Sinh vật [ Đăng ngày (22/02/2025) ]
Phân lập thực khuẩn thể có hoạt tính ly giải vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây bệnh trên cá điêu hồng nuôi lồng bè ở tỉnh Vĩnh Long
Aeromonas hydrophila (A. hydrophila) là một trong những vi khuẩn gây bệnh và làm tổn thất đáng kể cho nghề nuôi cá ở nhiều nước trên thế giới và ở Việt Nam. Nhiều giải pháp điều trị bệnh khác nhau đã được áp dụng nhưng việc kiểm soát vi khuẩn này vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Vì vậy, nghiên cứu được thực hiện nhằm phân lập được thể thực khuẩn (TKT/phage) có khả năng ly giải vi khuẩn A. hydrophila gây bệnh xuất huyết trên cá điêu hồng nuôi lồng bè ở tỉnh Vĩnh Long.


Do đặc tính dễ nuôi, mau lớn, chất lượng thịt thơm ngon, và có giá trị dinh dưỡng cao (Siddiqui & Al-Harbi, 1995; Zonneveld & Fadholi,1991) và là đối tượng có tiềm năng xuất khẩu trong tương lai nên cá điêu hồng (Oreochromissp.) là đối tượng thủy sản được nuôi chủ yếu ở cù lao Anh Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Tuy nhiên, do có nhiều hộ nuôi cùng với mật độ cao đã gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường ao nuôi và các rủi ro có thể xảy ra do dịch bệnh bùng phát. Bệnh xuất huyết do vi khuẩn A. hydrophilalà một trong những bệnh thường hay xuất hiện và gây thiệt hại lớn cho nghề nuôi cá điêu hồng lồng bè (Tran & ctg., 2017). Bệnh xuất hiện thường xuyên trong các tháng mùa mưa và các tháng giao mùa với tỷ lệ nhiễm bệnh là 47.25% và tỷ lệ chết có thể lên đến 84% (Tran & ctg., 2017). Để điều trị bệnh, người nuôi đã sử dụng thuốc kháng sinh nhưng không theo khuyến cáo nên làm vi khuẩn tăng khả năng kháng thuốc và hiệu quả điều trị giảm. Do đó, việc xuất hiện bệnh vẫn phổ biến, cá bệnh có xu hướng làm nặng hơn và việc điều trị cũng khó khăn hơn trước đây. Do đó, các biện pháp thay thế vừa hiệu quả và an toàn trong phòng trị bệnh thuỷ sản, có thể hạn chế việc sử dụng kháng sinh là trở ngại lớn cho người nuôi.

Thể thực khuẩn (TKT/phage) hiện diện phổ biến trong tự nhiên có thể ly giải vi khuẩn hiệu quả. Do đó, liệu pháp thực khuẩn thể (phage therapy) đang dần trở thành một chiến lược sinh học thay thế không ảnh hưởng xấu đến môi trường để kiểm soát các bệnh do vi khuẩn (Housby & Mann, 2009). Do không có dư lượng thuốc hoặc độc tính của thuốc liên quan đến liệu pháp này, TKT đã được đề xuất như là một giải pháp thay thế cho việc sử dụng thuốc kháng sinh để kiểm soát sinh học mầm bệnh trong cá và tôm nuôi (Jun & ctg., 2016; Silva & ctg., 2016). Trong thời gian qua, ngày càng có nhiều ứng dụng của TKT trong lĩnh vực thủy sản đã được công bố. Đánh giá hiệu quả bảo vệ của chủng phage PVN02 trong việc kiểm soát do A. hydrophila trên cá tra của Dang và cộng sự (2021) cho thấy thức ăn bổ sung phage có tỷ lệ tử vong đã giảm còn 8.33±2.9% hoặc 16.67±2.9% ở liều phage log 6.2±0.09 hoặc log 4.2±0.09 PFU/g so với đối chứng là 68.3±2.9%. Trong khi đó, kết quả đánh giá hiệu quả của TKT trong điều trị bệnh cho tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) của Truong và cộng sự (2021) cho thấy sau 24 giờ bổsung TKT, mật số vi khuẩn trong nước giảm mạnh từ 4.6x104CFU/mL xuống còn 6.5x102CFU/mL và sau 02 ngày bổ sung TKT mật số vi khuẩn giảm còn 3.3x102CFU/mL. Kết quả thu được trên mẫu tôm cũng tương tự khi có tác động của TKT, vi khuẩn trong gan tụy tôm từ 2.3x105 CFU/con giảm xuống 1.1x102 CFU/con. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cho thấy hầu hết các TKT có thể kiểm soát hiệu quả cá bệnh do vi khuẩn như Vibrio harveyi nhiễm trên tôm, Streptococcus iniae trên cá bơn, A. hydrophila trên cá chạch (Misgurnus anguillicaudatus) và nhiễm A. salmonicida ở cá bơn (Solea senegalensis) (Akmal& ctg.,2020; Matsuoka & ctg., 2007; Silva & ctg., 2016; Stalin& Srinivasan, 2017). Báo cáo của Luo và cộng sự (2019) cho thấy cá rô phi (Oreochromis niloticus) được điều trị bằng TKT (chủng HN48) có tỷ lệ sống là 60%±3.3% và thời gian tử vong trung bình (delayed mean death time) được kéo dài thêm khoảng 03 ngày so với nhóm đối chứng có tỷ lệ sống khoảng 30%. Tuy nhiên, các báo cáo về TKT có hoạt tính ly giải vi khuẩn gây bệnh trên cá điêu hồng nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng chưa được nghiên cứu. Hiện tại, chưa có nghiên cứu về TKT trên cá điêu hồng được công bố ở Việt Nam. Việc phân lập và tuyển chọn TKT có nguồn gốc bản địa là rất quan trọng. Do đó, nghiên cứu: “Phân lập thực khuẩn thể có khả năng ly giải vi khuẩn A. hydrophila gây bệnh trên cá điêu hồng nuôi lồng bè ở tỉnh Vĩnh Long” được thực hiện.

nnttien
Theo Tạp chí khoa học Đại học Mở TP.HCM, Số 20 (1)/2025
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Đánh giá một số điều kiện tối ưu trong quá trình chiết xuất cao chiết từ lá bơ Booth thu tại Đắk Lắk
Cây bơ là một trong những loại cây nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao và cây bơ có nguồn gốc từ Mexico và châu Mỹ. Trong quả bơ chứa nhiều các hợp chất, vitamin có lợi cho sức khỏe, còn trong lá bơ chứa nhiều các hợp chất flavonoid và phenol có khả năng kháng lại vi khuẩn Helicobacter pylori gây bệnh viêm loét dạ dày. Đắk Lắk là tỉnh có diện tích trồng cây bơ khá lớn và việc tận dụng được nguồn nguyên liệu lá bơ này sẽ góp phần nâng cao giá trị kinh tế của cây bơ. Nghiên cứu này thực hiện đánh giá một số điều kiện tối ưu trong quá trình chiết xuất cao chiết từ lá bơ Booth lấy tại Đắk Lắk.






© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->