Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (21/04/2024) ]
Đánh giá khả năng phối hợp riêng và ưu thế lai của 6 dòng dưa lê (Cucumis melo L. var. inodorus) tự phối đời S5
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 08/2022 đến tháng 2/2023 tại Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu xác định các dòng dưa lê tự phối có khả năng phối hợp riêng (KNPHR) và ưu thế lai (UTL) cao về khối lượng quả và độ Brix.

Dưa lê (Cucumis melo L. var. inodorus), một loại cây rau ăn quả ngắn ngày thuộc họ bầu bí, dù mới du nhập vào nước ta trong vài thập kỉ trở lại đây nhưng đã mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt với kỹ thuật canh tác trong nhà màng, mô hình mang những lợi ích như tiết kiệm nước tưới, hạn chế tác động thời tiết, bảo tồn tài nguyên đất, tiết kiệm năng lượng, kiểm soát dịch hại và hạn chế thuốc hoá học phòng trừ sâu bệnh hại (Aznar-Sánchez & ctv., 2020). Diện tích trồng dưa lê tại Việt Nam đang dần mở rộng do thị trường tiêu thụ khá tốt, giá cả ổn định nhưng nguồn hạt giống vẫn còn phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong khi các giống dưa lê địa phương (dưa lê trắng Hà Nội, dưa lê mật Bắc Ninh, dưa lê Hải Dương) cho năng suất thấp, thịt quả mỏng và mềm, chất lượng chưa cao cùng với khả năng thích ứng của giống nhập nội với từng vùng sinh thái còn là một trở ngại (Vu & Hoang, 2012). Một số công ty giống cây trồng đã nhập nội và đưa vào sản xuất các giống dưa lê lai F1 như: Thu Mật, Thiên Hương, Thu Hoa, Kim Cô Nương, Nữ Thần, Kim Cúc hay Ngọc Thanh cho năng suất cao, quả to, đa dạng về màu sắc và hình dạng (Truong & ctv., 2019). Các công ty giống sử dụng giống nhập nội vì các nghiên cứu về giống dưa lê ưu thế lai tại Việt Nam còn hạn chế, chất lượng hạt giống lai phụ thuộc rất lớn vào nguồn vật liệu làm bố mẹ, trong khi nguồn này chủ yếu do các tập đoàn đa quốc gia sản xuất và nắm giữ. Trong những năm gần đây, các nghiên cứu về cây dưa lê chủ yếu thể hiện qua việc khảo sát các đặc điểm sinh trưởng, phát triển, đánh giá khả năng thích nghi và xây dựng quy trình canh tác. Một số ít các nghiên cứu về chọn tạo các dòng tự phối để tạo nguồn vật liệu bố mẹ và lai tạo giống mới như: Ngo & ctv. (2020) đánh giá các tổ hợp lai (THL) đơn từ dòng dưa lê tự phối, kết quả ghi nhận một số THL có khả năng sinh trưởng tốt, năng suất cao, chống chịu bệnh phấn trắng và sương mai; Nguyen & ctv. (2022) đã đánh giá ưu thế lai và khả năng phối hợp (KNPH) của 10 dòng dưa lê tự phối, kết quả đã xác định được một số dòng dưa lê có KNPH chung cao về năng su ất và khối lượng trung bình quả, hàm lượng chất rắn hòa tan và thời gian sinh trưởng. Việc nghiên cứu và sản xuất giống dưa lê dù đang được quan tâm và bước đầu mang lại những kết quả nhất định. Tuy nhiên, kết quả đạt được chỉ phù hợp với điều kiện canh tác phía Bắc và chưa đủ để sản xuất hạt giống đại trà phục vụ nhu cầu người sản xuất và chất lượng nông sản của người tiêu dùng, đặc biệt là khu vực phía Nam.Gần đây Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM đã thực hiện nghiên cứu dòng thuần dưa lê và chọn được các dòng dưa lê có triển vọng làm bố mẹ trong các phép lai đơn. Kế thừa thành quả trên, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá đặc điểm nông học, KNPHR và ưu thế lai về năng suất và chất lượng dựa vào các THL luân giao từ sáu dòng dưa lê tự phối ưu tú nhằm chọn ra dòng dưa lê làm bố mẹ phục vụ công tác lai tạo giống ưu thế lai F1 cho năng suất cao và phẩm chất tốt, phù hợp với điều kiện sản xuất trong nhà màng tại TP.HCM.

Thí nghiệm được tiến hành trong điều kiện nhà màng, bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên (CRD), đơn yếu tố (giống) với 3 lần lặp lại, gồm 16 nghiệm thức tương ứng với 15 tổ hợp lai (THL) đơn từ 6 dòng dưa lê tự phối thế hệ S5 và giống dưa lê Kim Hồng Ngọc được sử dụng làm đối chứng. Kết quả cho thấy dòng dưa lê DLE06 dùng làm dòng mẹ với dòng DLE04 làm bố (THL14) có KNPHR cao về khối lượng quả (KLQ) và độ Brix. Hai THL đạt UTL về các tính trạng KLQ và độ Brix là THL11 (1416,7 g; 16,33%), THL14 (1520,0 g; 16,57%). Giống THL14 có tiềm năng sinh trưởng, phát triển tốt trong nhà màng, các đặc điểm hình thái như khối lượng quả, màu sắc vỏ quả - thịt quả, độ Brix phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng, có triển vọng để phát triển thành giống mới để đưa vào sản xuất.

ltnhuong
Theo Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển, Số 2 (2024)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->