Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (21/04/2024) ]
Ảnh hưởng của bột vỏ trứng và phân lân đến sinh trưởng và năng suất của giống lạc MD7 trong vụ xuân tại Phú Xuyên, Hà Nội
Thí nghiệm do nhóm tác giả của Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam và Khoa Nông Lâm Ngư Nghiệp, Trường Đại Học Hồng Đức, Thanh Hóa thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của bột vỏ trứng và phân lân đến sinh trưởng và năng suất của giống lạc MD7 trong điều kiện vụ xuân tại Phú Xuyên, Hà Nội.

Canxi là một trong những chất dinh dưỡng quan trọng cho quá trình sinh trưởng và phát triển, đặc biệt quá trình hình thành và phát triển của quả lạc (Cheema & ctv., 1991). Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, sự thiếu hụt canxi là nguyên nhân chính làm tăng tỷ lệ hạt lép và quả khó vào chắc dẫn đến làm giảm năng suất lạc (Ntare & ctv., 2008; Kamara & ctv., 2010). Trong những năm gần đây, việc sử dụng bột vỏ trứng làm nguồn cung cấp canxi bón cho cây trồng nói chung và cây lạc nói riêng trở nên phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới (Park & ctv., 2007; Faridi & Arabhosseini, 2018; Vu & ctv., 2022). Bột vỏ trứng là nguồn canxi tự nhiên rất tốt và có chứa một lượng nhỏ các khoáng chất khác (King’ori, 2011) có lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, đặc biệt kích thích sự phát triển bộ rễ. Bên cạnh đó, tác dụng của bột vỏ trứng trong cải thiện lý hóa tính của đất cũng đã được chứng minh bởi nhiều tác giả như Amu & ctv. (2005) và Munirwan & ctv. (2019). Đồng thời, tác giả Faridi & Arabhosseini (2018) cho rằng, việc tái chế chất thải từ vỏ trứng để tạo thành nguồn phân bón cung cấp canxi và các hợp chất khác cho cây trồng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế. Các kết quả nghiên cứu ứng dụng bón bột vỏ trứng giúp tăng sinh trưởng và năng suất của một số cây trồng như trên cây cà chua (Taufique & ctv., 2014), ớt đỏ (Tri, 2018), đậu phaseolus vulgaris (Radha & Karthikeyan, 2019), đậu xanh (Nguyen & ctv., 2020a) và lạc (Nguyen & ctv., 2020b; Vu & ctv., 2022)... Tuy nhiên, các nghiên cứu về hiệu quả của việc kết hợp giữa bộ vỏ trứng và lân tác động đến sinh trưởng và năng suất của giống lạc MD7 tại địa phương còn hạn chế. Do đó, mục tiêu của nghiên cứu này nhằm xác định lượng bón bột vỏ trứng và phân lân phù hợp đến sinh trưởng và năng suất của giống lạc MD7 trong vụ Xuân tại Phú Xuyên, Hà Nội, qua đó góp phần hoàn thiện quy trình thâm canh lạc tại địa phương.

Thí nghiệm được thực hiện tại Phú Xuyên, Hà Nội trên đất phù sa cổ không được bồi đắp. Thời gian triển khai thí nghiệm trong vụ xuân từ tháng 2 đến tháng 6 năm 2021.

Thí nghiệm 2 nhân tố được bố trí theo kiểu lô chính - lô phụ (Split-plot design) với 3 lần lặp lại. Nhân tố thứ nhất là 3 lượng bón bột vỏ trứng (0, 300 và 500 kg/ha), nhân tố thứ hai là 3 lượng lân bón (30, 60 và 90 kg/ha). Kết quả nghiên cứu cho thấy cây trồng ở nghiệm thức được bón bột vỏ trứng sinh trưởng và cho năng suất cao hơn so với nghiệm thức không bón. Ngoài ra trên cùng một điều kiện có bón hoặc không bón bột vỏ trứng, các chỉ tiêu sinh trưởng và năng suất của giống lạc MD7 tăng với lượng lân bón tăng dần từ 30 kg/ha đến 90 kg/ha. Tóm lại, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lượng bón bột vỏ trứng 500 kg/ha kết hợp với 90 kg P2O5/ha là phù hợp để giống lạc MD7 sinh trưởng, phát triển và mang lại năng suất cao nhất trong vụ xuân tại Phú Xuyên, Hà Nội.

ltnhuong
Theo Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển, Số 2 (2024)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->