Kinh doanh [ Đăng ngày (07/02/2011) ]
Hiệu ứng Wimbledon
TS Lê Hồng Giang làm việc tại quỹ Ngoại hối của công ty đầu tư Tactical Global Management, Úc nêu ý kiến về kế hoạch xây dựng Thủ Thiêm thành một trung tâm tài chính lớn

Một trung tâm như vậy “không phải và không cần bắt đầu bằng những toà nhà cao tầng hoành tráng hay những khu đô thị hiện đại” mà khó hơn và dài hơi hơn là đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và những khuôn khổ pháp lý cho những định chế tài chính tiên phong.

Đã lâu lắm rồi người Anh không được chứng kiến một người đồng bào của mình giơ cao chiếc cúp vô địch trên sân Wimbledon, quê hương của môn quần vợt. Nhưng dù không còn những danh thủ thượng thặng, giải đấu này của Anh vẫn quy tụ được tất cả các anh hào nổi tiếng nhất thế giới và không ai có thể phủ nhận Wimbledon là một trong những giải quần vợt danh giá nhất hành tinh. Đây là “hiệu ứng Wimbledon” - thuật ngữ để chỉ sự thành công và nổi tiếng của một sự kiện hay trung tâm văn hoá, nghệ thuật, thể thao mà không cần nhờ vào sự xuất sắc của người bản địa.

Theo giáo sư Sung Won Sohn đại học California State University, “hiệu ứng Wimbledon” cũng đúng trong trường hợp của các trung tâm tài chính quốc tế. New York, London, Frankfurt, Hong Kong, Singapore trở thành các tụ điểm tài chính của toàn thế giới không phải vì đó là quê hương của những George Soros, Nassim Taleb, hay John Paulson, mà là nơi những tài năng đó đến làm việc và thành danh. Không ai có thể chối cãi những thành phố đó có nhiều lợi thế quan trọng về kinh tế, địa lý, lịch sử, nhưng yếu tố con người vẫn luôn quyết định. Một khi những dòng chất xám tài chính vẫn chảy đến các trung tâm đó, không một thế lực nào có thể lấy đi quyền lực của họ. San Francisco, Milan, Paris, Tokyo, Sydney dù muốn hay không cũng phải chấp nhận thân phận hạng hai trong giới tài chính quốc tế. Sau đó là một hàng dài các thành phố đang nuôi tham vọng sẽ có tên trên bản đồ tài chính thế giới như Thượng Hải, Dubai, Kuala Lumpur, Mumbai... Vài năm gần đây TP.HCM có một kế hoạch xây dựng Thủ Thiêm trở thành một trung tâm tài chính lớn. Chưa cần so với những tên tuổi hàng đầu thế giới, chỉ cần nhìn sang Kuala Lumpur hay Bangkok đã thấy TP.HCM khó có cơ hội trở thành một trung tâm tài chính khu vực chứ đừng nói gì ở tầm châu lục hay quốc tế. Hiện tại Việt Nam nằm ngoài tầm ngắm của các định chế và nhân lực tài chính hàng đầu thế giới, không chỉ vì những bất ổn vĩ mô trong thời gian gần đây mà còn vì sự thiếu vắng cơ sở hạ tầng cần thiết, môi trường làm việc thân thiện, điều kiện sống phù hợp, và nhất là một đội ngũ nhân lực nội địa có trình độ và nói tiếng Anh tốt. Tuy nhiên bài học phát triển của các trung tâm tài chính lớn vẫn có ích cho TP.HCM nếu muốn hoạch định Thủ Thiêm thành một trung tâm tài chính của Việt Nam, hoặc tham vọng hơn nữa cho cả ba nước Đông Dương.

Như đã nói ở trên, yếu tố con người luôn là điều kiện quan trọng nhất để một trung tâm tài chính có thể phát triển. Ngành tài chính là một ngành dịch vụ, bởi vậy cơ sở hạ tầng vật lý chỉ là thứ yếu khi so sánh mức độ cạnh tranh giữa các trung tâm tài chính. Nhiều khách du lịch lần đầu tới Wall Street đã ngạc nhiên về con đường nổi tiếng này, nó ngắn và nhỏ bé hơn nhiều so với những đại lộ danh tiếng khác trên thế giới, thậm chí cả các đại lộ lớn ở Việt Nam. Xây dựng một trung tâm tài chính không phải và không cần bắt đầu bằng những toà nhà cao tầng hoành tráng hay những khu đô thị hiện đại. Một kế hoạch dài hơi đào tạo và thu hút nguồn nhân lực tài chính chất lượng cao quan trọng hơn nhiều. Ngoài ra những khuôn khổ pháp lý cần thiết để các định chế tài chính tiên phong có thể hoạt động cũng là điều kiện không thể thiếu. Sau hai yếu tố này mới là một hệ thống hạ tầng tốt và hiện đại.

Xây dựng nguồn nhân lực tài chính

Kế hoạch phát triển nhân lực ngành tài chính không chỉ đơn thuần là khuyến khích các trường đại học lân cận mở ra nhiều chương trình tài chính, ngân hàng, mà cần nâng cao chất lượng đào tạo trong các chương trình hiện có. Hầu hết các ngân hàng đầu tư lớn của Wall Street như Goldman Sachs, Morgan Stanley, State Street và thậm chí nhiều quỹ đầu tư nhỏ có liên kết với các trường đại học quanh khu vực Đông – Bắc Mỹ thông qua các chương trình thực tập, hợp tác nghiên cứu, học bổng, giải thưởng. Điều này cũng đúng ở tất cả các trung tâm tài chính lớn khác trên thế giới. Sự giao thoa nhân sự giữa các trường đại học, đặc biệt là các trường đào tạo MBA, khá phổ biến và hiệu quả. Myron Scholes, Robert Merton, Kenneth Frost, Larry Summers, Robert Shiller, Eugene Fama nổi tiếng trong cả vai trò của các giáo sư kinh tế tài chính lẫn những nhân sự cao cấp ở Wall Street. Những sinh viên giỏi ở lại trường sau khi tốt nghiệp hoàn toàn không mất cơ hội trở thành những chuyên gia tài chính hàng đầu sau này. Ngược lại giới tài chính quay về giảng dạy tại các trường đại học không phải hiếm. Tất nhiên giới tài chính là những tay săn đầu người lớn nhất trong các hội chợ việc làm của các trường đại học tổ chức. Bên cạnh hệ thống đào tạo đại học và MBA, những chương trình đào tạo và thi chứng chỉ chuyên môn như CFA, FRM, CPA, CQF càng ngày càng có vai trò quan trọng trong việc đào tạo và chuẩn hoá chất lượng chuyên gia trong ngành tài chính. Nhiều quỹ đầu tư tài chính quốc tế quảng cáo tỷ lệ nhân viên của mình có các chứng chỉ chuyên nghiệp nói trên như một bằng chứng về chất lượng nghiệp vụ của họ. Hiển nhiên các hiệp hội nghề nghiệp tài chính của Việt Nam khó có thể đưa ra các chương trình đào tạo có uy tín và chất lượng tương đương.

Bởi vậy việc khuyến khích nhân lực tài chính trong nước theo học và lấy các chứng chỉ này là con đường hiệu quả nhất để phát triển nguồn nhân lực tài chính của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Đưa ra yêu cầu phải có các chứng chỉ chuyên ngành quốc tế mới được đảm đương các chức vụ quan trọng, thậm chí cả các chức vụ liên quan đến tài chính, ngân hàng trong hệ thống công quyền, sẽ là một cú hích mạnh cho chiến lược nhân lực tài chính của TP.HCM hiện đang có lợi thế hơn hẳn đa số các địa phương khác ở Việt Nam về mặt thu hút nhân lực nội địa nói chung và nhân lực tài chính nói riêng. Tuy nhiên cho đến khi môi trường sống ở thành phố được cải thiện, bao gồm cả các dịch vụ phổ thông như giáo dục, y tế, việc thu hút nhân lực từ nước ngoài sẽ vẫn khó khăn. Hầu hết các chuyên gia tài chính ngoại quốc làm việc tại TP.HCM đều do các quỹ đầu tư hoặc các ngân hàng lớn săn tuyển, hiếm có trường hợp nào các chuyên gia chủ động vào Việt Nam tìm việc, không như Thượng Hải hay Kuala Lumpur. Tất nhiên việc tuyển dụng nhân viên là quyết định của từng doanh nghiệp, tuy nhiên nhiều quy định liên quan đến quốc tịch có thể cản trở việc thu hút nhân lực nước ngoài, đơn cử như quy định của SCIC chỉ cho phép thuê người có quốc tịch Việt Nam làm đại diện trong các doanh nghiệp mà tổng công ty này có cổ phần. Loại bỏ những quy định bất hợp lý như vậy dù không là lời giải cho bài toán thu hút nhân lực nước ngoài nhưng chí ít cũng là một bước đi đúng hướng.

Phát triển khuôn khổ pháp lý

Mặc dù các trung tâm tài chính lớn đều có một (vài) sàn giao dịch chứng khoán nổi tiếng, đặc điểm quan trọng nhất của các trung tâm này là sự hiện diện của một mạng lưới broker-dealer lớn – các định chế tài chính vừa có chức năng môi giới chứng khoán cho các sàn giao dịch vừa có hoạt động tự doanh rất mạnh trong thị trường OTC và thị trường phát hành chứng khoán sơ cấp. Rất nhiều broker-dealer lớn xuất phát từ một công ty môi giới tài chính nhỏ và cuối cùng trở thành những ngân hàng đầu tư (investment bank) quốc tế khổng lồ. Chính những ngân hàng đầu tư này là tụ điểm của dòng vốn hàng chục ngàn tỉ đôla trong thế giới tư bản chứ không phải các ngân hàng thương mại hay các sàn giao dịch chứng khoán truyền thống. Nhiều nhà kinh tế gần đây đã gọi hệ thống broker-dealer này là hệ thống ngân hàng trong bóng tối (shadow banking system).

 Trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, rất nhiều nhà bình luận đã có lý khi chỉ ra những rủi ro của hệ thống ngân hàng trong bóng tối. Bộ luật Dodd-Frank được Quốc hội Mỹ thông qua giữa năm 2010 phần lớn nhắm vào việc giám sát và cải tổ hệ thống ngân hàng trong bóng tối để ngăn ngừa rủi ro một cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai. Tuy nhiên một điều khó chối bỏ là các ngân hàng đầu tư nói riêng và các broker-dealer nói chung có vai trò cực kỳ quan trọng trên thị trường vốn. Thứ nhất họ đóng vai trò bảo lãnh phát hành (underwriter) cho các đợt phát hành cổ phiếu, trái phiếu của các công ty ra công chúng, do vậy là nguồn cung cấp vốn trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ở Việt Nam, quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước đã và đang được các nhà bảo lãnh phát hành tham gia tích cực và hiệu quả.

Thứ hai họ có chức năng tạo lập thị trường (market maker), tạo thanh khoản cho các loại chứng khoán và sản phẩm phái sinh (derivatives) trên thị trường phi tập trung (OTC). Đây là thị trường có số lượng giao dịch lớn hàng chục lần so với các sàn giao dịch tập trung, bởi vậy dù báo chí chỉ tường thuật những chỉ số như Dow Jones hay FTSE, những hoạt động âm thầm trên thị trường OTC có vai trò lớn hơn nhiều. Thứ ba, các ngân hàng đầu tư và broker-dealer là nơi giới tài chính liên tục phát minh ra các sản phẩm tài chính mới. Mặc dù có nhiều nhà kinh tế (như Paul Krugman) nghi ngờ tính hữu ích của các sản phẩm tài chính xuất hiện trong vài thập kỷ qua, giới tài chính không thể dừng cuộc chơi chừng nào nền kinh tế vẫn tiếp tục đặt hàng những giao dịch tài chính càng ngày càng phức tạp. Một trung tâm tài chính lớn phải là nơi có khả năng đáp ứng bất kỳ nhu cầu nào của khách hàng.

Để các công ty chứng khoán hiện hữu của TP.HCM phát triển thành các broker-dealer hay các ngân hàng đầu tư, thành phố cần vận động uỷ ban chứng khoán và các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính xây dựng một khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho loại hình tài chính này. Ngân hàng Nhà nước trong năm 2010 đã đưa ra những quy định tách bạch hoạt động ngân hàng thương mại với đầu tư tự doanh, nhưng đó chỉ là những biện pháp hạn chế rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Hình thức broker-dealer cần phải có quy định riêng, ít nhất liên quan đến vốn điều lệ tối thiểu, nguồn nhân lực chủ chốt, cơ chế báo cáo, công khai tài chính, và nhất là cơ chế cho phép những định chế này được cung cấp các sản phẩm tài chính mới. Một bộ luật hay một nghị định chi tiết về hoạt động của các ngân hàng đầu tư sẽ là điều kiện tiên quyết cho sự hình thành một trung tâm tài chính đúng nghĩa.

Thay cho lời kết

Năm 1990, giáo sư Joseph Stiglitz cho rằng hầu hết các nước đang phát triển, nhất là các nền kinh tế đang chuyển đổi, bị thiếu các dịch vụ tài chính và điều này là một cản trở lớn cho quá trình phát triển kinh tế. Hơn hai mươi năm sau dù Việt Nam đã có hơn 50 ngân hàng thương mại, hai sàn giao dịch chứng khoán tập trung, và hàng chục công ty môi giới chứng khoán và các quỹ đầu tư, nhận định của Stiglitz vẫn còn nguyên giá trị. Phát triển một mạng lưới các broker-dealer và các ngân hàng đầu tư sẽ là một bước tiến lớn trong tiến trình phát triển và cung cấp các dịch vụ tài chính ở Việt Nam. TP.HCM với những lợi thế sẵn có cần có tầm nhìn và chiến lược để trở thành một trung tâm tài chính đúng nghĩa. Quy hoạch hạ tầng Thủ Thiêm với một con đường Wall Street Việt Nam chỉ là một bước rất nhỏ, quan trọng hơn nhiều là chính sách nguồn nhân lực và kế hoạch xây dựng cơ sở pháp lý cho những định chế tài chính sẽ hoạt động ở trung tâm tài chính tương lai này.

 

TS Lê Hồng giang (nnhanh)
Theo http://sgtt.vn
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->