Nghiên cứu [ Đăng ngày (28/03/2025) ]
Đánh giá mối liên quan giữa đặc điểm hình ảnh học cắt lớp vi tính với tai biến xuất huyết phổi sau thủ thuật sinh thiết u phổi xuyên thành ngực
Nghiên cứu do tác giả chính Trương Ngọc Vân (Khoa Chẩn đoán Hình ảnh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP. Hồ Chí Minh) và các cộng sự thực hiện nhằm đánh giá mối liên quan giữa hình ảnh học cắt lớp vi tính với tai biến xuất huyết phổi sau thủ thuật sinh thiết u phổi xuyên thành ngực tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính gây tử vong hàng đầu thế giới ở cả nam và nữ. Tiêu chuẩn vàng để xác định chẩn đoán là kết quả giải phẫu bệnh lý được lấy trực tiếp từ tổn thương. Có nhiều phương pháp lấy mẫu khác nhau, tùy thuộc vào vị trí, kích thước tổn thương, bệnh lý đi kèm và điều kiện của cơ sở y tế. Phương pháp được chọn cần đảm bảo hiệu quả cao nhất và giảm thiểu nguy cơ tai biến cho bệnh nhân. Trong đó, sinh thiết xuyên thành ngực dưới hướng dẫn cắt lớp vi tính đã cho thấy những ưu điểm và vai trò quan trọng đối với khối u ngoại vi mà nội soi phế quản khó tiếp cận. Giá trị chẩn đoán ung thư phổi của phương pháp sinh thiết xuyên thành ngực dưới hướng dẫn cắt lớp vi tính đã được chứng minh qua rất nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước, với độ nhạy khoảng 90%, độ chuyên biệt gần 100%, khả năng tiên đoán dương gần 100% và khả năng tiên đoán âm khoảng 71%.

Nghiên cứu mô tả cắt ngang, thực hiện trên 331 trường hợp có tổn thương phổi nghi ngờ ung thư được sinh thiết u phổi xuyên thành ngực tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định từ 01/2022 đến 12/2023.

Kết quả cho thấy: Tuổi trung bình là 62,4 ± 10,7 tuổi, tỉ lệ nam:nữ là 1,7:1. Tỉ lệ biến chứng xuất huyết phổi sau thủ thuật là 14,5%. Kích thước trung bình của u là 48,6 ± 20,4 mm, khoảng cách từ u tới màng phổi là 7,8 ± 10,4 mm. Chúng tôi xác định được một số yếu tố liên quan với tai biến xuất huyết phổi bao gồm kích thước u (p = 0,003), khoảng cách u tới màng phổi (p < 0,001), kích thước kim 16G hay 18G (p = 0,019), thời gian thực hiện thủ thuật (p = 0,026) và số lần kim bấm sinh thiết (p = 0,05). Bên cạnh đó, một số yếu tố được xác định không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhóm có và không có xuất huyết phổi (p > 0,05) bao gồm: vị trí phân thùy của u, u dạng đặc hay hang, đường bờ và giới hạn của u, đặc điểm giải phẫu bệnh, hiện diện của khí phế thũng, dãn phế quản, xẹp phổi xung quanh, dãn phế quản, tư thế bệnh nhân khi sinh thiết và góc kim sinh thiết. Trong 48 trường hợp có xuất huyết phổi sau khi thực hiện sinh thiết xuyên thành ngực, nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận có 8 trường hợp ho ra máu (2,4%) với 7 trường hợp điều trị nội khoa ổn định, 1 trường hợp được can thiệp nội mạch thành công.

Qua nghiên cứu cho thấy sinh thiết u phổi xuyên thành ngực dưới hướng dẫn cắt lớp vi tính là phương pháp an toàn với tỉ lệ tai biến thấp, nguy cơ xuất huyết phổi có thể được dự đoán trước dựa vào một số đặc điểm hình ảnh học cắt lớp vi tính.

tnxmai
Theo Tạp chí Y Dược học Phạm Ngọc Thạch Tập. 4 Số. 1 (2025)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->