Sâu đầu đen O. arenosella, là loài sâu hại ngoại lai, xuất hiện và gây Bến Tre từ cuối năm 2020 (Le & ctv., 2022), sau đó nhanh chóng bùng phát và lây lan đến các tỉnh phụ cân Bến Tre như Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh (Mai, 2022). Theo ghi nhận tại một số quốc gia khác trên thế giới như Myanmar, Bangladesh vào những năm 2006 - 2008, thiệt hại trên vườn dừa do sâu đầu đen gây ra lên đến khoảng 83% (Mohan & ctv., 2010), gần đây nhất là tại Thái Lan sâu đầu đen gây thiệt hại lên đến 45% năng suất dừa vào năm 2010 - 2017 (Chomphukhiao, 2018). Tại Việt Nam, ngay khi sâu đầu đen xuất hiện các nghiên cứu đã được thực hiện và bước đầu xây dựng được một số giải pháp kiểm soát theo hướng sinh học bền vũng. Kết quả điều tra đánh giá thành phần thiên địch của sâu đầu đen tại Bến Tre đã ghi nhận được 10 loài thiên địch, trong đó, loài ong B. hebetor cho thấy có tiềm năng kiểm soát sâu đầu đen tại Bến Tre (Nguyen & ctv., 2023). Nghiên cứu này được tiến hành nhằm mô tả đặc điểm hình thái loài ong ký sinh B. hebetor ký sinh trên ấu trùng sâu đầu đen, cung cấp thêm dữ liệu về hình thái loài ong này để giúp nhận diện chính xác thiên địch trên vườn dừa tại Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trên ký chủ ấu trùng sâu đầu đen tuổi 6, trứng ong B. hebetor hình bầu dục có màu trắng ngà và bóng, chiều dài trung bình là 0,7 ± 0,07 mm, chiều rộng trung bình là 0,2 ± 0,03 mm; ấu trùng tuổi 3 có màu vàng nhạt hoặc nâu đỏ, chiều dài trung bình 3,5 ± 0,21 mm, chiều rộng trung bình 1,2 ± 0,09 mm; nhộng thuộc dạng nhộng trần hình bầu dục, màu vàng tươi, trung bình chiều dài và chiều rộng nhộng 2 ngày tuổi lần lượt là 3,0 ± 0,20 mm và 1,2 ± 0,08 mm. Thành trùng đực có màu vàng nâu, chiều dài trung bình là 3,0 ± 0,18 mm, chiều rộng trung là 0,8 ± 0,07 mm. Thành trùng cái có màu sáng hơn và kích thước lớn hơn thành trùng đực với chiều dài trung bình là 3,2 ± 0,17 mm, chiều rộng trung bình là 0,8 ± 0,10 mm. |