Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (07/04/2024) ]
Khảo sát sự tiêu thụ lá rụng và hiện diện của còng Parasesarma plicatum (Latreille, 1803) trong các sinh cảnh của rừng ngập mặn Cần Giờ
Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Tuấn Anh, Vũ Cẩm Lương và Nguyễn Phú Hòa (Trung Tâm Nhiệt Đới Việt Nga, Chi Nhánh Phía Nam, và Khoa Thủy Sản, Trường Đại Học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh) thực hiện từ 09/2012 đến 12/2022.

Rừng ngập mặn (RNM) là vùng đất ngập nước trong vùng triều giới hạn trong các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Các hệ sinh thái (HST) rừng ngập mặn chiếm ít hơn một phần trăm (1%) của bề mặt trái đất, nhưng về mặt sinh thái, lý học và kinh tế rất quan trọng. Rừng ngập mặn là một trong những HST tự nhiên có năng suất sinh học cao nhất (Sandilyan & Kathiresan, 2012). Rừng ngập mặn ở Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc đóng góp vào năng suất sinh học vùng cửa sông ven biển, thông qua cung cấp một lượng lớn sinh khối cơ bản để duy trì sự tồn tại của HST cả về ý nghĩa môi trường và kinh tế (Phan & ctv., 1999). Bên cạnh đó, RNM còn có vai trò bảo vệ bờ biển, chống lại xói mòn, chống lại gió bão,... RNM còn là nơi cung cấp thức ăn và là nơi cư trú của nhiều loài thủy sản quan trọng có giá trị thương mại cao. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của FAO (2007) từ năm 1980 tới 2005 tổng diện tích RNM trên toàn thế giới đã sụt giảm trên 30% do các hoạt động của con  người, nên nó cần được tìm hiểu và có biện pháp bảo vệ tốt hơn.Các mảnh vụn hữu cơ rơi xuống từ rừng ngập mặn là nguồn dưỡng chất cho toàn bộ hệ sinh thái ven bờ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn không có nhiều nghiên cứu về quá trình giải phóng các thành phần này từ lá phân hủy và những vai trò của các nhóm sinh vật trong rừng ngập mặn. Xác lá bị phân cắt nhờ sự tiêu thụ hoạt động của động vật thân mềm, chân đầu và nhóm cua còng (Chandra & Keith, 2008). Các nhân tố sinh học trong các bãi lầy cửa sông, ven biển đã góp phần đáng kể trong việc hình thành và phân bố rừng ngập mặn. Xáo trộn sinh học là một trong những quá trình chính làm thay đổi cấu trúc nền trầm tích cũng như sự phân đới thực vật trong hệ sinh thái rừng ngập mặn. Hoạt động sống của nhóm cua Brachyuran là một yếu tố chính gây ra xáo trộn sinh học rừng ngập mặn.Nhóm còng là động vật đặc hữu của HST rừng ngập mặn, chúng nắm giữ vai trò rất lớn liên quan trực tiếp tới sự duy trì, cân bằng và phát triển của hệ sinh thái RNM. Tại Việt Nam cho đến hiện nay, các công trình nghiên cứu về lĩnh vực này còn ít, chưa xác định được giá trị, lợi ích mà chúng mang lại. Vì vậy, nghiên cứu sự tiêu thụ lá rụng của còng và hiện diện của chúng trong mối liên hệ nguồn thức ăn và môi trường sống là thật sự cần thiết, để thấy rõ vai trò của nhóm động vật này trong chu trình dinh dưỡng vật chất ở hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Thí nghiệm được bố trí kiểu ngẫu nhiên với 6 nghiệm thức (NT) và 5 lần lặp lại. Mỗi NT gồm 5 con còng và 1 loại lá làm thức ăn. Các NT gồm NT1: 5 còng lớn + lá vàng, NT2: 5 còng lớn + lá nâu đỏ, NT3: 5 còng lớn + lá nâu đen, NT4: 5 còng nhỏ + lá vàng, NT5: 5 còng nhỏ + lá nâu đỏ, NT6: 5 còng nhỏ + lá nâu đen. Kết quả cho thấy còng lớn ăn lá đang phân hủy (lá nâu đen) nhiều nhất và sai khác có ý nghĩa thống kê so với các NT còn lại. Còng Parasesarma plicatumcũng không thích lá già (màu vàng) ở cả 2 cỡ còng. Ngoài ra, sự tiêu thụ các loại lá khác nhau của còng nhỏ cũng không có sự khác biệt. Sự hiện diện của còng Parasesarma plicatum ở rừng ngập mặn (RNM) Cần Giờ đã cho thấy có 2 nơi cư trú thích hợp của còng Parasesarma plicatum theo độ cao triều, loại RNM và các yếu tố môi trường. Các yếu tố chính ảnh hưởng đến xuất hiện của Parasesarma plicatum trong các sinh cảnh là độ che phủ của cây che bóng và loại cây RNM (đước, dà quánh, mấm đen, mấm trắng, cóc trắng). Như vậy, Parasesarma plicatum có vai trò quan trọng trong chu trình thức ăn đang phân hủy ở RNM Cần Giờ.

ltnhuong
Theo Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển, Số 1 (2024)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->