Kinh doanh [ Đăng ngày (11/01/2011) ]
Tăng lương tối thiểu: Bí mật và...bình thường
Cách thức tăng lương nên chuyển sang tăng như khu vực tư nhân: bí mật và mang tính chất như hiện tượng bình thường. TS Nguyễn Minh Phong, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, nói về hiện tượng "một bộ phận tăng lương, cả cộng đồng chịu tăng giá".

Năm 2011, mức lương tối thiểu của công chức, viên chức sẽ được nâng lên mức 830.000 đồng/tháng, tăng 100.000 đồng so với năm 2010. Ông đánh giá thế nào về mức tăng lương này so với biến động giá cả?

Tôi cho là không thật lớn. Nếu làm một phép so sánh đơn giản thế này, mức lương tăng khoảng 6 – 7%, trong khi lạm phát tăng đến 11%, đặc biệt giá lương thực – thực phẩm tăng cao, tính riêng Hà Nội là 60%, TP.HCM là 40 - 50%, các địa phương khác tăng 20 - 30%.  

Như vậy, tăng lương đã không bù lại được mức tăng riêng của lương thực – thực phẩm, đây là lại nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi tiêu của các gia đình công chức và viên chức.

Nếu xét tổng thể hơn như: giá điện, nhà, tiền học…đều tăng lên thì mức lương càng không đủ. Đợt tăng lương này không tạo ra được đột biến khác lạ so với các đợt tăng lương khác. Không đáp ứng được yêu cầu bù đắp cuộc sống và chống gây sốc lạm phát. Thực tế, chưa tăng lương nhưng giá đã tăng.

Vậy có nghĩa là ngoài để bù đắp lạm phát, tăng lương còn là bài toán đối với những nhà quản lý về tiền lương?

Đúng vậy, tăng lương nhưng phải làm sao không đi kèm với hệ quả tăng giá do tăng lương. Thực tế, đợt tăng lương này chỉ áp dụng với một bộ phận nhỏ người làm công ăn lương, nhưng lại ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng.

Mặt trái của đợt tăng lương tối thiểu vừa rồi là đã vô hình chung biến lương tối thiểu thành mức lương của người lao động trong các doanh nghiệp nước ngoài. Điều đó đã dẫn đến nghịch lý là lực lượng lao động phổ thông thiếu việc làm rất nhiều, nhưng các doanh nghiệp nước ngoài vẫn khan hiếm lao động phổ thông.

Vì vậy, không nên biến đợt tăng lương thành hiện tượng xã hội, để nó trở thành cái cớ tăng giá vô lý nhiều mặt hàng khác.

Cách thức tăng lương nên chuyển sang tăng như khu vực tư nhân: bí mật và mang tính chất như hiện tượng bình thường.

Nên điều chỉnh theo hướng chia nhỏ khu vực tăng lương thành từng khối như: khối công chức, viên chức, doanh nghiệp,…Biến việc tăng lương thành việc của công đoàn, nhằm tăng tính tự lập, tự quyết của người tăng lương.

Có ý kiến cho rằng, thay vì tăng lương ít ỏi cho công chức, thì nên tinh giảm bộ máy biên chế để người có năng lực được hưởng mức lương xứng đáng?

Về mặt lý thì đúng nhưng về mặt tình thì rất khó thực hiện. Trước đây, chúng ta đã làm rồi nhưng kết quả là sau những cuộc họp hành, bình bầu, xét duyệt thì xuất hiện nhiều mâu thuẫn, dẫn đến mấy đoàn kết nội bộ.

Tốt nhất là chấp nhận quá khứ và sửa đổi tương lai, tức là sẽ quy chế, điều kiện tuyển dụng công chức, viên chức khó khăn.

Vậy trước mắt, khi mức lương vẫn “lẽo đẽo” chạy theo mức tăng giá này, thì công chức và viên chức nên làm gì để đảm bảo cuộc sống?

Bài toán lương thấp với giá tăng cao đã thành “mãn tính”, cách xử lý thế nào tùy thuộc vào từng gia đình. Cách thức mà nhiều người đang áp dụng hiện nay là: cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết, hoặc thay vì mua xe ga nên mua xe số, kết hợp với hoạt động ngoài lương, thậm chí xin “viện trợ” của người thân.

Xin cảm ơn ông!

Theo Vietbao.vn (ltnhuong)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->