Tự nhiên
[ Đăng ngày (21/04/2024) ]
|
Nghiên cứu cảm ứng và bước đầu nhân nuôi sinh khối rễ cây dược liệu rau đắng đất (Glinus oppositifoliusL.)
|
|
Rau đắng đất là một cây dược liệu có giá trị trong y học cổ truyền và hiện đại. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng rễ cây Rau đắng đất tích lũy nhiều hợp chất thứ cấp có giá trị.
|
Hiện nay, nhu cầu trên toàn cầu về các hợp chất sinh học từ cây thuốc đã tạo nên sự khai thác quá mức các cây dược liệu có giá trị. Áp dụng nuôi cấy mô và tế bào thực vật để sản xuất các thành phần quan trọng của các sản phẩm dược phẩm được thương mại hóa đã trở nên phổ biến trong những năm qua. Quá trình nuôi cấy tế bào, mô và cơ quan của các cây dược liệu để thu nhận các hoạt chất sinh học vừa mang ý nghĩa cho ngành dược phẩm vừa mang các giá trị về kinh tế. Trong đó, hướng ứng dụng nuôi cấy rễ bất định và rễ tơ (rễ chuyển gen của vi khuẩn) được đánh giá là cách thay thế hiệu quả cho phương pháp thông thường để sản xuất các hợp chất thứ cấp có giá trị từ cây thuốc nhờ khả năng tăng trưởng nhanh, khả năng tổng hợp cao và sự ổn định về di truyền của tế bào thực vật.
Nghiên cứu được tiến hành nhằm xác định các thông số kỹ thuật để cảm ứng và nhân nuôi rễ cây Rau đắng đất trong điều kiện in vitro. Vật liệu để cảm ứng rễ được sử dụng là chồi đỉnh và mô lá cây Rau đắng đất in vitro. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mẫu chồi cảm ứng ra rễ đạt 100% và có số rễ, chiều dài rễ trung bình cao nhất trên môi trường MS có bổ sung 0,75mg/l a-NAA. Với mẫu cấy là mô lá, môi trường MS bổ sung 0,5 mg/l a-NAA là môi trường cảm ứng rễ tối ưu. Trong giai đoạn nuôi cấy rễ, các nhân tố như auxin, cao nấm men, điều kiện chiếu sáng đều tác động đến sự tăng trưởng sinh khối rễ. Rễ in vitro của cây Rau đắng đất sinh trưởng tốt trên môi trường MS có bổ sung 0,5 mg/l a-NAA và 0,75 mg/l cao nấm men. Nuôi cấy rễ trong điều kiện tối kích thích rễ tăng trưởng tốt hơn điều kiện có chiếu sáng 16 giờ trên ngày. Các kết quả thu được là kết quả bước đầu cho hướng nghiên cứu ứng dụng nuôi cấy sinh khối rễ cây dược liệu Rau đắng đất để thu các hợp chất thứ cấp có giá trị. |
nttvy
Theo Tạp chí khoa học và công nghệ lâm nghiệp, tập 13, số 2(2024) |