Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (27/02/2025) ]
Sự truyền lây của Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) trên tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) trong điều kiện phòng thí nghiệm
Nghiên cứu: “Sự truyền lây của Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) trên tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) trong điều kiện phòng thí nghiệm” do nhóm tác giả: Đỗ Thị Cẩm Hồng, Trương Hồng Việt, Lê Hồng Phước –Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II; Phan Thị Hồng Nhi –Đại học khoa học tự nhiên TP.HCM; Nguyễn Thị Thái Tuấn – Đại học Nông lâm TP.HCM thực hiện.

Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) đã được phát hiện ở tôm sú Penaeus monodon bị hội chứng chậm lớn trong các ao nuôi thương phẩm ở Thái Lan từ năm 2009 (Tourtip & ctv., 2009). Ở Việt Nam, EHP có liên quan đến bệnh phân trắng ở tôm sú Penaeus monodon và tôm thẻ chân trắng P. vannamei, đã gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho ngành nuôi trồng thuỷ sản từ năm 2010 (Ha & ctv., 2010). EHP là một loại ký sinh trùng nội bào có 4 giai đoạn sống bên trong các tế bào bị nhiễm (Tourtip & ctv., 2009). Bào tử trưởng thành có hình bầu dục (1,1 μm × 0,7 μm) với vách dày, bao gồm nhân đơn, một đầu có đĩa bám và đầu còn lại có một không bào và một cuộn dây với 5-6 vòng (Tourtip & ctv., 2009; Aldama-Cano & ctv., 2018). EHP không cần vật chủ trung gian và có thể sinh sống trong đường tiêu hóa của tôm đến hết vòng đời (Tourtip & ctv., 2009; Aranguren & ctv., 2017). Đường truyền lây của EHP là truyền trực tiếp từ tôm sang tôm qua sống chung, ăn thịt lẫn nhau hoặc do tiếp xúc với nước bị nhiễm EHP (Salachan & ctv., 2017; Tangprasittipap & ctv., 2013). NACA (2015) đã báo cáo rằng không có dấu hiệu cụ thể để phân biệt giữa tôm bị nhiễm và không nhiễm EHP. Sự nhiễm bệnh có thể được xác định dựa vào sự bất thường của tôm nuôi như là tăng trưởng chậm và được khẳng định nhiễm EHP bằng cách dựa vào phương pháp sinh học phân tử. Điều này làm cho việc kiểm soát mầm bệnh này trở nên khó khăn trong các ao bị nhiễm. EHP không gây chết tôm, nhưng có liên quan đến sự chậm lớn và bệnh phân trắng trên tôm nuôi (Ha & ctv., 2010). Tuy nhiên, Rajendran & ctv. (2016) cho rằng tình trạng nhiễm EHP không ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng của tôm.

Nhiều phương pháp nghiên cứu sự truyền lây của EHP cho thấy sự lây truyền theo chiều ngang qua các bào tử được phát tán vào nước nuôi từ tôm bị nhiễm EHP, hoặc qua đường ăn gan tôm bị nhiễm EHP (Tang & ctv., 2016; Salachan & ctv., 2017), hoặc bằng phương pháp tiêm (Mai & ctv., 2020). Tuy nhiên, thời gian lây nhiễm của EHP có sự khác biệt giữa các báo cáo và tỷ lệ lây nhiễm vẫn chưa được rõ ràng. Vì vậy, nghiên cứu này thực hiện gây nhiễm với 4 phương pháp gần giống với môi trường ao nuôi thực tế bao gồm nuôi chung giữa tôm khỏe với tôm nhiễm EHP, cho tôm khỏe ăn gan tụy tôm nhiễm EHP, ngâm trong nguồn nước bị nhiễm EHP và ngâm trong nguồn nước nhiễm EHP nhưng được sục khí trước 7 ngày. Với mục tiêu là xác định phương thức lây nhiễm, thời gian cũng như tỷ lệ truyền nhiễm của EHP được hiểu rõ ràng hơn và tạo nguồn tham khảo cho các nghiên cứu phòng trị EHP trong tương lai.

Vi bào tử trùng - Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) là tác nhân chính gây bệnh microsporidiosis ở gan tụy, gây ảnh hưởng đến tôm nuôi ở Đông Nam Á kể từ năm 2009. Tại Việt Nam, EHP có liên quan đến bệnh phân trắng ở tôm sú Penaeus monodon và tôm thẻ chân trắng Penaeus vannamei, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho ngành nuôi trồng thủy sản kể từ năm 2010. EHP có khả năng lây truyền ngang thông qua sống chung và ăn thịt đồng loại nên gây khó khăn trong việc kiểm soát sự lây nhiễm bệnh trong ao nuôi. Với mục tiêu tìm hiểu phương thức lây truyền EHP ở tôm thẻ chân trắng trong điều kiện phòng thí nghiệm, nghiên cứu này thực hiện 4 thử nghiệm cảm nhiễm (thí nghiệm) với vi bào tử trùng EHP: (1) Nhốt chung nhưng có cách ly giữa tôm bị nhiễm và không bị nhiễm EHP, (2) Cho tôm khỏe mạnh ăn gan tụy tươi nhiễm EHP, (3) Ngâm tôm khỏe mạnh trong nước bị nhiễm EHP và (4) Ngâm tôm khỏe mạnh trong nước nhiễm EHP được sục khí trước 7 ngày. Từ thí nghiệm 1 đến thí nghiệm 3, sự lây nhiễm EHP ở tôm được đánh giá tại 4 thời điểm 3, 5, 7 và 14 ngày sau cảm nhiễm. Ngoại trừ thí nghiệm 4, mẫu tôm và mẫu nước được thu vào thời điểm 14 và 21 ngày sau khi thử nghiệm. Các mẫu tôm đối chứng được thu nhận từ bể nguồn vào ngày kết thúc của mỗi thí nghiệm. Kết quả cho thấy ở thí nghiệm thứ nhất tỷ lệ nhiễm trung bình sau 7 ngày và 14 ngày lần lượt là 70% và 100%. Đối với thí nghiệm thứ hai, tỷ lệ nhiễm trung bình sau 3, 5, 7 và 14 ngày lần lượt là 30%, 55%, 65% và 100%. Trong khi, ở thí nghiệm gây nhiễm thứ ba, tỷ lệ lây nhiễm trung bình sau 7 và 14 ngày lần lượt là 20% và 90%. Ngược lại, đối với thí nghiệm thứ tư, EHP không được phát hiện trong nước cũng như trong tôm 14 và 21 ngày sau thí nghiệm cảm nhiễm. Tất cả các thí nghiệm đều không có trường hợp tôm chết được ghi nhận trong suốt thời gian thí nghiệm. Tóm lại, nghiên cứu này cho thấy EHP có thể lây truyền nhanh theo chiều ngang qua sống chung và ăn thịt đồng loại. Trong khi, lây nhiễm EHP từ nguồn nước vào tôm diễn ra chậm hơn. Điều này sẽ là tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo nhằm đề xuất các biện pháp phòng trị cũng như ngăn chặn sự lây nhiễm EHP có hiệu quả hơn

ntdinh
Theo Tạp chí nghề cá sông Cửu Long, số 24/2024
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 
 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->