Kinh doanh [ Đăng ngày (25/12/2012) ]
Lãi suất cho vay vẫn bỏ ngỏ
Lãi suất huy động cuối cùng cũng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định điều chỉnh hạ thêm 1% từ ngày 24-12.

Việc làm này của NHNN được giới chuyên gia đánh giá là cực kỳ cấp thiết và đáng lẽ nên thực hiện sớm hơn, bởi thời gian qua, quá nhiều doanh nghiệp đã buộc phải ngừng sản xuất chỉ vì không chịu đựng được áp lực lãi suất. Và nếu còn tiếp tục neo giữ ở mức cao, nền kinh tế Việt Nam khó có thể phục hồi được.

"Liều thuốc” chưa đủ để cứu doanh nghiệp

Theo chuyên gia kinh tế, giảm lãi suất 1% chỉ giúp doanh nghiệp (DN) thêm yếu tố tích cực mà chưa đủ giải tỏa khó khăn. Vấn đề DN quan tâm hàng đầu hiện nay là hàng tồn kho, vì vậy, chỉ khi nào hàng tồn kho được "giải phóng” thì việc giảm lãi suất mới có ý nghĩa thực sự.

 Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu vốn của DN tăng cao nhằm phục vụ cho sản xuất cuối năm. Nắm rõ tình hình trên nhiều ngân hàng (NH) đã chủ động cho vay với nhiều gói vốn ưu đãi lãi suất. Không ít NH đã giảm lãi suất cho vay xuống mức 10-11%. Đa số NH đều khẳng định, việc giảm lãi suất hoàn toàn không gây khó khăn đối với NH, khi lãi suất tiền gửi giảm, NH sẽ thực hiện giảm lãi suất đầu ra.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay của DN không phải là lãi suất cao hay thấp mà chính là làm cách nào để giảm hàng tồn kho. Bởi thời gian qua, sau mấy đợt giảm lãi suất cho vay DN vẫn không mặn mà vay vốn đầu tư cho sản xuất và kinh doanh do hàng tồn kho quá cao. Thực tế cho thấy, kể từ tháng 3 đến nay, lãi suất huy động đã qua 4 lần được điều chỉnh với tổng cộng 5%, nhưng theo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tổng dư nợ tín dụng của các NH trên địa bàn thành phố ước tính chỉ tăng 5,4% vào cuối năm 2012, thấp hơn so với mức tăng 7,7% của năm 2011. Điều này chứng tỏ, mặc dù lãi suất thấp song DN vẫn không mấy mặn mà. "Đúng ra phải giảm lãi suất sớm hơn nữa chứ không phải ở thời điểm bây giờ. "Nút thắt cổ chai” chưa có hướng tháo gỡ hiện nay vẫn là hàng tồn kho”, ông Lê Đại Lai, chuyên gia tài chính ngân hàng khẳng định. Đại diện một DN khẳng định: "Doanh nghiệp đang "chết đứng” khi sức mua giảm, hàng tồn kho gia tăng vì thế muốn tái sản xuất cũng không dám mạo hiểm bởi sản phẩm làm ra sẽ bán cho ai, chẳng lẽ lại tiếp tục chất đống trong kho?”. Quý 4-2012 cũng đã sắp hết, nếu tính cả Tết âm lịch DN còn hơn một tháng để thực hiện việc đẩy nhanh bán hàng. Nhưng phía trước của thị trường tiêu dùng cuối năm không mấy khả quan. Do đó, rất khó kỳ vọng việc hạ lãi suất có ý nghĩa lớn trong việc kích cầu tiêu dùng, chi tiêu trong giai đoạn này.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, lạm phát giảm, tỷ giá ổn định thì việc giảm lãi suất là điều nên làm. Song, với mức giảm lãi suất 1% chỉ giúp DN thêm yếu tố vượt qua khó khăn. Ông Trần Quốc Mạnh - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh cho rằng: "Trong thời buổi khó khăn hiện tại, giá cả mặt hàng nào cũng tăng cao thì việc hạ lãi suất trở thành "một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Nếu đã có ý định cứu DN thiết nghĩ nên sớm đưa lãi suất cho vay về mức trên dưới 8%. Đây là mức DN chịu đựng được”. Đồng quan điểm về việc hạ lãi suất sâu hơn nữa, ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho rằng, lãi suất giảm 1% chưa đủ "liều lượng” giúp DN vượt qua khó khăn, vì lãi suất cho vay ở mức 15% vẫn còn ở mức cao.

Thực ra, giảm lãi suất vẫn tốt hơn là không giảm, vì giảm lãi suất chỉ tác động phần nào, giúp DN có thêm yếu tố vượt qua khó khăn, đồng thời DN có thể lên kế hoạch tốt cho năm 2013. Tuy nhiên, theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế: "Chính sách tốt nhưng thường áp dụng không tốt. Nói giảm lãi suất nhưng có thực hiện được không, DN không vay và không mấy người vay được? Điều quan trọng bây giờ là phải giảm thuế thu nhập DN, giảm thuế giá trị gia tăng… nhằm kích thích tiêu dùng và giảm hàng tồn kho. Chỉ khi nào sức mua thị trường tăng, hàng tồn kho giảm thì việc giảm lãi suất mới có ý nghĩa rất lớn đối với DN”.

Chưa trúng mục tiêu trọng tâm

Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, quyết định hạ lãi suất của NHNN vừa qua lại chưa thực sự đi trúng mục tiêu đẩy mạnh dòng vốn vào hoạt động sản xuất của DN. Bởi, NHNN mới chỉ hạ lãi suất huy động thêm 1%, còn lãi suất cho vay mới chỉ giảm nhiệt đối với một số lĩnh vực (từ 13% xuống còn 12%). Còn lại, vẫn thả nổi đầu ra. Như vậy, không ai chắc chắn rằng, các ngân hàng thương mại khi hạ lãi suất huy động sẽ tự động hạ lãi suất cho vay. Nếu có, chắc chắn cũng không thể hạ ngay.

Trên thực tế hiện nay, theo phản ánh của nhiều DN, các NH vẫn cho vay theo kiểu "chọn mặt gửi vàng”. Nghĩa là, tùy từng lĩnh vực sản xuất, mức lãi suất các DN đang phải chịu là rất khác nhau. Có lĩnh vực chỉ phải vay với lãi suất 12 – 13%/ năm, nhưng có lĩnh vực các DN vẫn phải chịu mức lãi suất 15%/năm, thậm chí tới 17%/năm. Đơn cử như, đối với các DN ngành Thép hiện nay, ai cũng biết thép đang tồn kho rất lớn, bởi vậy các NH hầu như không muốn đáp ứng vốn cho các DN thép, nếu có cũng ở mức lãi suất rất cao.

Như vậy, có thể thấy, nếu chỉ hạ lãi suất huy động và vẫn bỏ ngỏ lãi suất cho vay thì động thái hạ lãi suất lần này của NHNN sẽ không có tác dụng gì nhiều trong việc giúp các DN tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất thấp. Và theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc áp trần lãi suất huy động ở mức 8% dường như vẫn chỉ là hình thức, bởi trước đó, kể cả khi NHNN đã ra quyết định áp trần lãi suất huy động ở mức 9%, người ta vẫn thấy các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn tìm mọi cách để vượt trần. Nếu không có biện pháp hay chế tài gì kiểm soát nghiêm ngặt, "kịch bản” cũ về những chiêu lách trần lãi suất sẽ lại tiếp diễn ở các NHTM là rất khó tránh. "Chúng ta đã chứng kiến nhiều lần các NHTM đã lách luật huy động vượt trần, nhưng NHNN cũng không có biện pháp cứng rắn để buộc các NH phải tuân thủ đúng quy định”, chuyên gia kinh tế Bùi Kiên Thành nhận định. Và như vậy, đương nhiên các NH sẽ lại phải cho vay cao, nếu không họ không thể làm ăn có lãi. Bởi vậy, theo các chuyên gia điều cần làm hiện nay là phải áp trần lãi suất cho vay, có như vậy mới đảm bảo các DN có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp.


Minh Phương - Thanh Giang
Theo daidoanket.vn (nnhanh)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->