Môi trường [ Đăng ngày (16/03/2025) ]
Ứng dụng mô hình sam trong phân tích liên kết ngành, khả năng phát thải khí CO2 và tạo việc làm của các ngành kinh tế tại Việt Nam
Mặc dù, đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao nhưng vấn đề bảo vệ môi trường ở Việt Nam vẫn chưa được chú trọng do đẩy mạnh công nghiệp hóa khiến lượng khí thải CO2 tăng cao. Theo lượng phát thải bình quân đầu người, Việt Nam đứng thứ 125 trên thế giới, với 3,1 tấn CO2 tương đương/người. Tốc độ tăng phát thải ở Việt Nam được coi là nhanh nhất trên toàn cầu trong hai thập kỷ. Nhận thức được tầm quan trọng của việc giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu cũng như tác động của nó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu tại kỳ họp lần thứ 26 của Hội nghị các bên (COP26). Từ tháng 11 năm 2021, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện lộ trình hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chiến lược chuyển đổi sang nền kinh tế ít các bon là một trong những chiến lược giúp Việt Nam tích cực tham gia vào chiến dịch thay đổi khí hậu toàn cầu. Chiến lược như vậy sẽ phải nhấn mạnh vào mối liên kết và đánh giá hiệu quả các ngành. Mặt khác, khi xem xét vai trò của các ngành để thực hiện tái cơ cấu kinh tế cần dựa trên sự đánh giá mối quan hệ giữa liên kết ngành và sự phát thải khí CO2 để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững. Với áp lực việc làm và những quy định về môi trường, nhiều việc làm trong các lĩnh vực sử dụng nhiều CO2 có thể bị thay thế và loại bỏ. Ngoài ra, tiêu dùng của các hộ gia đình ảnh hưởng đến sản lượng của các ngành và vì thế gián tiếp ảnh hưởng đến việc làm cũng như lượng khí thải CO2. Ngược lại, sản lượng sản xuất của các ngành cũng ảnh hưởng đến chi tiêu hộ gia đình thông qua các khoản thu nhập của người lao động. Do sự hạn chế về phương pháp và dữ liệu, mối liên hệ giữa khu vực sản xuất và các hộ gia đình, sự phát thải khí CO2 và việc làm thường bị bỏ qua trong các nghiên cứu. Để lấp đầy khoảng trống này, nghiên cứu đã áp dụng mô hình SAM để phân tích toàn diện hơn những tương tác giữa các khu vực sản xuất và hộ gia đình, giúp giảm sai lệch khi đo lường các tác động và cung cấp thông tin hữu ích để hoạch định chính sách. Tính độc đáo của nghiên cứu này được thể hiện ở những điểm sau: 1) Đây là nghiên cứu đầu tiên và toàn diện ở Việt Nam áp dụng cách tiếp cận mô hình SAM để phân tích mức độ liên kết ngành, phát thải khí CO2 và việc làm. 2) Khác với các nghiên cứu hiện có trên thế giới, số liệu liên quan đến các nhóm lao động, hộ gia đình trong nghiên cứu này được trình bày chi tiết hóa theo trình độ lao động và mức độ thu nhập của các nhóm hộ ở hai khu vực nông thôn và thành thị. Nhờ vậy, kết quả nghiên cứu là cơ sở để hoạch định các chính sách có giá trị liên quan đến các vấn đề về phân phối thu nhập trong nền kinh tế. 3) Đây là một nghiên cứu điển hình về mức độ liên kết ngành, giảm phát thải các bon và tạo việc làm ở các nước đang phát triển. Vì vậy, kết quả nghiên cứu là tài liệu tham khảo quý giá cho các quốc gia khác có điều kiện tương tự như Việt Nam có thể đạt được mục tiêu kép liên quan đến tái cơ cấu kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm phát thải khí CO2.

1. Tổng quan nghiên cứu

Phân tích liên kết là một trong những phương pháp phổ biến nhằm làm rõ mối quan hệ giữa các ngành để xác định các ngành trọng điểm, hướng đến việc cải thiện và thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế. Chenery và Watanabe là những nhà khoa học đầu tiên đã sử dụng phương pháp này để phân tích cơ cấu sản xuất. Sau đó, nhiều nhà khoa học khác trên thế giới như Jones, Dietzenbacher và Van Der Linden... đã bắt đầu quan tâm đến cách tiếp cận này. Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu cũng sử dụng phương pháp này để phân tích mối quan hệ giữa cung và cầu, cũng như dự báo tình hình kinh tế vĩ mô.

Phương pháp phân tích liên ngành cũng được sử dụng để lượng hóa khả năng tạo việc làm và thu nhập của nền kinh tế từ những thay đổi trên một lĩnh vực cụ thể. Ngoài ra, phương pháp này còn được sử dụng trong các phân tích môi trường, năng lượng như các nghiên cứu.

Mặc dù, các vấn đề nghiên cứu trên khá quan trọng, tuy nhiên, số lượng nghiên cứu kết hợp các vấn đề này hiện còn rất hạn chế và đem lại các kết quả khác nhau. Một số nghiên cứu cho thấy việc chấp hành các quy định về môi trường có thể gây bất lợi đối với khả năng cạnh tranh, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và việc làm. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác cho thấy, tác động tích cực của các quy định về môi trường đối với việc làm như các nghiên cứu. Một số nghiên cứu về nền kinh tế khu vực cho thấy, việc thi thực thi các chính sách công khu vực góp phần cải thiện tính bền vững môi trường từ quá trình tái cơ cấu kinh tế, từ đó góp phần tạo ra số lượng lớn việc làm.

Mô hình SAM là phần mở rộng của bảng Đầu vào-Đầu ra của Leontief và được sử dụng lần đầu tiên bởi Stone. Sau đó, phân tích dựa trên SAM được xem là một trong những công cụ đáng tin cậy để các nhà hoạch định chính sách ra quyết định liên quan đến tăng trưởng kinh tế, tái cơ cấu và phân phối thu nhập. Gần đây, các nghiên cứu ... đã sử dụng SAM để nghiên cứu mối quan hệ giữa kinh tế và môi trường nhằm đưa ra các khuyến nghị chính sách quốc gia và khu vực.

2. Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

2.1. Dữ liệu

Dữ liệu để xây dựng Ma trận hạch toán xã hội Việt Nam 2020 (VSAM2020) kết hợp với các dữ liệu môi trường được thu thập từ các nguồn sau: Dữ liệu tài khoản quốc gia của Tổng cục Thống kê Việt Nam; Dữ liệu IO năm 2020 của Việt Nam từ OECD, theo đó các ngành kinh tế của Việt Nam bao gồm 45 ngành (C1 - Nông nghiệp, C2 - Đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, C3- Khai thác đá, sản phẩm sản xuất năng lượng, C4 - Khai thác mỏ, sản phẩm phi năng lượng, C5 - Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ, C6 - Thực phẩm, đồ uống và thuốc lá, C7 - Dệt may, sản phẩm dệt may, da giày, C8 - Gỗ và các sản phẩm từ gỗ, bần, C9 – Sản phẩm giấy và in ấn, C10 - Than cốc và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế, C11 - Hóa chất và sản phẩm hóa chất, C12 - Dược phẩm, hóa dược và các sản phẩm thực vật, C13 - Sản phẩm cao su và nhựa, C14 - Sản phẩm khoáng phi kim loại khác, C15 - Kim loại cơ bản, C16 - Sản phẩm kim loại gia công, C17 - Máy tính, thiết bị điện tử và quang học, C18 - Thiết bị điện, C19 - Máy móc và thiết bị, không cần xác định, C20 - Xe cơ giới, rơ moóc và sơ mi rơ moóc, C21 - Thiết bị vận tải khác, C22 - Sản xuất chưa được phân vào đâu; sửa chữa, lắp đặt máy móc, thiết bị, C23 - Cung cấp điện, gas, hơi nước và điều hòa không khí, C24 - Cung cấp nước; Hoạt động quản lý và xử lý nước thải, chất thải, C25 – Xây dựng, C26 - Thương mại bán buôn và bán lẻ; sửa chữa xe cơ giới, C27 - Vận tải đường bộ và vận tải bằng đường ống, C28 - Vận chuyển bằng đường thủy, C29 – Vận chuyển hàng không, C30 - Hoạt động kho bãi và hỗ trợ vận tải, C31 - Hoạt động bưu chính, chuyển phát nhanh, C32 - Hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống; C33 - Hoạt động xuất bản, nghe nhìn và phát sóng, C34 – Viễn thông; C35 - Dịch vụ CNTT và thông tin khác, C36 – Hoạt động tài chính và bảo hiểm, C37 – Hoạt động bất động sản, C38 - Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ, C39 - Dịch vụ hành chính và hỗ trợ, C40 - Hành chính công và quốc phòng; an sinh xã hội bắt buộc, C41 – Giáo dục, C42 - Hoạt động công tác xã hội và sức khỏe con người và C43 - Nghệ thuật và giải trí là các ngành có động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế, C44 - Hoạt động dịch vụ khác, C45 - Hoạt động làm chủ của các hộ gia đình; Hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ không phân biệt của hộ gia đình để tiêu dùng); Dữ liệu phát thải CO2 của Việt Nam từ IMF; Quyết toán thu và chi ngân sách nhà nước năm 2020 của Bộ tài chính; Bảng Cán cân thanh toán quốc tế năm 2020 của Ngân hàng Nhà nước; và Dữ liệu điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2020.

3. Kết luận và khuyến nghị

Nghiên cứu mức độ liên kết ngành, khả năng tạo phát thải và việc làm của các ngành kinh tế ở Việt Nam giúp xác định các ngành then chốt và có tác động lan tỏa mạnh, đánh giá rủi ro đến môi trường và tăng trưởng kinh tế, dự báo tác động đến việc làm và chuyển đổi lao động. Nhờ vậy, kết quả nghiên cứu cung cấp những thông tin quan trọng để định hướng phát triển bền vững nền kinh tế, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi các bon thấp.

Nhóm các ngành C1 - Nông nghiệp, C3- Khai thác đá, sản phẩm sản xuất năng lượng, C6 - Thực phẩm, đồ uống và thuốc lá, C9 – Sản phẩm giấy và in ấn, C23 - Cung cấp điện, gas, hơi nước và điều hòa không khí, và C36 – Hoạt động tài chính và bảo hiểm, C38 - Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ là những ngành trọng điểm nhờ có mối liên kết mạnh nên cần tiếp tục được ưu tiên phát triển. Tuy nhiên, ngành C23 là một ngành có nguy cơ phát thải lớn khí CO2. Vì vậy, cần đẩy mạnh đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo, ứng dụng công nghệ lưu trữ năng lượng để tăng tính ổn định, linh hoạt của hệ thống năng lượng. Các ngành C3, C9 và C38 có khả năng tạo việc làm tổng không cao, mặc dù các ngành C9 và C38 có thể tạo ra việc làm gián tiếp cao. Để giải quyết vấn đề này, bản thân các ngành phải tự nâng cấp, chú trọng đổi mới sáng tạo, đặc biệt cần có chính sách hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ như sản xuất thiết bị năng lượng, dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng để tạo thêm nhiều việc làm.

Nhóm các ngành còn lại có nguy cơ phát thải thấp nhưng có khả năng giảm đáng kể việc làm dưới ảnh hưởng của chính sách giảm phát thải, đặc biệt là giảm đáng kể việc làm trực tiếp của ngành C1 cũng như việc làm tổng của ngành C6, C36 và C38. Do đó, cần chủ động đầu tư và chuyển đổi mô hình sản xuất bền vững đối với các ngành này; phát triển chuỗi cung ứng ngắn để giảm phát thải cũng như nguy cơ rủi ro về thất nghiệp.

Nhóm các ngành C2 - Đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, C5 - Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ, C7 - Dệt may, sản phẩm dệt may, da giày, C8 - Gỗ và các sản phẩm từ gỗ, bần, C13 - Sản phẩm cao su và nhựa, C14 - Sản phẩm khoáng phi kim loại khác, C17 - Máy tính, thiết bị điện tử và quang học, C24 - Cung cấp nước; Hoạt động quản lý và xử lý nước thải, chất thải, C25 – Xây dựng, C29 – Vận chuyển hàng không; C31 - Hoạt động bưu chính, chuyển phát nhanh, C32 - Hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống; C34 – Viễn thông; C37 – Hoạt động bất động sản; C40 - Hành chính công và quốc phòng; an sinh xã hội bắt buộc, C41 – Giáo dục, C42 - Hoạt động công tác xã hội và sức khỏe con người và C43 - Nghệ thuật và giải trí là các ngành có động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế. Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện các chính sách thu hút đầu tư hoặc kích cầu vào các ngành này để tăng sản lượng quốc gia. Đồng thời, cũng cần khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực khai khoáng, nông nghiệp, lâm nghiệp nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho các ngành sản xuất, chế biến. Các ngành C5, C14, C24, C25, C29 là những ngành có nguy cơ phát thải cao. Vì vậy, cần khuyến khích áp dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, sinh khối đối với các lĩnh vực này và các lĩnh vực thượng nguồn. Các ngành này cùng với các ngành C13, C17, C34 và C37 có khả năng tạo ra việc làm tổng thấp, mặc dù việc làm gián tiếp và kích thích ở một số ngành khá cao. Do đó, cần phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng cho người lao động; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ để thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Các ngành C8, C17, C32, C37, C40, C41, C42 và C43 có thể giảm đáng kể lượng lao động đối với chính sách giảm phát thải. Vì vậy, cần chú trọng các chính sách an sinh xã hội trong quá trình chuyển đổi các bon thấp như các chương trình hỗ trợ về bảo hiểm thất nghiệp, đào tạo nghề, tìm việc làm mới, đặc biệt là với các lao động thu nhập thấp ở khu vực nông thôn.

Nhóm các ngành C10 - Than cốc và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế, C11 - Hóa chất và sản phẩm hóa chất, C15 - Kim loại cơ bản, C16 - Sản phẩm kim loại gia công, C18 - Thiết bị điện, C26 - Thương mại bán buôn và bán lẻ; sửa chữa xe cơ giới là những ngành nền tảng có liên kết mạnh với các lĩnh vực hạ nguồn nên cần được tiếp tục đầu tư phát triển để thúc đẩy sản lượng nền kinh tế. Trong đó, C10 và C15 là ngành có nguy cơ gây phát thải cao nên cần tiếp tục áp dụng công nghệ sạch và năng cao hiệu quả năng lượng trong quá trình sản xuất. Trừ ngành C26, khả năng tạo việc làm của các ngành còn chưa cao. Để cải thiện vấn đề này, cần tăng cường đào tạo nghề và đào tạo chuyên môn cho lao động trong các ngành này; áp dụng công nghệ mới, tự động hóa để tăng năng suất lao động; cải thiện điều kiện làm việc và tăng mức thu nhập. Dưới tác động của chính sách giảm phát thải, các ngành C16 và C18 có nguy cơ giảm số lượng lao động tổng, trong khi ngành C26 chủ yếu giảm nhiều lao động trực tiếp. Vì vậy, cần có kế hoạch chuyển đổi và đào tạo lại lao động theo hướng liên quan đến các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường.

Ngành C39 - Dịch vụ hành chính và hỗ trợ mặc dù không có ưu thế về mức độ liên kết với các ngành khác trong nền kinh tế nhưng là ngành có khả năng giải quyết việc làm và mức độ phát thải khí CO2 thấp. Vì vậy các chính sách thúc đẩy tiêu dùng và thu hút đầu tư sẽ góp phần hạn chế tỷ lệ thất nghiệp, đảm bảo sự ổn định xã hội trong quá trình chuyển đổi các bon thấp.

dtnkhanh
Theo Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Đại học Đà Nẵng (tập 22, số 8 - 2024)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->