Công nghiệp [ Đăng ngày (19/04/2025) ]
Thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số trong kỷ nguyên mới
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số đã và đang khẳng định vai trò động lực chủ chốt, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội.

Chuyển đổi số – Động lực phát triển quốc gia trong kỷ nguyên 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đưa công nghệ số trở thành một trụ cột chiến lược, đóng vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Tuy nhiên, song song với những lợi ích to lớn, công nghệ số thế hệ mới cũng đặt ra không ít rủi ro và thách thức, đòi hỏi Việt Nam phải có chiến lược chủ động thích ứng, kiểm soát hiệu quả các nguy cơ, đồng thời khai thác tối đa những thành tựu của khoa học - công nghệ toàn cầu.

Cơ hội song hành cùng thách thức

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự bùng nổ của công nghệ số, các quốc gia đang chạy đua để khẳng định vị thế trong nền kinh tế tri thức. Theo bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo (AI) được dự báo sẽ đóng góp gần 20.000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030, mở ra tiềm năng to lớn trong nâng cao năng suất lao động, hiệu quả dịch vụ công, phát triển kỹ năng và tăng cường sức cạnh tranh.

Không nằm ngoài xu thế đó, ngành công nghệ số của Việt Nam đang có những bước tiến ấn tượng. Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ VI, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, tổng doanh thu ngành công nghiệp công nghệ số năm 2024 ước đạt 152 tỷ USD, tăng 35,7% so với năm 2019. Hệ sinh thái khởi nghiệp ngày càng mở rộng với gần 74.000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực từ phần cứng, phần mềm đến AI, dữ liệu lớn, Internet vạn vật…

Tính đến cuối năm 2023, đã có gần 1.900 doanh nghiệp công nghệ số vươn ra thị trường quốc tế, tạo doanh thu 11,5 tỷ USD – tăng 53% so với năm 2022. Cùng với đó, lực lượng lao động công nghệ số đạt hơn 1,67 triệu người, tăng hơn 50% trong vòng 5 năm qua.

Những thành tựu này đã đóng góp tích cực vào nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam, đưa quốc gia xếp thứ 44/133 vào năm 2024. Đặc biệt, Việt Nam hiện dẫn đầu thế giới ở ba chỉ số: nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo.

Thực trạng và những tồn tại cần khắc phục

Dù có những bước phát triển vượt bậc, nhưng theo Tổng Bí thư Tô Lâm, năng lực công nghệ của doanh nghiệp Việt vẫn ở mức hạn chế. Các doanh nghiệp trong nước mới chỉ tham gia ở mức rất khiêm tốn trong chuỗi giá trị toàn cầu, chủ yếu cung cấp các dịch vụ phụ trợ. Trong khi đó, phần lớn linh kiện trong ngành điện tử đều được nhập khẩu, khiến giá trị gia tăng nội địa thấp.

Một minh chứng rõ nét là trong số các nhà cung ứng cấp I của Samsung tại Thái Nguyên, chỉ có 5 doanh nghiệp trong nước, còn lại là doanh nghiệp nước ngoài. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Bắc Ninh. Điều này phản ánh rõ thực trạng lệ thuộc vào công nghệ ngoại nhập và hạn chế trong khả năng tự chủ công nghệ.

Việc phát triển không đồng đều về hạ tầng và nguồn lực công nghệ giữa các vùng, miền đang tạo ra khoảng cách số, cản trở mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, các rủi ro từ công nghệ mới – đặc biệt là AI – ngày càng hiện hữu. Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông, các rủi ro bao gồm: tấn công mô hình, thiên lệch dữ liệu, cạnh tranh độc quyền, thất nghiệp, ô nhiễm môi trường và vấn đề pháp lý liên quan đến quyền riêng tư, sở hữu trí tuệ...

Khảo sát của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy, Việt Nam xếp thứ 9 về mức độ sẵn sàng ứng phó với AI tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, sau các quốc gia như Singapore, Trung Quốc và Malaysia.

Hướng đến phát triển bền vững và chủ động thích ứng

Để vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên số, Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển lấy con người làm trung tâm, đảm bảo yếu tố đạo đức, an toàn và trách nhiệm xã hội. Theo ông Đỗ Cao Bảo, thành viên HĐQT FPT, việc tận dụng trí tuệ Việt và thế mạnh về toán học có thể giúp Việt Nam nắm bắt cơ hội trong lĩnh vực AI, nhất là khi bài học từ Trung Quốc cho thấy hoàn toàn có thể phát triển công nghệ tiên tiến ngay cả trong điều kiện bị hạn chế về thiết bị phần cứng.

Chính phủ và các bộ ngành đang tích cực xây dựng hành lang pháp lý, tháo gỡ điểm nghẽn cho hoạt động khoa học – công nghệ. Nổi bật là việc Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp xây dựng Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; dự kiến trình Quốc hội thông qua các Luật sửa đổi liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm và năng lượng nguyên tử trong năm 2025.

Song song đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn thiện dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, nhằm tăng năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh chuyển đổi số và hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số nội địa. Dự kiến trong giai đoạn 2025–2026, sẽ có văn bản luật chuyên biệt về Chính phủ số và Chuyển đổi số.

Đặc biệt, Luật Dữ liệu sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, giúp tăng cường quản lý dữ liệu cá nhân, khai thác hiệu quả tài nguyên dữ liệu quốc gia, thúc đẩy kinh tế số và đảm bảo an toàn thông tin.

Chú trọng an ninh – tiếp cận đa tầng

Theo PGS.TS Đỗ Minh Khôi (ĐH Kinh tế TP.HCM), trong bối cảnh công nghệ ngày càng chi phối các hoạt động kinh tế - xã hội, việc kiểm soát rủi ro phải được đặt lên hàng đầu. Dữ liệu - yếu tố cốt lõi của AI – mang tính chiến lược về chủ quyền và an ninh quốc gia. Do đó, Việt Nam cần tiếp cận theo hướng đa tầng, đa chủ thể và đa mục tiêu, trong đó ưu tiên cao nhất là đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn công nghệ và sự phát triển bền vững.

htquyen
Theo Báo Lâm Đồng
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Cao Bằng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Tỉnh Cao Bằng xác định, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân, đưa các địa phương thoát nghèo bền vững. Đây được xem là đòn bẩy để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời là cơ hội để nông dân tiếp cận thành tựu của khoa học, công nghệ, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn.









© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->