Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (03/05/2024) ]
Đánh giá hiệu giá kháng thể IBDV và năng suất của đàn gà thịt thương phẩm thực địa sau khi sử dụng vacxin TABIC MB và IBDV-ICX
Nghiên cứu: “Đánh giá hiệu giá kháng thể IBDV và năng suất của đàn gà thịt thương phẩm thực địa sau khi sử dụng vacxin TABIC MB và IBDV-ICX” do nhóm tác giả: Lê Thị Kim Tuyến - Phân Hiệu Ninh Thuận, Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Kiều Oanh, Nguyễn Mạnh Hổ -Khoa Chăn nuôi Thú y, Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.

Bệnh viêm túi Bursal truyền nhiễm (IBD - Infectious bursal disease) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ lây lan trên gà và gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho nền chăn nuôi gia cầm. Hàng năm, ngành chăn nuôi gà thịt bị giảm 3,9 ngàn tấn thịt do ảnh hưởng của bệnh IBD (Zachar & cs., 2016). Bệnh do virus IBD (IBDV) gây ra lần đầu tiên vào năm 1962 tại Gumboro, Delaware (còn được gọi là bệnh Gumboro) với các dấu hiệu về viêm tiểu cầu thận, viêm thận, túi Fabricius bị viêm rồi teo lại (Cosgrove, 1962). Virus IBD nhân lên trong túi Bursal và làm suy giảm tế bào lympho B dẫn đến ức chế" miễn dịch dịch thể trên gà con (Spackman & cs., 2018). Có nhiều chủng IBDV (Berg, 1991) với các triệu chứng và tỉ lệ tử vong của bệnh cũng khác nhau. Lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu từ 3-6 tuần tuổi, gà con dưới 3 tuần tuổi thường không có biểu hiện lâm sàng của bệnh (Lukert & Saif, 1997). Bên cạnh việc tăng cường an toàn sinh học cho trại, các chương trình vacxin đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát được bệnh (Rautenschlein & cs., 2005). Hiện nay, vacxin sống nhược độc và vacxin bất hoạt thường được sử dụng. Vacxin sống được sử dụng trên gà thịt nhằm kích thích miễn dịch chủ động. Tuy nhiên, kháng thể mẹ truyền (Maternally derived antibodies (MDA)) có thể trung hòa virus vacxin nên việc lựa chọn thời điểm chủng ngừa vacxin nhược độc phù hợp là rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần lựa chọn vacxin làm sao có thể vượt qua MDA cao một cách an toàn và hiệu quả khi phòng bệnh để rút ngắn khoảng hở miễn dịch với IBD (Van den Berg & Meulemans, 1991).Gần đây, Tabic MB là vacxin phòng bệnh IBD nhược độc chủng M.B. (Phibro Animal Health Corparation, USA) đang được dùng khá phổ biến ở các trang trại chăn nuôi gà ở Việt Nam. Đã có nhiều báo cáo về an toàn và hiệu quả vacxin trên gà Ác, gà trắng thương phẩm, gà Lương Phượng, gà đẻ Isa Brown. Theo Quách Tuyết Anh & cs. (2018) vacxin IBD chủng M.B. tạo hiệu quả đáp ứng miễn dịch tốt hơn chủng W2512 trên gà Ross 308. Virus IBDV chủng M.B. có khả năng định vị sớm trong túi Bursa giúp phát triển kháng thể nhanh và đồng đều, đặc biệt không gây ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch với vacxin phòng bệnh Newcaslte và an toàn cho túi Bursa của gà Lượng Phượng (Nguyễn Thị Kiều Oanh & cs., 2022a). Việc dùng vacxin IBD chủng M.B. cho gà Isa Brown cũng cho hiệu quả tích cực khi virus vacxin IBDV định vị sớm ở túi Bursa từ 21 ngày tuổi và có đáp ứng miễn dịch tốt, đồng đều (Nguyễn Thị Kiều Oanh & cs., 2022b). Trên gà Ác dùng vacxin IBD chủng M.B. cho hiệu giá kháng thể chủ động cao và đồng đều, chỉ số bệnh tích vi thể túi Bursa (BI) cũng có dấu hiệu phục hồi nhanh (Nguyễn Thị Kiêu Oanh & cs., 2023).Vacxin IBDV-Icx (Ceva Animal Health) là vacxin phức hợp miễn dịch, được sử dụng để tiêm cho gà con ở trạm ấp. Vacxin IBDV-Icx là huyễn dịch gồm IBDV sống nhược độc trộn với kháng huyết thanh kháng IBDV theo một tỷ lệ được xác định. Tỷ lệ giữa kháng huyết thanh và virus vacxin quyết định sự bị hấp thu của virus bởi hệ thống miễn dịch và do đó sự khởi phát của đáp ứng miễn dịch ở gà phụ thuộc các mức độ MDA khác nhau (Sedeik & cs., 2019). Việc sử dụng vacxin IBDV-Icx cũng cho kết quả tốt như không có dấu hiệu lâm sàng hay bệnh tích của bệnh Gumboro cho đến khi công cường độc, tuy nhiên vacxin này lại làm tăng chỉ số bệnh tích vi thể túi Bursa so với những con gà không được chủng ngừa vacxin (Sedeik & cs., 2019).

Nghiên cứu này nhằm so sánh khả năng đáp ứng miễn dịch và một số chỉ tiêu năng suất của gà thịt thương phẩm thực địa sau khi sử dụng vacxin sống nhược độc Tabic MB và vacxin phức hợp miễn dịch IBDV-Icx; từ đó, đánh giá vacxin nào phù hợp trong việc phòng bệnh IBD đối với điều kiện chăn nuôi ở Việt Nam.

Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hiệu giá kháng thể kháng IBDV và năng suất của đàn gà thịt thương phẩm thực địa được tiêm vacxin nhược độc Tabic MB và vacxin phức hợp miễn dịch (IBDV-Icx). Tổng 240 mẫu máu đã được lấy ngẫu nhiên từ hai trại để kiểm tra HGKT kháng IBDV bằng kĩ thuật ELISA. Trọng lượng trung bình, tăng trọng bình quân hàng ngày và hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) được theo dõi đến xuất chuồng. Kết quả cho thấy đàn gà có kháng thể mẹ truyền ở mức cao. Hiệu giá kháng thể mẹ truyền lúc 3 ngày tuổi đạt trung bình 5.582 titer. Lúc 30 ngày tuổi, số mẫu có HGKT kháng IBD dương tính (> 396 titer) ở trại sử dụng vacxin Tabic MB và IBDV-Icx là 20% và 5% (P <0,05). Đặc biệt ở 35 ngày tuổi, hiệu giá kháng thể ở trại sử dụng vacxin Tabic MB và vacxin IBD-Icx là 2.671 và 132 titer (P <0,05). Trọng lượng gà và tăng trọng bình quân hàng ngày của gà thí nghiệm là tương đương nhau (P >0,05). Tuy nhiên, hệ số chuyển hóa của đàn gà sử dụng vaccin Tabic MB thấp hơn so với đàn gà sử dụng vacxin IBDV-Icx (P <0,05). Như vậy, gà thịt thương phẩm được sử dụng vacxin Tabic MB có HGKT kháng IBD cao hơn, đồng thời các chỉ tiêu năng suất không bị ảnh hưởng so với gà thịt đã được tiêm vacxin IBDV-Icx

ntdinh
Theo Theo tạp chí khoa học và nông nghiệp số 4/2024
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->