Lá ổi (Psidium guajava L.) được ghi nhận là nguồn hợp chất tự nhiên đa dạng với những hoạt tính có lợi cho sức khỏe. Nghiên cứu được thực hiện các tác giả Lê Thanh Ninh, Nguyễn Thị Tình, Bùi Thị Thu Huyền, Đỗ Như Quỳnh, Vi Đại Lâm, Nguyễn Tiến Dũng thuộc Khoa Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên nhằm đánh giá ảnh hưởng của dung môi đến hàm lượng các hợp chất polyphenol và hoạt tính chống ôxy hóa của dịch chiết lá ổi.
|
Cây ổi (Psidium guajava L.), thuộc họ Myrtaceae, là loại cây ăn quả thuộc khí hậu nhiệt đới, được trồng rộng rãi tại Việt Nam vì hương vị và thành phần hoạt chất phong phú. Ở khía cạnh dược liệu, tất cả các bộ phận của cây ổi, bao gồm quả và các phụ phẩm như búp non, lá, vỏ thân và vỏ rễ, đều đã được y học dân gian sử dụng từ rất lâu như một vị thuốc để điều trị một số loại bệnh khác nhau như viêm ruột, tiêu chảy, tiểu đường...
Mẫu lá ổi được lựa chọn từ cây ổi 4 năm tuổi, thuộc giống ổi Đông Dư, trồng tại mô hình nhà lưới tại Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên. Mẫu lá tươi, xanh và tăng trưởng tốt được thu hái từ các cây ổi khác nhau cho mỗi lần lặp lại.
Các mẫu lá ổi được ngâm trong dung dịch NaHCO₃ 10% trong 15 phút, rửa sạch và sấy khô ở 40°C, sau đó được xay thành bột và bảo quản ở 4°C cho đến khi tiến hành các thí nghiệm tiếp theo
Ethanol 70%, methanol 70% và nước nóng là các dung môi được lựa chọn. Hàm lượng phenolic tổng (TPC) và hàm lượng flavonoid tổng (TFC) được phân tích để đánh giá hiệu quả thu nhận nhóm chất polyphenol. Thử nghiệm khả năng bắt gốc tự do (DPPH) và khả năng khử sắt được tiến hành để khảo sát khả năng chống ôxy hóa. TPC của các mẫu thí nghiệm dao động từ 20-30 mg axit gallic đương lượng/g chất khô (DW) và TFC đạt khoảng 10-14 mg quercetin đương lượng/g DW. Cao chiết từ dung môi ethanol 70% và methanol 70% có khả năng chống ôxy hóa mạnh với nồng độ khử được 50% gốc DPPH (IC50) lần lượt là 91,87 và 78,06 μg/ml. Ở nồng độ 250-500 μg/ml, mẫu chiết bằng hai dung môi này cũng đạt được kết quả cao hơn mẫu chiết bằng nước nóng trong thử nghiệm năng lực khử.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, ethanol 70%, methanol 70% và nước nóng đều có thể sử dụng làm dung môi để tách chiết các hợp chất polyphenol từ mẫu chất khô lá ổi, và dịch chiết từ các dung môi này đều thể hiện hoạt tính chống ôxy hóa. Dung môi ethanol 70% và methanol 70% cho hiệu quả tách chiết tương đương nhau và cao hơn nước nóng. Dịch chiết bằng hai dung môi này cũng thể hiện khả năng chống ôxy hóa cao hơn so với dịch chiết bằng nước nóng. Hoạt tính chống ôxy hóa tỷ lệ thuận với hàm lượng TPC, TFC và TTC trong dịch chiết.
Từ kết quả của nghiên cứu, cho thấy dịch chiết từ lá ổi là một nguồn chất chống ôxy hóa tự nhiên tiềm năng cho những nghiên cứu sản xuất sản phẩm thực phẩm chức năng và dược phẩm. |