Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (21/04/2024) ]
Xác định khả năng kháng khuẩn dịch đạm thuỷ phân của nhộng ruồi lính đen (Hermetia illucens) lên một số chủng vi khuẩn gây bệnh trên cá nuôi nước ngọt
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định khả năng kháng khuẩn của dịch đạm thuỷ phân từ nhộng ruồi lính đen (Hermetia illucens) (ĐTPNRLĐ) lên một số chủng vi khuẩn gây bệnh trên cá nuôi nước ngọt bao gồm E. ictaluri, A. hydrophila, A. verroni, và S. agalactiae.

Theo MITV (2022), ngành thủy sản hiện nay giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam với quy mô ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, nghề nuôi cá nước ta phải đối mặt với những khó khăn và thách thức khi dịch bệnh bùng phát và gây thiệt hại đáng kể (VA, 2021). Ngoài ra, việc điều trị bằng kháng sinh trong chăn nuôi hiện nay đã bị cấm trên nhiều nước vì những hệ luỵ tiêu cực tác động vào môi trường và sức khoẻ người tiêu dùng (WAP, 2022).Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về lợi ích từ các loài côn trùng mà nó mang lại, trong đó có loài ruồi lính đen (Hermetia illucens) (Craig & ctv., 2002; Cickova & ctv., 2015). Ruồi lính đen có thể sống trong môi trường bất lợi, tiếp xúc với nhiều vi sinh vật khác nhau, vì chúng có khả năng tiêu thụ rác thải hữu cơ (Craig & ctv., 2002; Banks & ctv., 2013). Vì vậy, chúng có một hệ thống miễn dịch bẩm sinh rất phát triển và có thể tạo ra các peptide có khả năng bảo vệ chống lại vi khuẩn, nấm và vi rút (Choi & ctv., 2018). Trên cơ sở đó, nghiên cứu do nhóm tác giả của Khoa Thuỷ Sản, Trường Đại Học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh thực hiện nhằm khảo sát hoạt tính kháng khuẩn từ đạm thuỷ phân nhộng ruồi lính đen lên một số loài vi khuẩn gây bệnh trên cá nuôi nước ngọt. Nghiên cứu đóng góp thông tin khai thác lợi ích từ loài ruồi lính đen, góp phần vào việc phát triển ngành thuỷ sản theo hướng bền vững hạn chế việc sử dụng thuốc và hoá chất trong chăn nuôi.

Kết quả cho thấy các chủng vi khuẩn trên nhạy cảm với dịch ĐTPBSF với đường kính vòng kháng khuẩn khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê (P < 0,05) so với đối chứng âm ở các nồng độ thử nghiệm là 20, 35, và 70 mg/100 μL. Cụ thể, E. ictalurinhạy cảm ở cả ba nồng độ thử nghiệm với vòng kháng khuẩn lần lượt là 14,0 ± 1, 18,7 ± 0,7, và 20,7 ± 0,7 mm. A. veronii và S. agalactiae nhạy ở nồng độ 35 và 70 mg/100 μL, và A. hydrophilavới vòng kháng khuẩn 14,3 ± 0,3 mm ở nồng độ 70 mg/100 μL. Dịch đạm thuỷ phân từ nhộng ruồi lính đen có khả năng diệt được A. veronii và S. agalactiae với giá trị MIC (minimum inhibitory concentration) = MBC (minimum bactericidal concentration) = 44 mg/mL, trong khi đó E. ictaluri và A. hydrophila bị ức chế ở MIC 44 mg/mL và MBC là 88 mg/mL. Kết quả này chứng tỏ rằng ĐTPNRLĐ có khả năng được sử dụng để phòng và trị bệnh trên cá do các chủng vi khuẩn E. ictaluri, A. hydrophila, A. verroni, và S. agalactiae gây ra.

ltnhuong
Theo Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển, Số 2 (2024)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->