Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (12/04/2025) ]
Tổng quan về tác nhân gây triệu chứng thối rễ và thối thân trên cây sầu riêng (Durio zibethinus L.) và biện pháp quản lý
Nghiên cứu: “Tổng quan về tác nhân gây triệu chứng thối rễ và thối thân trên cây sầu riêng (Durio zibethinus L.) và biện pháp quản lý” do nhóm tác giả: Nguyễn Gia Huy –Trường Đại học Cần Thơ; Đặng Thị Kim Uyên, Nguyễn Văn Hòa – Viện cây ăn quả miền Nam thực hiện

Sầu riêng (Durio zibethinus L.) là một loại cây ăn quả nhiệt đới thuộc họ Malvaceae, có trung tâm xuất xứ ở bán đảo Malaysia, Indonesia và Borneo (Verheij, 1991). Sầu riêng là loại trái cây có giá trị kinh tế cao và nổi tiếng

Tại Việt Nam, tổng diện tích trồng sầu riêng đến năm 2018 là hơn 47 nghìn ha (Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, 2019). Sầu riêng được trồng thành bốn vùng canh tác lớn bao gồm Đồng bằng sông Cửu Long tại huyện Cai Lậy (Tiền Giang), Chợ Lách (Bến Tre), Vũng Liêm (Vĩnh Long) và Kế" Sách (Sóc Trăng) được trồng ở quy mô nhỏ lẻ thường dưới 1ha; Tây Nguyên bao gồm Đăk Lăk, Pleiku và Kontum; Đông Nam bộ gồm Đồng Nai, Tây Ninh và Bình Phước và vùng duyên hải Nam Trung bộ được trồng rải rác tại các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế (Trần Văn Hâu & Trần Sỹ Hiếu, 2023). Giá trị xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam năm 2023 đạt 2,22 tỷ USD và dự kiến kim ngạch xuất khẩu gia tăng thêm từ 1-1,5 tỷ USD trong các năm tới (Tridge, 2024). Hiện tượng thối rễ và thối thân trên sầu riêng là ảnh hưởng chính đến sự phát triển của cây (Lim & Chan, 1986). Tổn thất mùa màng và chi phí phòng trừ ước tính khoảng 20-25% sản lượng (Drenth & Guest, 2004); trong khi bệnh thối quả do cùng loại mầm bệnh gây ra thiệt hại 30% ở Malaysia (Chau, 1998). Trong bối cảnh sản lượng nông nghiệp ngày càng tăng và sầu riêng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế các nước nhiệt đới, việc nghiên cứu về bệnh thối thân và thối rễ trên cây sầu riêng trở nên cần thiết và cấp bách. Một trong những thách thức chính là hiểu rõ sự lan truyền của bệnh và định rõ các yếu tố ảnh hưởng đến sự bùng phát trong điều kiện môi trường khác nhau và đánh giá hiệu quả của các phương pháp chẩn đoán hiện đại giúp phát triển biện pháp phòng và chữa trị một cách hiệu quả. Chiến lược quản lý bền vững cũng là một khía cạnh quan trọng, đặc biệt là khi đối mặt với sự chống kháng thuốc ngày càng gia tăng từ tác nhân gây bệnh. Bài báo tổng quan này cung cấp thông tin về bệnh hại trên cây sầu riêng và đề xuất hướng nghiên cứu, giải pháp thiết thực, góp phần nâng cao sự hiểu biết và khả năng quản lý cho những người liên quan đến ngành sản xuất sầu riêng. Sầu riêng (Durio zibethinus L.) là loại trái cây có giá trị kinh tế cao, được ưa chuộng tại khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, loại trái cây này có giá trị xuất khẩu và diện tích canh tác liên tục gia tăng qua từng năm. Bên cạnh đó, việc trao đổi, giao lưu và nhập khẩu các giống sầu riêng có năng suất và chất lượng cao được đẩy mạnh. Nhưng điều này cũng tạo ra hệ lụy không mong muốn cụ thể là tăng khả năng du nhập các loại dịch hại ngoại lai và sức khỏe cây sầu riêng cũng bị giảm do xử lý hóa chất thường xuyên. Đặc biệt là các triệu chứng thối rễ và thối thân sầu riêng trở thành một yếu tố tác động đến chất lượng và phẩm chất của loại trái cây này; nhất là khi nhu cầu về sản lượng tăng mạnh, diện tích mở rộng mất kiểm soát và hình thành các vùng trồng chuyên canh thì loại bệnh này càng phức tạp và phổ biến. Đây là những vấn đề gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và năng suất của cây, đặt ra nhu cầu cấp bách về việc nghiên cứu tổng quan về bệnh thối thân và thối rễ trong cây sầu riêng, nghiên cứu hy vọng có thể đóng góp vào phát triển nông nghiệp bền vững, tăng cường năng suất và giảm thiệt hại tối đa của loại bệnh này.

ntdinh
Theo Tạp chí khoa học nông nghiệp Việt Nam số 3/2025
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 
 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->