Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (07/04/2024) ]
Đặc điểm hình thái, sinh học của sâu sáp Galleria mellonella L.(Lepidoptera: Pyralidae) nhân nuôi trên thức ăn nhân tạo
Nghiên cứu do nhóm tác giả Lê Khắc Hoàng (Khoa Nông Học, Trường Đại Học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh ) và Trần Thị Hoàng Đông (Trường Đại Học Nông Lâm Huế, Đại Học Huế, TP. Huế) thực hiện.

Sâu  sáp  (Galleria  mellonella  L.)  là  loài  côn  trùng  quan  trọng  trong  việc  nhân  nuôi  và  phát  triển  ký  chủ  thay  thế,  phục  vụ  cho  quá  trình  nhân nuôi nhiều loài thiên địch (Knipling &ctv.,1979).  Sâu  sáp  có  kích  thước  lớn,  dễ  nhân  nuôi  bằng thức ăn nhân tạo, có thể nhanh chóng phát triển quần thể, do vậy loài này thường được ưu tiên  nghiên  cứu  làm  ký  chủ  phụ  khi  nhân  nuôi  một số loài thiên địch. Ở tất cả các pha phát dục như trứng, ấu trùng và nhộng của sâu sáp có thể được  sử  dụng  làm  ký  chủ  hoặc  vật  mồi  để  nuôi  nhân thiên địch trong phòng thí nghiệm và điều kiện ngoài đồng (Mohamed & Coppel, 1983). Khi  nhân  nuôi  côn  trùng,  thức  ăn  nhân  tạo  là yếu tố quyết định cho sự sinh trưởng và phát triển  của  côn  trùng  nói  chung  và  sâu  sáp  nói  riêng (Hickin & ctv., 2021). Các công thức thức ăn  nhân  tạo  phù  hợp  có  thể  giúp  gia  tăng  kích  thước cơ thể ở các pha phát dục, rút ngắn vòng đời so với nuôi nhân bằng thức ăn tự nhiên, giảm được  chi  phí  nhân  nuôi  và  có  thể  sản  xuất  với  số  lượng  lớn  phục  vụ  nhân  nuôi  thiên  địch.  Ở  Việt Nam, công tác nhân nuôi thiên địch để kiểm soát dịch hại bằng biện pháp đấu tranh sinh học trong bảo vệ thực vật ngày càng được quan tâm. Chính vì vậy, việc nghiên cứu công thức thức ăn nhân tạo dùng nhân nuôi sâu sáp sử dụng làm ký chủ thay thế trong nhân nuôi số lượng lớn thiên địch là rất cần thiết.

Ba công thức thức ăn nhân tạo đã được sử dụng để nhân nuôi  và  đánh  giá  đặc  điểm  hình  thái,  sinh  học  của  sâu  sáp.  Kết  quả thí nghiệm cho thấy công thức thức ăn nhân tạo công thức 2 (CT2) là phù hợp nhất để nhân nuôi sâu sáp. Thời gian phát triển pha  ấu  trùng  sâu  sáp  khi  nuôi  bằng  công  thức  2  (CT2)  là  ngắn  nhất, trung bình 27,6 ± 4,2 ngày. Trong quá trình thí nghiệm, ấu trùng được nuôi bằng công thức 2 (CT2) phát triển nhanh, kích thước lớn, ở giai đoạn từ 20 đến 30 ngày tuổi, ấu trùng sâu sáp có chiều dài biến động từ 11,9 ± 5,2 đến 16,3 ± 6,2 mm và chiều rộng từ 2,7 ± 1,4 đến 3,9 ± 1,8 mm. Khả năng đẻ trứng của thành trùng cái sâu sáp không có sự khác biệt khi nuôi trên ba công thức thức ăn nhân tạo khác nhau, số trứng của thành trùng cái biến động từ 819 ± 175,5 đến 1.008,1 ± 354,6 trứng/thành trùng cái.

ltnhuong
Theo Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển, Số 4 (2023)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->