Mỗi quốc gia khác nhau sẽ có những nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế khác nhau. Đối với những quốc gia phát triển, hiện đại hóa là quá trình chuyển từ xã hội kinh tế sang xã hội tri thức. Đối với các quốc gia đang phát triển thì hiện đại hóa lại là quá trình đẩy nhanh phát triển kinh tế để theo kịp các nước phát triển. Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế đang phát triển, việc trước tiên cần thực hiện là tiến trình công nghiệp hóa nhằm rút ngắn khoảng cách với các quốc gia đang phát triển đồng thời tham gia bền vững vào chuỗi giá trị toàn cầu. Một trong những nhân tố thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa chính là vốn đầu tư. Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) là một thành phần quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến trình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Tỉnh Quảng Ninh với nền tảng là một tỉnh công nghiệp trong những năm gần đây đã có những bước tiến đột phá về cơ sở hạ tầng đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không; cơ sở hạ tầng về đô thị hóa với 4 thành phố và 2 thị xã. Tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện chiến lược dùng cơ cở hạ tầng để thu hút vốn đầu tư trong đó có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).
Xuất phát từ lợi thế về nguồn tài nguyên, tỉnh Quảng Ninh đã sớm định hướng xây dựng phát triển theo hướng công nghiệp hóa phù hợp với định hướng phát triển của đất nước. Nhóm ngành công nghiệp luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm quốc nội của tỉnh Quảng Ninh.
Tỉnh Quảng Ninh còn có lợi thế về du lịch với vịnh Hạ Long, Núi Bài Thơ, Yên tử... đã góp phần tạo nên “miền đất vàng” để thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, để kiện toàn tiến trình công nghiệp hóa, để tăng trưởng kinh tế.
Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI)
Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài là việc nhà đầu tư nước ngoài đưa vốn bằng tiền hoặc các nguồn lực cần thiết vào các khu vực kinh tế. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ trực tiếp tham gia tổ chức, quản lý, điều hành... việc chuyển hóa vốn đầu tư thành vốn sản xuất kinh doanh nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận tối đa trên thị trường. Để phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Ninh không chỉ dựa vào nguồn lực địa phương mà cần cả nguồn lực bên ngoài.
Dựa vào đặc điểm của FDI, tỉnh Quảng Ninh sẽ được tiếp cận với phong cách điều hành, quản lý mà chủ đầu tư FDI mang lại; sẽ được trang bị máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến, vật tư nguyên liệu từ các dự án FDI sử dụng.
Khi tiếp nhận FDI, tỉnh Quảng Ninh rất kỳ vọng vào sự thay đổi về công nghệ, về thị trường, về quản lý.
Tiến trình công nghiệp hóa (IS)
Lịch sử nhân loại đã chứng minh, nhiều quốc gia đã thoát khỏi tình trạng nghèo nàn và lạc hậu, xây dựng xã hội thịnh vượng và văn minh nhờ vào con đường công nghiệp hóa.
Theo nghĩa hẹp, công nghiệp hóa được hiểu là quá trình chuyển dịch từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp làm chủ đạo, từ chỗ tỷ trọng lao động nông nghiệp chiếm phần lớn, nhường chỗ cho tỷ trọng lao động công nghiệp.
Theo nghĩa rộng, công nghiệp hóa là quá trình chuyển dịch từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp, từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, từ văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp.
Mỗi quốc gia khác nhau sẽ có tiến trình công nghiệp hóa khác nhau. Đối với những nước phát triển, tiến trình công nghiệp hóa là quá trình chuyển dịch từ xã hội kinh tế công nghiệp sang xã hội tri thức. Đối với các nước đang phát triển, tiến trình công nghiệp hóa là quá trình đẩy nhanh phát triển để đuổi kịp các nước phát triển.
Tăng trưởng kinh tế (GDP)
Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng của tổng sản phẩm quốc nội hoặc tổng sản lượng quốc gia hoặc thu nhập bình quân đầu người trong một thời gian nhất định.
Theo Tổng cục thống kê, tăng trưởng kinh tế là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp quan trọng, phản ánh toàn bộ kết quả cuỗi cùng của các hoạt động sản xuất của tất cả các đơn vị thường trú trong nền kinh tế của một nước hoặc một khu vực trong một khoảng thời gian nhất định (thường tính là một năm).
Mô hình ARDL
Mô hình phân phối trễ tự hồi quy (ARDL - Autoregressive Distributed Lag Model) là một mô hình hồi quy linh hoạt và dễ sử dụng cho việc phân tích các chuỗi thời gian đa biến.
- Đây là mô hình sử dụng dữ liệu bảng và cho kết quả ước lượng không chệch ngay cả khi các biến trong mô hình dừng ở các bậc khác nhau như dừng ở bậc gốc (ký hiệu I(0)), dừng ở sai phân (ký hiệu I(1)) hay thậm chí hỗn hợp cả hai.
- ARDL có thể cho kết quả ngay cả với dữ liệu bảng nhỏ.
- ARDL cho phép các độ trễ khác nhau giữa các biến trong mô hình, tùy theo đặc tính của dữ liệu.
![](/Portals/0/HinhBanTin/Suong/V%203%20nd.jpg)
Kết quả ước lượng mô hình ARDL
Mỗi giai đoạn khác nhau, mỗi khu vực khác nhau sẽ tạo ra những điều kiện cụ thể, những đặc trưng riêng biệt dựa vào đó xác định mục tiêu, xây dựng chiến lược phát triển qua từng nhân tố ảnh hưởng.
Qua bộ dữ liệu trong giai đoạn 2000-2020 của tỉnh Quảng Ninh, qua kiểm định ADF đã cho thấy việc lựa chọn mô hình ARDL để nghiên cứu mối quan hệ giữa FDI, tiến trình công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế là phù hợp nhất. Kết quả ước lượng mô hình ARDL thể hiện tỉnh Quảng Ninh càng thu hút được nhiều vốn đầu tư và càng đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa thì càng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. |