Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (27/02/2025) ]
Đánh giá khả năng ức chế của Nano bạc plasma đối với Streptococus agalactiae gây bệnh trên cá rô phi và hiệu quả khử trùng trong phác đồ điều trị thực nghiệm
Nghiê cứu: “Đánh giá khả năng ức chế của Nano bạc plasma đối với Streptococus agalactiae gây bệnh trên cá rô phi và hiệu quả khử trùng trong phác đồ điều trị thực nghiệm” do nhóm tác giả: Trương Đình Hoài, Đặng Thị Hóa – Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Đặng Hữu Anh, Nguyễn Thị Hương Giang – Khoa thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Vũ Thị Hảo -Viện nghiên cứu công nghệ plasma thực hiện.

Cá rô phi sinh trưởng nhanh, chống chịu môi trường tốt, thịt trắng, thơm ngon, không có xương dâm, phù hợp chế biến phục vụ xuất khẩu và được thị trường ưa chuộng. Để đạt được sản lượng và lợi nhuận cao nhất, nhiều phương thức nuôi thâm canh, nuôi cao sản đang áp dụng. Tuy nhiên, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường và dịch bệnh ngày càng lớn dẫn đến giảm tỉ lệ sống, năng suất và hiệu qủa nuôi trồng. Trong số các bệnh của cá rô phi thì nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn gây ra (Haenen & cs., 2023). Theo báo cáo của Abdel-Latif & cs. (2020), hiện nay các nhóm vi khuẩn chính đã và đang gây bệnh trên cá rô phi nuôi gồm bệnh xung huyết Streptococcosis do liên cầu khuẩn, bệnh do vi khuẩn dạng sợi Columnaris, bệnh hoại tử nội tạng FrancisellosisEdwardsiellosis, bệnh xung huyết do Aeromonas sp., bệnh trứng đỏ Hahellosis và bệnh bào nang do Epitheliocystis. Trong đò, mức độ thiệt hại lớn nhất và ảnh hưởng nhiều nhất là bệnh do vi khuẩn Streptococcus agalactieae gây ra.

Bạc được biết đến là nguyên tố hóa học có khả năng kháng khuẩn mạnh, đặc biệt khi vật liệu có kích thước ở mức nano, cụ thể là dưới dạng hạt nano bạc (Thuy & cs., 2022). Hạt nano bạc được sử dụng rộng rãi trong y tế, nông nghiệp để sát trùng vết thương hoặc khử trùng nước nuôi (Márquez & cs., 2018; Thuy & cs., 2022). Tuy nhiên, nano bạc thông thường có thể ảnh hưởng đến môi trường, sức khoẻ của động vật và con người nếu liều lượng sử dụng không được nghiên cứu kỹ lưỡng, hoặc kích cỡ của hạt nano bạc quá lớn (Khan & cs., 2015; Rezvani & cs., 2019). Do vậy, việc tiếp cận với các sản  phẩm hạt nano bạc chất lượng cao, kích thước nhỏ, đồng đều và an toàn là một thách thức do cần áp dụng các công nghệ và kéo theo giá thành cao hơn so với các chất khử trùng khác. Nano bạc có thể được chế tạo bằng nhiều phương pháp khác nhau, tuy nhiên phương pháp plasma điện hoá là phương pháp dễ sản xuất và tạo ra sản phẩm với chi phí thấp hơn

so với các phương pháp thông thường. Hiện nay, công nghệ chế tạo nano bạc sử dụng kỹ thuật tương tác plasma đã được nghiên cứu, sản xuất. Nano bạc plasma có chất lượng, an toàn và hiệu quả khử trùng vượt trội hơn so với nano bạc thông thường (Kondeti & cs., 2017). Trong phương pháp plasma điện hoá, kích thước hạt nano có thể được điều khiển, được tích điện âm trong môi trường plasma nên bền và phân tán tốt hơn nano bạc thông thường và làm tăng khả năng khử trùng so với nano bạc thông thường (Weerasinghe & cs., 2020). Trong lĩn vực thủy sản, nano bạc plasma là vật liệu mới chưa được nghiên cứu thử nghiệm và đánh giá khả năng ứng dụng trong khử trùng nước ao nuôi.

Nghiên cứu này được thực hiện để đánh giá bước đầu khả năng diệt khuẩn của nano bạc plasma lên vi khuẩn S. agalactiae gây bệnh trên cá rô phi trong điều kiện thực nghiệm để cung cấp thông tin cho các nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn phòng trị bệnh trên cá rô phi nói riêng và trong nuôi trồng thuỷ sân nói chung.

Nano bạc plasma là vật liệu mới, được tạo ra nhờ phương pháp plasma điện hoá bạc, có chất lượng, an toàn và hiệu quả khử trùng vượt trội hơn so với nano bạc thông thường, tuy nhiên chưa được nghiên cứu để ứng dụng trong lĩnh vực thuỷ sản. Nghiên cứu này được thực hiện để đánh giá khả năng diệt khuẩn Streptococcus agalactiae gây bệnh trên cá rô phi bằng dung dịch nano bạc plasma làm tiền đề ứng dụng vào thực tiễn phòng trị bệnh trên thuỷ sản. Nano bạc plasma được đánh giá có khả năng ức chế vi khuẩn trong điều kiện in vitro, kiểm tra độ an toàn trên cá thí nghiệm và khả năng khử trùng trong các phác đồ điều trị cho cá được gây nhiễm thực nghiệm. Kết quả nghiên cứu cho thấy nano bạc plasma ở các nồng độ 0,25; 0,5 và 1ppm có khả năng ức chế 97,8; 99,9 và 100% vi khuẩn S. agalactiae trong điều kiện in vitro và an toàn với rô phi khi được ngâm khử trùng. Sử dụng nano bạc plasma (0,5ppm) có khả năng sát trùng tương đương BKC (0,5ppm) và Glutandehyl 0,05ppm trong các phác đồ điều trị bệnh do vi khuẩn S. agalactiae trên cá rô phi bằng kháng sinh amoxicline (40 mg/kg cá) trong điều kiện thực nghiệm.

ntdinh
Theo Tạp chí khoa học nông nghiệp Việt Nam số 9/2024
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Sáng kiến mới  
 
 

CASTI TiVi




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->