâm học đến lớp 4 thì phải bỏ, hôm ở với người này, mai nương nhờ người khác. Thương Tâm, bác Tuấn xin cha cho Tâm về ở với bác. Chưa làm lễ nhưng bác đã coi Tâm như con. Tâm ngày ngày chỉ phải giúp những công việc lặt vặt trong nhà, rảnh thì bác dạy cho học, bày cho cách cư xử, nói năng… Cũng có lần cha áy náy muốn xin con về nhưng Tâm không chịu. Không phải Tâm ham ở nhà bác sung sướng hơn mà muốn học để mai này có cuộc sống khác những cô gái làng…
…Câu chuyện về Y Tâm đã củng cố thêm trong tôi ý nghĩ nhất quán về một thế hệ người Châu mới. Họ đang cố gắng bứt ra khỏi cuộc sống cũ trì kéo bằng cảm tính lẫn lý trí của mình. Dù cuộc bứt ra ấy chỉ mới ở sự đả phá lệ tục nhưng chính đó lại là điều rất đáng mừng, bởi mấu chốt của cuộc sống vật chất rồi sẽ bắt đầu từ đây…
Món cơm lam với thịt chuột chấm muối ớt bắt miệng kỳ lạ… Tôi đón cần rượu từ tay A Bía trong một cảm xúc lâng lâng. Phải cởi bỏ áo ấm dù ngoài kia những cơn gió vẫn không ngớt hú gào…
|