Xã hội-Nhân văn [ Đăng ngày (02/05/2024) ]
Bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống của tỉnh Hải Dương trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay
Nghiên cứu phân tích về đặc điểm, sự tất yếu phát triển các làng nghề dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Mục tiêu của Hải Dương trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại, để đạt được mục tiêu đó tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn có tầm quan trọng hàng đầu. Một trong những nội dung trọng tâm của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là khôi phục, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống, vì nó tạo ra nhiều việc làm, thu hút lao động dôi dư trong nông nghiệp vào các hoạt động dịch vụ và thúc đẩy du lịch trên địa bàn nông thôn nhằm nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của nông dân. Nhờ đó tránh được luồng di dân từ nông thôn ra thành phố, góp phần thực hiện chiến lược kinh tế mở, đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu. Đây là nhiệm vụ không chỉ có ý nghĩa kinh tế, mà còn có ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn trong sự nghiệp phát triển đất nước nói chung và của Hải Dương nói riêng.

Tiềm năng phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống của Hải Dương

Hải Dương là một tỉnh có bề dầy truyền thống lịch sử, vùng đất gắn liền với nhiều di tích lịch sử của vùng văn hóa xứ Đông. Điều đó cũng giúp cho Hải Dương có nhiều làng nghề sớm được hình thành và phát triển trải qua hàng trăm năm. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương tính đến năm 2021 Hải Dương có 66 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận, bào gồm: Làng gỗ mỹ nghệ Đông Giao, Làng nghề rượu Phú Lộc, Làng nghề gỗ mỹ nghệ và dân dụng Ngọc Quyết, Làng nghề mộc dân dụng Lê Xá (Cẩm Giàng); Làng nghề mộc An Lại, Làng nghề mộc, rèn Kiêm Tân, Làng thêu ren La Xá, Làng nghề chiếu cói Thanh Kỳ, Làng nghề đan mây, tre, nứa An Nhân, Làng nghề thêu ren Xuân Nẻo, Làng nghề thêu ren Ô Mễ, Làng nghề thêu ren Nhũ Tỉnh, Làng nghề thêu ren Lạc Dục, Làng nghề thêu ren Nghi Khê, Làng nghề mộc, thêu ren Đồng Bình (Tứ Kỳ); Làng nghề chiếu cói Tiên Kiều, Làng nghề chiếu cói Nhan Bầu (Thanh Hà); Làng mây giang xiênbánh đa Tào Khê, Làng làm thừng rợ Nại Trì, Làng bánh đa Hội Yên, Làng đan tre Đan Giáp, Làng mây giang xiên-bánh đa Đào Lâm, Làng thêu tranh, móc sợi An Dương, Làng ghép trúc, thêu tranh La Ngoại (Thanh Miện); Làng nghề làm hương truyền thống Dưỡng Thái Bắc, Làng nghề mộc Bắc (Kim Thành); Làng nghề làm hương Tống Xá, Làng nghề gốm Chu Đậu, Làng nghề sản xuất chế biến nông sản Mạn Đê, Làng nghề mộc Ngô Đồng, Làng nghề trồng hoa, cây cảnh Phù Liễn, Làng nghề đan tre, làm hương An Xá, Làng nghề làm hương truyền thống thôn Trực Trì, Làng nghề làm hương thơm truyền thống Đông Thôn (Nam Sách); Làng nghề cơ khí Tráng Liệt, Làng nghề vàng bạc Châu Khê, Làng nghề Mộc Trại Như, Làng nghề gốm sứ Cậy, Làng nghề Lược Vạc, Làng nghề Mộc Phương Độ, Làng nghề chế tác vàng bạc Lương Ngọc, Làng nghề mộc Ngọc Mai, Làng nghề chổi chít Lý Đỏ (Bình Giang); Làng bánh đa Lộ Cương, Làng mộc Nguyễn Xá, Làng mộc Đức Minh (TP. Hải Dương); Làng nghề mộc Cúc Bồ, Làng nghề nấu rượu, thêu ren xã Văn Giang (Ninh Giang); Làng chế biến nông sản thực phẩm Tống Buồng, Làng chế biến thực phẩm An Thủy, Làng chạm khắc đá Dương Nham, Làng ươm tơ Hà Tràng (TX. Kinh Môn); Làng sản xuất chổi chít Mật Sơn, Làng sản xuất vật liệu xây dựng không nung Trại Mới, Làng sản xuất vật liệu xây dựng không nung Làng Tường (TP. Chí Linh); Làng giầy da Nghĩa Hy, Làng giầy da Phong Lâm, Làng đan mây tre Chằm, Làng bún Đông Cận, Làng bún Tam Dương, Làng giày da Trúc Lâm, Làng giầy da Văn Lâm, Làng mộc, thêu ren Làng Gạch, Làng rèn, thêu ren Đồng Tái, Làng mộc Đức Đại và Làng gò tôn thôn Ngà (Gia Lộc).

Làng Gốm Chu Đậu – Hải Dương

Với 66 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận, trong đó có 32 làng nghề và 34 làng nghề truyền thống với sự đa dạng của các ngành nghề gắn liền với nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn đã tạo cho Hải Dương có được sự phát triển rất mạnh mẽ trong suốt quá trình phát triển trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, để có thể bảo tồn và phát triển các làng nghề trong những năm tiếp theo, đặc biệt dưới sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là một vấn đề rất cấp thiết của Hải Dương trong những năm tiếp theo.

Đặc điểm làng nghề, làng nghề truyền thống của Hải Dương

Thứ nhất, làng nghề, làng nghề truyền thống của Hải Dương có sự phát triển đa dạng về ngành nghề và gắn chặt với sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay Hải Dương có hàng trăm làng nghề, làng nghề truyền thống trong đó có 66 làng nghề đã được công nhận. Có nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Bánh đa Hội Yên (Ninh Giang), thêu Xuân Nẻo (Tứ Kỳ), Kim hoàn Châu Khê (Bình Giang), gốm Chu Đậu (Nam Sách), mộc, chạm khắc Đông Giao (Cẩm Giàng), chạm khắc đá Dương Nham (Kinh Môn).

Các làng nghề, làng nghề truyền thống của tỉnh đều ra đời và tách dần từ nông nghiệp. Ban đầu do nhu cầu việc làm và nâng cao thu nhập người lao động đã làm nghề thủ công bên cạnh làm ruộng là nghề chính. Khi lực lượng sản xuất dần phát triển thì thủ công nghiệp tách ra thành ngành độc lập, vươn lên thành ngành sản xuất chính ở một số làng bên cạnh nghề nông hoặc đi buôn bán và làm thêm nghề khác. Sự kết hợp đa nghề này thường được thể hiện trong một làng hay trong từng gia đình. So với nhiều tỉnh khác trong cả nước làng nghề, làng nghề truyền thống ở Hải Dương có sự phát triển lâu đời hơn, nhưng nó vẫn gắn chặt với nông nghiệp. Bởi người thợ thủ công vốn là người nông dân tách ra làm nghề thủ công. Từ đó hàng loạt nghề thủ công truyền thống ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nông dân, nông nghiệp và thúc đẩy nhau cùng phát triển.

Thứ hai, sản phẩm của các làng nghề, làng nghề truyền thống ở Hải Dương có tính tập trung cao.

Trong những năm qua, sự phát triển của làng nghề, làng nghề truyền thống ở Hải Dương như: Làng nghề, làng nghề truyền thống là một bộ phận quan trọng của kinh tế nông thôn, là đặc điểm nổi bật của công nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn như: Bánh đa Hội Yên (Ninh Giang), thêu Xuân Nẻo (Tứ Kỳ), Kim hoàn Châu Khê (Bình Giang), gốm Chu Đậu (Nam Sách), mộc, chạm khắc Đông Giao (Cẩm Giàng), chạm khắc đá Dương Nham (Kinh Môn),... đã có sự chuyển đổi tập quán sản xuất quy mô nhỏ, phân tán, tự cấp, tự túc sang sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với thị trường, kết hợp sản xuất nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ. Cơ cấu cũng chuyển biến theo hướng phát triển đa dạng hóa ngành nghề, hình thức sở hữu và hình thức sản xuất kinh doanh.

Làng nghề truyền thống thường nhạy bén với thị trường trong việc đổi mới quy mô, tập trung sản xuất số lượng lớn, mẫu mã, chất lượng lớn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó các sản phẩm có tính mỹ thuật thể hiện rất rõ trên những bức chạm khảm bằng vàng bạc, đồ gỗ và gốm sứ cao cấp,… của các làng nghề truyền thống còn là nơi cung ứng một lượng lớn tư liệu sản xuất cho thị trường.

Thứ ba, lao động làm nghề truyền thống phát triển lâu đời có kinh nghiệm, tay nghề cao.

Lao động trong làng nghề truyền thống ở Hải Dương là những người có trình độ kỹ thuật cao, tay nghề tinh xảo, khéo léo, có đầu óc thẩm mỹ và đầy tính sáng tạo. Bởi các làng nghề ở Hải Dương tồn tại khá lâu đời, hình thành nên những làng nghề thủ công truyền thống. Chẳng hạn làng nghề gốm sứ Chu Đậu có bề dày lịch sử trên 600 năm, nghề mộc, chạm khắc Đông Giao (Cẩm Giàng) có lịch sử trên 300 năm,... Đây là điều kiện hết sức thuận lợi cho phát triển làng nghề truyền thống khi có lớp nghệ nhân đông đảo, có tay nghề giỏi, có kinh nghiệm, kỹ năng, kỹ xảo, những thói quen nghề nghiệp để truyền dạy cho các nghệ thế hệ sau. Là nơi có vị trí thuận lợi về giao thông và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cùng với trình độ tay nghề, hiện nay, các làng nghề có sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, nhưng các sản phẩm vẫn giữ gìn giá trị truyền thống của dân tộc.

Hiện nay, trong quá trình phát triển dưới sự tác động của công nghệ AI, của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, kế thừa và phát huy kinh nghiệm truyền thống, các làng nghề tiếp tục đẩy mạnh trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật cho sản xuất như: Kim hoàn Châu Khê (Bình Giang), gốm Chu Đậu (Nam Sách), mộc, chạm khắc Đông Giao (Cẩm Giàng),... Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, các làng nghề còn gặp những khó khăn như quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất nhỏ,...

Thứ tư, làng nghề, làng nghề truyền thống của Hải Dương có một sự kết tinh giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc.

Một trong những đặc điểm nổi bật của những làng nghề, làng nghề truyền thống ở Hải Dương là mang nét văn hóa lâu đời của văn hóa xứ Đông. Về mặt truyền thống, vùng văn hóa của xứ Đông thuộc 2 tỉnh thành là Hải Dương và Hải Phòng ngày nay, là nơi có nhiều đóng góp cho nền văn hóa Việt Nam. Từ thời nhà Trần qua thời Lê Sơ đến thời nhà Mạc, vùng này là một trong những trung tâm văn hóa lớn nhất của Đại Việt.

Các sản phẩm thủ công truyền thống ở Hải Dương vừa phản ánh những nét văn hóa chung của dân tộc vừa có những nét riêng của làng nghề truyền thống xứ Đông xưa nay là Hải Dương. Làng nghề, làng nghề truyền thống không chỉ là những đơn vị kinh tế, thực hiện mục tiêu sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu mà còn mang nét đặc sắc, biểu trưng của nền văn hóa dân tộc, văn hóa cộng đồng làng xã Việt Nam nói chung và của Hải Dương nói riêng.

Giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống của Hải Dương trong bối cảnh tác động của cuộc &ách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay

Theo Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07/7/2022 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những tiềm năng phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống của tỉnh, Hải Dương cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, quy hoạch, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Hải Dương cần rà soát, sắp xếp lại các làng nghề, làng nghề truyền thống phù hợp quy hoạch phát triển của tỉnh, phù hợp với cảnh quan, không gian và môi trường làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó cần gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn từ đơn ngành sang đa ngành, từ cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm ưu thế sang phát triển công nghiệp và dịch vụ, nhằm thúc đẩy sự hình thành và phát triển thị trường hàng hóa, thị trường vốn, thị trường lao động trong nông thôn.

Hai là, đánh giá, xếp loại hoạt động làng nghề, làng nghề truyền thống phù hợp, gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn theo mục tiêu phát triển của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống kết hợp đánh giá, xếp loại hoạt động làng nghề theo hướng phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn. Điều này góp phần xây dựng và số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một, phát triển các làng nghề có những mặt hàng thế mạnh phục vụ nhu cầu thị trường và giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động đáp ứng xu thế phát triển xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Ba là, bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và thu hút lao động có tay nghề cao.

Trong nền kinh tế thị trường nhu cầu về mẫu mã, chủng loại của người tiêu dùng rất đa dạng và phong phú đối với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, điều này đặt ra cho làng nghề, làng nghề truyền thống cần phải sưu tầm, bảo tồn bí quyết, công nghệ cổ truyền tinh xảo, độc đáo, các sản phẩm được lưu truyền, các mẫu văn hóa có giá trị của làng nghề.

Để phát triển trong giai đoạn hiện nay các làng nghề phải khơi dậy những ngành nghề truyền thống đã có, thu hút, tận dụng lao động có tay nghề, có kỹ năng, kỹ xảo để nâng cao chất lượng các ngành nghề và mặt hàng truyền thống là cơ sở để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa, đồng thời tạo nên thế mạnh, vẻ độc đáo của mỗi làng nghề truyền thống.

Bốn là, xây dựng phát triển các vùng nguyên liệu, phát triển các giá trị của làng nghề.

Cần tập trung phát triển vùng nguyên liệu, các trung tâm bảo tồn và phát triển các giá trị của làng nghề hỗ trợ các ngành chế biến nông sản, thực phẩm ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cụ thể như: Nghề chế biến nông sản nổi lên ở Ninh Giang có làng nghề bánh Gai, Nấu rượu Văn Giang; TP. Hải Dương có làng nghề rượu Phú Lộc; Tứ Kỳ có làng nghề chiếu cói Thanh Kỳ, làng nghề đan mây, tre, nứa An Nhân; Thanh Miện có làng nghề Bánh đa Hội Yên;… các làng nghề của Hải Dương đã hình thành và phát triển hàng trăm năm nay cần được đầu tư hơn nữa để thúc đấy nông nghiệp hàng hóa của các địa phương ngày càng phát triển.

Năm là, đào tạo nâng cao năng lực nghệ nhân, thợ giỏi và nhân lực phục vụ phát triển, bảo tồn làng nghề, làng nghề truyền thống.

Để đáp ứng yêu cầu cho làng nghề, làng nghề truyền thống phát triển dưới sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải nâng cao chất lượng và số lượng lao động có khả năng áp dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Kết hợp công nghệ tiên tiến với công nghệ truyền thống. Điều này đòi hỏi tỉnh cần có chính sách hỗ trợ nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo, truyền nghề cho người lao động, đồng thời giúp họ tự nâng cao trình độ tay nghề của mình. Phối hợp giữa cơ quan Nhà nước với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề để thực hiện công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển, bảo tồn làng nghề, làng nghề truyền thống.

Sáu là, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất, xúc tiến thương mại nhằm phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống.

Để phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi các làng nghề phải từng bước áp dụng công nghệ tiên tiến kết hợp với kỹ năng tinh xảo của các nghệ nhân sẽ tạo ra sản phẩm ngày càng độc đáo, năng suất cao hơn và giá thành phù hợp người tiêu dùng ngày càng đa dạng. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những công nghệ mới như công nghệ AI, công nghệ 3D,… ứng dụng trong các khâu của quá trình sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, điều này đòi hỏi các làng nghề cần phải thay đổi, ứng dụng công nghệ cho phù hợp. Do đó, nhất thiết phải đưa ngành nghề truyền thống từng bước áp dụng trình độ kỹ thuật hiện đại. Tỉnh cần có chính sách cụ thể của các cơ quan quản lý Nhà nước, sự đầu tư của các doanh nghiệp để họ tiếp cận, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Bảy là, xây dựng các chuỗi liên kết giá trị, các hiệp hội ngành nghề truyền thống nhằm phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống.

Tổ chức sản xuất các làng nghề theo chuỗi liên kết vùng nguyên liệu, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm qua đó thu hút các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất gắn với quá trình truyển đổi số trong quá trình phát triển. Cùng với đó cần phát huy các hiệp hội ngành nghề, xây dựng hình thành các hiệp họi ngành nghề truyền thống phù hợp với các quy định của pháp luật nhằm hỗ trợ các làng nghề, làng nghề truyền thống phát triển.

Phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống là một trong những nội dung quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Hải Dương. Với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo của tỉnh, sự nỗ lực cố gắng của các nghệ nhân, của lực lượng lao động Hải Dương trong các làng nghề, làng nghề truyền thống chắc chắn tỉnh sẽ có những giải pháp để ổn định thị trường, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để bảo tồn, phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống qua đó góp phần đưa kinh tế nông thôn của tỉnh ngày càng phát triển.

lttsuong
Theo Tạp chí Nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Sao Đỏ, Số 4 (83) 2023
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->