Nuôi trồng thủy sản là ngành phát triển rất nhanh, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2000 đến nay. Theo số liệu thống kê của VASEP, sản lượng thủy sản Việt Nam tăng từ 6,56 triệu tấn năm 2015 lên 9,05 triệu tấn năm 2022, tăng 38%. Vấn đề này đặt ra một thách thức lớn cho ngành thức ăn thủy sản, cụ thể là áp lực về nguồn nguyên liệu thay thế bột cá. Đây cũng là trở ngại cho ngành nuôi trồng thủy sản trên con đường phát triển bền vững. Hiện nay, nhiều nghiên cứu thay thế bột cá bằng các nguồn protein thực vật rẻ tiền cho kết quả đầy triển vọng. Nghiên cứu sử dụng bột đậu nành hoặc kết hợp bột nành với các nguồn protein khác có thể thay thế bột cá dao động từ 30 đến 75% khi làm thức ăn như cá đù (Nibea miichthioides), cá tráp mõm nhọn (Diplodus puntazzo), cá da trơn Nam Mĩ (Silurus meridionalis), cá chỉ vàng (Lutjanus argentimaculatus) và cá rô phi vằn giống (Oreochromis niloticus). Trên thực tế, đến nay, chỉ các nguồn nguyên liệu đạm thực vật như đạm đậu nành đậm đặc, đậu nành lên men và đạm bắp đậm đặc là những nguyên liệu đáp ứng nhu cầu thay thế một phần bột cá trong thức ăn thủy sản ở quy mô thương mại.
Keo dậu (L. leucocephala (Lam). De Wit) được gọi là cây bình linh ở Việt Nam. Cây thích nghi tốt với nhiều vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, đặc biệt là các vùng nhiệt đới khô theo mùa. Keo dậu được sử dụng cho nhiều mục đích như lấy gỗ, làm củi đốt, thức ăn gia súc, phân bón hữu cơ và thức ăn chăn nuôi. Lá keo dậu chứa hàm lượng protein tương đối cao, dao động 25 – 27% với nhiều acid amin cân đối. Ngoài ra, lá keo dậu còn chứa nhiều vitamin và carotenoid nên đã được nghiên cứu làm thức ăn cho nhiều vật nuôi.
Trong thủy sản, keo dậu đã được nghiên cứu sử dụng để thay thế bột đậu nành trong khẩu phần ăn của cá trê (Clarias gariepinus) hay trong thức ăn viên cho cá rô phi (Oreochromis niloticus). Bột lá L. leucocephala có thể cung cấp 25% protein trong khẩu phần ăn cho ấu trùng tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) mà không ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng thức ăn, tăng trưởng và tỉ lệ sống của tôm. Trong chăn nuôi, L. leucocephala mang lại cảm giác ngon miệng nhất so với các loài cây họ đậu khác cho dê (Capra aegagrus hircus). Tuy nhiên, thông tin về sử dụng lá keo dậu làm thức ăn trên tôm thẻ chân trắng còn khá hạn chế. Do đó, việc nghiên cứu so sánh hiệu quả sử dụng của việc thay thế bột cá bằng bột lá keo dậu (L. leucocephala) trong thức ăn lên tăng trưởng, hoạt tính enzyme tiêu hóa và độ tiêu hóa thức ăn của tôm thẻ chân trắng (L. vannamei) có ý nghĩa khoa học và cần thiết thực hiện.
Trong thí nghiệm 1, tôm thẻ (0,92 0,05 g) được nuôi 70 con/ bể 0,5 m3, trong 60 ngày với thức ăn viên, thức ăn không lá keo dậu (0% LLP) và thức ăn 20% LLP. Kết quả cho thấy, tỉ lệ sống (DWG g/ngày), SGR (%/g/ngày), FI (%/tôm/ngày), FCR, PER và PE khác biệt không ý nghĩa (p > 0,05) giữa 0% LLP và 20% LLP; tăng trưởng ở tôm ăn thức ăn viên lớn hơn thức ăn 0% LLP và 20% LLP. Giá trị của α- amylase và pepsin trong dạ dày và chymotrypsin trong ruột khác biệt không có ý nghĩa giữa các nghiệm thức (p > 0,05). Tuy nhiên, giá trị α- amylase trong ruột tôm ở 0% LLP cao hơn và khác biệt có ý nghĩa (p < 0,05) với hai nghiệm thức còn lại. Trong thí nghiệm 2, việc xác định độ tiêu hóa thức ăn, protein, lipid và năng lượng của tôm có kết quả lần lượt là 79,3 – 83,7%, 92,0 – 94,5%, 92,1 – 98,0% và 87,9 – 92,4%, giá trị cao nhất ở nghiệm thức 0% LLP, khác biệt có ý nghĩa (p < 0,05) với hai nghiệm thức còn lại. Độ tiêu hóa thức ăn ở nghiệm thức thức ăn viên và 20% LLP khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).
![](/Portals/0/HinhBanTin/Suong/keo%20dau%20nd.jpg)
Hoạt tính enzyme tiêu hóa của tôm
Keo dậu thay thế bột cá ở mức 20% LLP trong thức ăn vẫn cho kết quả tốt về tăng trưởng (DWG g/ngày; SRG %/g/ngày), hiệu quả sử dụng thức ăn (FCR, PER, PE). Tỉ lệ sống của tôm nuôi đạt giá trị từ 86,2 – 94,3%, cao nhất ở nghiệm thức 20% LLP.
Hoạt tính enzyme amylase và pepsin ở dạ dày giữa các nghiệm thức không khác biệt nhau và amylase ở dạ dày cao hơn ruột rất nhiều. Ở ruột hoạt tính amylase và chimotripsine bắt đầu giảm khi mức thay thế bột cá lên 20% LLP. |