Sinh vật
[ Đăng ngày (12/04/2025) ]
|
Đánh giá một số điều kiện tối ưu trong quá trình chiết xuất cao chiết từ lá bơ Booth thu tại Đắk Lắk
|
|
Cây bơ là một trong những loại cây nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao và cây bơ có nguồn gốc từ Mexico và châu Mỹ. Trong quả bơ chứa nhiều các hợp chất, vitamin có lợi cho sức khỏe, còn trong lá bơ chứa nhiều các hợp chất flavonoid và phenol có khả năng kháng lại vi khuẩn Helicobacter pylori gây bệnh viêm loét dạ dày. Đắk Lắk là tỉnh có diện tích trồng cây bơ khá lớn và việc tận dụng được nguồn nguyên liệu lá bơ này sẽ góp phần nâng cao giá trị kinh tế của cây bơ. Nghiên cứu này thực hiện đánh giá một số điều kiện tối ưu trong quá trình chiết xuất cao chiết từ lá bơ Booth lấy tại Đắk Lắk.
|
Ảnh minh họa: Internet
Từ ngàn năm nay, cây cối đã được sử dụng để làm dược liệu. Bằng cách sử dụng công nghệ hóa dược phẩm, công nghệ tổng hợp sinh học và hóa học kết hợp, các sản phẩm tự nhiên mang các hoạt tính sinh học đã và đang được ứng dụng rộng rãi. Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các hợp chất có trong cao chiết của lá bơ có khả năng kháng khuẩn, tiêu viêm và kháng lại vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) gây viêm loét dạ dày. Hiện nay, có nhiều phương pháp được sử dụng trong việc chiết xuất, tuy nhiên các phương pháp truyền thống như ngâm dầm, ngâm kiệt hay chiết nóng được sử dụng phổ biến để chiết xuất các hợp chất vì dễ thực hiện và không yêu cầu các thiết bị phức tạp. Trong đó thì các điều kiện trong quá trình chiết xuất cũng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu suất, trong đó các điều kiện như dung môi, nhiệt độ, thời gian chiết, và tỉ lệ dung môi – dược liệu.
Đối với mục tiêu nghiên cứu là chiết xuất các hợp chất anthocyanin và axit phenol đơn vòng có tính phân cực mạnh, dung môi thường được sử dụng để chiết xuất là các dung môi phân cực (có proton và không proton). Có nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi sử dụng ethanol: nước (1:1, v/v) có bổ sung 1% HCl để chiết xuất nhóm anthocyanin từ lá bơ, tỷ lệ dung môi/nguyên liệu là 14:1 (v/w) cho thấy hiệu quả tốt nhất. Trên thực tế, các dịch chiết từ lá cây bơ (phần lớn là chiết bằng cồn hoặc nước) đã được sử dụng từ rất lâu để làm thuốc điều trị bệnh và cho đến nay vẫn được xem là an toàn với người dùng. Các điều kiện khác như nhiệt độ và thời gian chiết thường được khảo sát tùy vào phương pháp chiết được sử dụng. Nhìn chung, việc tăng nhiệt độ và thời gian chiết giúp tăng hiệu suất chiết, nhưng đến một ngưỡng nhất định hiệu suất chiết sẽ tăng không đáng kể hoặc giảm do sự phân hủy các hoạt chất. Tỉ lệ dung môi – dược liệu tăng giúp tăng khả năng hòa tan của hoạt chất, nhờ đó nâng cao hiệu suất chiết, tuy nhiên, cần tối ưu hóa điều kiện này để cân bằng giữa hiệu suất chiết và chi phí. Do đó mục tiêu của nghiên cứu này là xác định một số điều kiện tối ưu như dung môi, tỉ lệ dung môi, nhiệt độ và thời gian gia nhiệt để chiết xuất cao chiết từ lá bơ Booth thông qua việc đánh giá hiệu quả kháng vi khuẩn H. pylori của các cao chiết.
Những kết quả nghiên cứu trên cho thấy cao chiết xuất từ lá bơ Booth cho kết quả tốt nhất tại dung môi ethanol, tỷ lệ dung môi với bột lá là (10:1), nhiệt độ gia nhiệt tối ưu phù hợp nhất là 60oC và thời gian gia nhiệt phù hợp nhất là 120 phút. Những kết quả nghiên cứu này góp phần cho việc xây dựng quy trình chiết xuất lá bơ hoàn chỉnh để ứng dụng vào việc sản xuất sản phẩm thực phẩm chức năng như trà túi lọc hay viên nang nhằm điều trị cho các bệnh nhân bị viêm loét dạ dày do vi khuẩn H. pylori gây ra. Nhờ đó, nguồn nguyên liệu lá bơ Booth rất dồi dào ở các tỉnh vùng Tây Nguyên của nước ta có thể được tận dụng, góp phần nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm đầu ra của cây bơ. |
nnttien
Theo Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Đại học Thái Nguyên, T. 230, S. 02 (2025) |