Hiện nay, vi tảo là đối tượng đang được chú ý về khả năng chứa đựng những hợp chất sinh học quý mang lại giá trị sức khoẻ, kinh tế và khả năng gia tăng sinh khối của chúng. Carotenoid là một trong những hợp chất được quan tâm và có vai trò quan trọng ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong dược phẩm và thực phẩm. Carotenoid được ứng dụng rộng rãi làm chất phụ gia tạo màu cho thực phẩm và thức ăn cho động vật, chất bổ sung giúp gia tăng giá trị dinh dưỡng cho tôm, cá. Bên cạnh đó, các carotenoid với vai trò là chất chống oxy hóa đã mang lại lợi ích cho sức khỏe con người bằng cách ngăn ngừa các bệnh ung thư, xơ cứng động mạch, đục thủy tinh thể và một số bệnh khác. Do đó, carotenoid đã được nghiên cứu và ứng dụng rất nhiều trong lĩnh vực dược, mĩ phẩm. Theo báo cáo gần đây, giá trị của carotenoid trên thị trường thế giới đang gia tăng, thị trường carotenoid thức ăn chăn nuôi được dự báo sẽ đạt CAGR là 3,6% trong giai đoạn 2022 – 2027. Về dài hạn, sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản và tăng tiêu thụ thủy sản được dự đoán sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường carotenoid. Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên đã tạo cơ hội cho sự phát triển của vi tảo bởi vì chúng là một trong những nguồn có khả năng sản xuất carotenoid. Các nghiên cứu về vi tảo quang dưỡng và thực vật được ứng dụng để sản xuất carotenoid phổ biến hiện nay. Trong số hàng trăm mẫu phân lập ở Úc, với 12 loài vi tảo đã được sàng lọc về cấu hình carotenoid, năng suất carotenoid và khả năng chống oxy hóa trong ống nghiệm, kết quả chỉ ra rằng T. suecica, D. salina, P. salina và I. galbana có thể được phát triển thêm để sản xuất carotenoid thương mại. Tuy nhiên, việc nuôi tảo quang dưỡng gặp nhiều khó khăn và tốn chi phí vì điều kiện nuôi đòi hỏi phức tạp hơn về chế độ ánh sáng, hàm lượng dinh dưỡng, yếu tố nhiệt độ và điều kiện sục khí so với các vi tảo dị dưỡng. Thêm vào đó, nó tăng trưởng chậm hơn so với vi tảo dị dưỡng. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng một số vi tảo thuộc nhóm Thraustochytrids (các chủng thuộc chi Schizochytrium và Thraustochytrium) có thể được nuôi cấy để tạo ra sinh khối cao, chứa một lượng đáng kể lipid giàu axit béo không bão hòa đa (PUFA). Thêm vào đó, Thraustochytrids được biết đến như một nguồn tiềm năng để sản xuất các sắc tố carotenoid: xanthophyll, astaxanthin, zeax- anthin, canthaxathin, echinenone và β -carotene. Tuy nhiên, việc tìm kiếm thêm các chủng mới ở các khu vực khác nhau, mở rộng thêm địa điểm nghiên cứu và chứng minh khả năng tồn tại, gia tăng sinh khối, tuyển chọn các chủng có giá trị sinh học, đặc biệt hợp chất carotenoid của các giống loài tảo thuộc nhóm Thraustochytrids để tạo thêm nguồn sinh khối địa phương là điều cần thiết.
Vì vậy, bài báo này cung cấp dữ liệu khoa học về khả năng nuôi sinh khối và hàm lượng carotenoid của các loài thuộc chi Thraus- tochytrium và Schizochytrium. Nghiên cứu giúp tìm nguồn cung cấp các dưỡng chất dinh dưỡng có lợi có thể thay thế dầu cá, chất tạo màu, thức ăn tự nhiên cho vật nuôi hiện nay và làm nền tảng cho các nghiên cứu ứng dụng tiếp theo trong tương lai tại tỉnh Trà Vinh.
![](/Portals/0/HinhBanTin/Suong/Untitlessssd.jpg)
Các chủng vi tảo nhân giống cấp 2 sau bốn ngày nuôi
Nghiên cứu bước đầu xác định được khả năng nuôi sinh khối của các chủng vi tảo biển của chi Schizochytrium và chi Thraustochytrium thuộc họ Thraustochytrid. Quá trình nhân giống cấp 1 và cấp 2 cho thấy mật độ tế bào của các chủng vi tảo đều có sự tăng trưởng và phát triển tốt sau bảy ngày nuôi cấy. Trong đó, chủng CN47 có mật độ cao nhất so với các chủng còn lại. Chủng DH41,79 đạt mật độ thấp nhất ở các lần nhân giống cấp 1 và cấp 2. Kết quả xác định hàm lượng carotenoid cho thấy khả năng sản sinh carotenoid tổng số của các chủng khá chênh lệch. Chủng CN47 có hàm lượng carotenoid tổng số cao nhất so với bốn chủng còn lại là 7.613 µg/kg. Như vậy, các chủng tảo đã phân lập được ở các bờ biển tỉnh Trà Vinh đều có khả năng nuôi sinh khối và chiết xuất các hợp chất có giá trị cho gia súc và con người. |