Tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi nước lợ đặc biệt được quan tâm trong nền kinh tế thủy sản hiện nay ở nước ta. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trọng điểm của cả nước. Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng tôm thẻ chân trắng trong năm 2021 đạt 655.000 tấn trên diện tích 121.000 ha. Hiện nay, để nâng cao chất lượng tôm giống, việc áp dụng công nghệ biofloc cho hiệu quả rõ rệt đối với các mô hình ương tôm truyền thống. Công nghệ biofloc đã được phát triển và ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản ở các quốc gia trên thế giới. Mỗi hạt biofloc được kết dính với nhau tạo thành một quần thể bởi các chất nhờn được tiết ra từ các vi khuẩn có lợi và chúng bị ràng buộc bởi các vi sinh vật dạng sợi hoặc do lực hút tĩnh điện đã giúp chúng kết lại thành cụm biofloc. Những năm gần đây, một số nghiên cứu về ương ấu trùng tôm thẻ chân trắng với các nguồn cacbon, tỉ lệ C/N, mật độ khác nhau theo công nghệ biofloc đã được thực hiện nhằm đưa quy trình này áp dụng rộng rãi mang lại hiệu quả cao. Các hạt biofloc là nguồn dinh dưỡng tự nhiên, giàu protein, lipid và kích cỡ hạt biofloc phù hợp cho ấu trùng và hậu ấu trùng tôm. Tuy nhiên, việc chứng minh tôm thẻ chân trắng sử dụng biofloc làm thức ăn nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho sinh trưởng và phát triển còn hạn chế. Vì thế, việc nghiên cứu thay thế Artemia bằng thức ăn nhân tạo trong ương ấu trùng tôm thẻ chân trắng theo công nghệ biofloc được thực hiện để đánh giá ảnh hưởng thay thế số lần cho ăn Artemia bằng thức ăn nhân tạo lên tăng trưởng, tỉ lệ sống và năng suất của hậu ấu trùng tôm thẻ chân trắng, cũng như góp phần làm giảm chi phí trong sản xuất giống tôm thẻ chân trắng hiện nay.
Ấu trùng tôm thẻ chân trắng được ương trong bể 4 m3, đến giai đoạn Mysis 1 thì thu để bố trí thí nghiệm. Thí nghiệm gồm bốn nghiệm thức, mỗi nghiệm thức lặp lại ba lần, cách bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên. Bể thí nghiệm bằng composite có thể tích 250 L, mật độ 150 con/L.
+ Nghiệm thức 1: bốn lần Artemia + bốn lần thức ăn nhân tạo (đối chứng)
+ Nghiệm thức 2: ba lần Artemia + năm lần thức ăn nhân tạo
+ Nghiệm thức 3: hai lần Artemia + sáu lần thức ăn nhân tạo
+ Nghiệm thức 4: một lần Artemia + bảy lần thức ăn nhân tạo
Các yếu tố môi trường, mật độ vi khuẩn và biofloc của thí nghiệm trong khoảng thích hợp cho tôm thẻ chân trắng sinh trưởng và phát triển tốt.
Sự tăng trưởng về chiều dài, tỉ lệ sống và năng suất của tôm ở giai đoạn PL-12 lớn nhất là ở nghiệm thức bốn lần Artemia + bốn lần thức ăn nhưng khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05) so với nghiệm thức ba lần Artemia + năm lần thức ăn.
Biofloc cung cấp đủ dinh dưỡng cho tôm sinh trưởng và phát triển bình thường khi giảm một lần cho ăn Artemia trong ngày.
Có thể ứng dụng giảm lượng Artemia trong ngày khi ương ấu trùng tôm thẻ chân trắng cho tôm ăn ba lần Artemia + năm lần thức ăn nhân tạo vào trong thực tế sản xuất giống tôm thẻ chân trắng. |