Ở đồng bằng sông Cửu Long, cá mè trắng được người dân nuôi ghép trong các mô hình lúa - cá, vườn - ao - chuồng (Nguyen, 2004). Gonzal & ctv. (1987) nghiên cứu ấp trứng cá mè trắng trong 19 giờ, ở 26,5°C với các mức độ cứng của nước là 100, 200, 300, 400, 500 & 600 mg CaCO3/L thì cho rằng độ cứng của nước nên ở mức 300 - 500 mg CaCO3/L để ấp trứng cá trắng thành công. Rach & ctv. (2010) nghiên cứu ở nước Mỹ, khi ấp trứng cá mè trắng thụ tinh trong năm mức độ cứng của nước (50, 100, 150, 200 & 250 mg CaCO3/L) và hệ thống ấp nước chảy tuần hoàn cho rằng, tỷ lệ nở của trứng mè trắng bị hưởng bởi độ cứng của nước với tỷ lệ nở giao động từ 13,6 - 38,8% (cao nhất ở độ cứng của nước 50 mg CaCO3/L và thấp nhất 250 mg CaCO3/L). Ở Việt Nam chưa phát hiện các nghiên cứu về ảnh hưởng của độ cứng của nước đến sự phát triển phôi và ấu trùng của cá mè trắng. Vì thế nghiên cứu này được tiến hành nhằm xác định độ cứng của nước để ấp trứng cá mè trắng tối ưu.
Nghiên cứu trên trứng cá và ấu trùng cá mè trắng đến giai đoạn tiêu hết noãn hoàng được thực hiện vào tháng 4 năm 2017, tại trại thực nghiệm, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Bạc Liêu.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, các chỉ tiêu pH, ôxy hòa tan và nhiệt độ trong thời gian thí nghiệm ấp trứng cá mè trắng đều nằm trong khoảng thích hợp cho phôi và ấu trùng cá mè trắng phát triển.Trứng cá ấp ở độ cứng nước ở 70 - 190 mg/L có tỷ lệ thụ tinh nằm trong khoảng 78,0 -79,3%. Tỷ lệ nở cao nhất ở nghiệm thức 70 mg/L (54,3%), tỷ lệ sống cao nhất của cá sau khi tiêu hết noãn hoàng là 13,4%) ở nghiệm thức 70 mg/L. Tỷ lệ dị hình của ấu trùng cá mè trắng thấp nhất (5,7%) ở nghiệm thức 70 mg/L. Có thể ấp trứng cá mè trắng từ giai đoạn trứng đến cá tiêu hết noãn hoàng ở độ cứng 70 - 100 mg/L. |