Rồng là một con vật huyền thoại quen thuộc ở phương Đông và khá quen biết ở phương Tây. Ở Việt Nam, Rồng đã đi vào đời sống xã hội . Nhiều đền đài, đình miếu, chùa chiền trong thôn xóm đã có đắp “lưỡng long nguyệt triều nguyệt” , hai con rồng chầu mặt trời, còn gọi là “lưỡng long tranh châu” ( Hai con rồng giành hạt ngọc). Rồng là con vật đứng đầu của “tứ linh”: Long, Ly, Quy, Phượng , cũng thường được khắc, trạm trổ ở những công trình kiến trúc tôn nghiêm trong cung đình.
Sách Từ điển Việt Nam (NXB Khoa học xã hội, 1967) nói về con rồng như sau: Rồng là con vật người ta tưởng tượng ra, mình rắn, có chân tượng trưng cho sự cao quý trong chế độ phong kiến: Rồng chầu mặt nguyệt, Rồng đến nhà tôm…câu nói đùa để chào bạn khi bạn đã lâu mới đến chơi nhà. Rồng mây gặp hội , nói dịp may mắn lắm.
Nói tới rồng thì thường nhắc đến mây. Hình như con Rồng làm nên mây: Rồng đen lấy nước thì nắng, rồng trắng lấy nước thì mưa. Cho nên chúng ta không lạ gì trong nghệ thuật tạo hình dân gian, làm nền cho rồng là những cụm mây. Như vậy, Rồng đem lại hy vọng về mây mưa để cho dân cư làm ruộng sinh sống ..
Bài ca dao nói về rồng - mây:
Mấy khi rồng gặp mây đây
Để rồng than thở với mây vài lời
Nữa mai rồng ngược mây xuôi
Biết bao giờ lại nối lời rồng mây.
Hoặc:
Tình cờ anh gặp mình đây
Như cá gặp nước, như mây gặp rồng
Rồng gặp mây, bán văn bán vũ
Cá gặp nước, con ngược, con xuôi
Chồng Nam, vợ Bắc anh ơi
Sao anh chẳng lấy một người như em?
Đối với người Việt Rồng được sùng bái là tổ tiên. Ta luôn nhận ta là:“ Con rồng cháu tiên. Tổ rồng xuất hiện trong mây, tạo ra mưa đem lại nguồn nước là thứ cần nhất hạng cho sản xuất nông nghiệp (“Nhất nước nhì phân…”) của cư dân sống bằng nghề lúa nước. Rồng là hiện thân của hạnh phúc nông nghiệp.
Về hình dáng vẻ ngoài, với chúng ta rồng rất khỏe: “Ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo…”. Dáng điệu thì uyển chuyển, cho nên chữ viết đẹp, bay bướm được ví như “ Rồng bay phượng múa”.
Nhiều phẩm chất và giá trị tốt đẹp trong xã hội Việt có liên quan đến rồng. Chính rồng đã biến thành thuyền để đưa đức phật đi giảng đạo, nên để nhớ công ơn ấy, người ta hay làm thuyền rồng để đua tài trong lễ hội. Thuyền rồng bao giờ cũng làm bằng gỗ tốt: “Mượn màu một chút làm duyên. Mấy đời gỗ mục làm nên thuyền rồng”
Rồng là tượng trưng cho người quân tử, cao sang, danh giá, được đối lập với giun, tôm, liu điu: (Mấy khi: “rồng đến nhà tôm” ). Ở với người ngu thì chẳng khác gì “ rồng ở với giun” “ rồng vàng tắm nước ao tù”. Rồng cao sang làm vậy thì liu điu làm sao sánh được “ Trứng rồng lại nở ra rồng, liu điu lại nở ra dòng liu điu”
Chẳng những là bậc quân tử, rồng còn là đứng anh hùng oai thế, khi gặp thời cơ sẽ làm nên sự nghiệp lớn : “Rồng gặp mây, cọp theo gió” (“Long hổ phong vân”)
Rồng còn là biểu hiện của vị thế danh giá : “ Phận gái lấy được chồng khôn. Xem bằng cá vượt Vũ môn hóa rồng”
Đấy cũng là cơ hội tốt. Nói đến điều này người Việt dùng hai chữ “ long vân” ( rồng mây) “ Bấy lâu những đợi long vân, Đào tơ liễu yếu gửi thân anh hùng” ( Gia huấn ca).
Khi nói đến thi cử, một cửa ải trên đường tiến thân, lập nghiệp của đứng trượng phu ngày xưa, người ta phải nói đến rồng: chính rồng đã phun ra dòng nước mạch trên đường cá vượt ngược để thử thách . “ Cá ( mà) vượt (được) Vũ môn ( thì sẽ) hóa rồng”. Vì thế nơi thi cử ngày xưa được gọi là “ Cửa rồng” ( long môn). Trong truyện “ Hoa tiên’ có câu: “ Cạn lời, Lưu mới thưa rằng. Từ vào chi thất, xem bằng long môn”. Ai đã đỗ tiến sĩ thì được ghi ở “ Bảng rồng” ( còn đỗ cữ nhân được đề ở “ bảng hổ”), được vua ban cho mũ áo đặc biệt, trong đó có mũ “ long đầu’. Chắc các học sinh ta không thể quên được câu thơ của Tú Xương: “…Dưới sân ông cử ngổng đầu rồng”.
Rồng còn là biểu tượng của hạnh phúc gia đình: “ Ngày nào nên ngãi vợ chồng . Đôi ta như cá hóa rồng lên mây’, Và “gái có chồng ( lúc đó sẽ giống như ) rồng có vây”. Các cụ ta nói: “ Long phụng hóa minh” , nghĩa là con rồng và con phượng cùng thề nguyền sẽ hòa hợp với nhau; tưc là sống hạnh phúc lâu dài.
Nhìn chung, rồng là quý, là đẹp. Vì thế ai sinh vào năm rồng, có tuổi rồng thì được coi là tốt số, cuộc đời sẽ có nhiều cơ hội bay nhảy và thành đạt . Ai mà có “mả táng hàm rồng” thì thật là phúc to bằng cái đình, tha hồ mà sung sướng, giàu sang, phú quý. Nhưng nếu chẳng may “ long mạch” ( mạch đất tốt, theo hướng rồng nằm ) mà bị động, thì đời thật là khốn đốn đủ điều.
“Con rồng đất”: Con rồng thật mà các nhà động vật học xác nhận là “ con rồng đất”, đồng bào miền núi ta gọi là con “tò te” thuộc họ nhông. Khi gặp con vật khác rồng đất đứng ngẩn tò te giương vây, cong đuôi lên. Rồng đất dài khoảng 50 cm, hình dáng giống tắc kè nhưng đầu to hơn đầu tắc kè và có nhiều gai sắc. Khi tự vệ hay dọa nạt con vật khác, rồng đất đứng khuỳnh chân, dựng đứng vây gai lên, bành miệng ra như rắn hổ mang, trong tương tự con rồng chạm trổ ở đình chùa đã được cách điệu. Da rồng đất màu xám có lớp vẩy nhỏ bao phủ. Rồng đất thuộc lớp bò sát tìm ăn côn trùng gây hại cho trồng trọt. Rõ ràng rồng đất hiền lành và có lợi cho người. Thành ngữ con rồng đất ra đời từ đây. Và bên cạnh thành ngữ “con rồng đất” còn nghe đến cụm từ “đứng ngẩn tò te”. Thành ngữ “con rồng đât” thường được dùng để chỉ về một con người hiền lành hoặc để so sánh với con rồng quyền uy ở chốn hoàng cung.
“Cá chép hóa rồng” hay “ lý ngư hóa long”. Dường như không có con rồng thật trên đời và làm gì có hiện tượng cá, dù là cá chép hóa rồng. Xưa cha ông ta quan niệm “Cá chép hoá rồng” là một cách tư tưởng như chuyện dân gian ta nói, vào tháng tư âm hàng năm có mưa rào lớn đầu mùa kèm theo sấm chớp, gió xoáy. Cá chép có đặc tính quý báu, thịt ngon sống lâu … lại giỏi ngược dòng nước kiếm mồi ở các trận mưa đầu mùa và vượt đẻ. “ Mùng 4 tháng 4 cá chép mở hội ăn thề - Mùng 8 tháng tư cá chép về, cá vượt ngũ môn”. Theo truyền thuyết dân gian cá chép phải vượt 5 cửa để hóa rồng, bằng không đặng sẽ bị nước cuốn theo dòng xoáy. Thành ngữ “ cá chép hóa rồng” ( lý ngư hóa long) nói về ước mơ thành đạt của con người.
“Chuột vuốt râu rồng”. Xưa kia rồng thuộc về vua chúa và giai cấp phong kiến. Cây trúc càng già, đốt càng ngắn lại, thân trúc xù xì uốn thành hình rồng . Có nghệ nhận đã tô điểm thành “ cây trúc hóa long”. Gốc trúc là đầu rồng, măng trúc nhú lên khỏi đất thành mắt rồng, rễ trúc tua ra trên đất thành râu rồng, cành trúc thành tóc rồng, dưới chấm phá thêm vài dăm ba con sóc thật sinh động. Theo ước lệ của điêu khắc cổ, trúc đi với sóc cũng giống như rồng đi với trĩ, hươu đi với tùng bách, bướm đi với cúc, chim cú đi với ma… Con sóc vốn cùng họ với chuột, nó thích ăn hạt thông và hạt trúc nên được các cụ gọi cái tên chữ là “ tùng thử” (chuột thông) và (trúc thực). Có thể từ tác phẩm “trúc hóa long” trên đã gợi cho ta ý nghĩa về tinh thần đấu tranh giai cấp của tầng lớp lao động (đáy xã hội) với bọn phong kiến ăn trên ngồi trốc. Thành ngữ “Chuột vuốt râu rồng” được dùng trong các trường hợp khẳng định: “chuột vuốt râu rồng” phủ định: chớ “chuột vuốt râu rồng”…
Trong dân gian rồng được gán cho những giá trị thượng đẳng như vậy cho nên vua chúa thường muốn độc chiếm hình tượng rồng và mọi thứ của rồng. Thân thể vua được gọi là “mình rồng”, nên khi trái nắng trở trời bị hắt hơi sổ mũi, hoàng tộc và cận thần đã vội lo “long thể bất an”. Mặt vua được xem như “mặt rồng” (long nhan) dù là mặt con Rồng hơi bị quái dị như đã nói ở trên , áo vua mặc gọi là “ long bào’, nơi vua ở gọi là “long cung”, gường vua nằm gọi là “long sàng”, xe vua đi gọi là “long xa”, “long giá” , thuyền vua đi gọi là “thuyền rồng”. Không phải chỉ có vua mới nượn uy của rồng, mà có khi rồng cũng được “thơm lây” nhờ vua. Chẳng hạn vua độc chiếm màu vàng, nên rồng tất nhiên cũng phải là và chỉ là “rồng vàng”. Người Việt Nam không chấp nhận rồng của mình có màu xanh ( “thanh long”) hay đen ( “hắc long”)
Qua đây ta thấy trong tâm thức của người Việt, mọi cái gắn với rồng đều phải là dương tính và tốt đẹp. Ít có câu nói nào thể hiện người Việt ta thấy rồng là rất xấu xí. Năm Nhâm thìn 2012, năm Thìn thứ hai của thế kỷ 21, của thiên niên kỷ thứ 3 với nhiều hứa hẹn tốt đẹp, là thời đại rồng bay của một Việt Nam hiện đại. Ta hãy xứng đáng hơn nữa với truyền thuyết đẹp đẽ ấy. |