Xã hội-Nhân văn [ Đăng ngày (27/04/2024) ]
Nhu cầu cần được hỗ trợ chăm sóc của người bệnh ung thư tại khoa ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh
Nghiên cứu được thực hiện để xác định nhu cầu cần được hỗ trợ của người bệnh ung thư tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh.

Hiện nay, ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các bệnh mạn tính không lây. Tỉ lệ hiện mắc ung thư ngày càng gia tăng ở các nước nghèo và các nước đang phát triển. Tại các quốc gia có thu nhập thấp hoặc thu nhập trung bình, người bệnh rất khó có thể tiếp cận được với các dịch vụ hỗ trợ chẩn đoán, điều trị và chăm sóc kịp thời. Những người mắc bệnh ung thư thường có diễn biến tâm lí rất phức tạp, dễ suy sụp về tinh thần. Đây cũng là một gánh nặng cho gia đình và các chuyên gia y tế trong quá trình chăm sóc người bệnh. Một trong những giải pháp được áp dụng hiện nay là chăm sóc giảm nhẹ để giải quyết các vấn đề mà người bệnh và gia đình gặp phải như thể chất, tâm lí, xã hội và tinh thần. Tại tỉnh Trà Vinh, Khoa Ung bướu thuộc Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh là nơi tiếp nhận, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh ung thư cũng đang dần triển khai việc chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh. Tuy nhiên, vấn đề chăm sóc giảm nhẹ ở người bệnh ung thư tại địa phương chưa được nghiên cứu chuyên sâu. Do đó, việc khảo sát nhu cầu cần được chăm sóc của người bệnh ung thư là thật sự cần thiết, góp phần cung cấp cho nhân viên y tế và cơ sở y tế cái nhìn tổng quan, từ đó thực hiện các can thiệp phù hợp để mang lại hiệu quả chăm sóc tốt nhất cho người bệnh.

Tỉ lệ người mắc ung thư ngày càng gia tăng và phần lớn người bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn nên phải chịu nhiều đau đớn về thể chất lẫn tinh thần. Ngày nay, nền y học phát triển giúp tăng hiệu quả điều trị và duy trì được sự sống cho người bệnh lâu hơn. Ở mỗi giai đoạn, người bệnh phải đối diện với các vấn đề khác nhau. Điều dưỡng có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc người bệnh hiệu quả thông qua việc đánh giá nhu cầu của người bệnh và gia đình.

Những người mắc các bệnh đe dọa đến tính mạng, phải gánh chịu những tác động nặng nề của bệnh tật lên sức khỏe, khi cơ thể người bệnh không còn khả năng tiếp nhận tất cả các điều trị đặc hiệu khác mà trở nên trầm trọng. Trong đó, những người mắc bệnh ung thư phải chịu đựng những tác dụng phụ do quá trình điều trị gây ra, hay các cơn đau đớn vào giai đoạn cuối của bệnh, những lo lắng về kinh tế, hay những diễn biến tâm lí phức tạp. Trong nghiên cứu ‘Thực trạng nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ của người bệnh ung thư điều trị tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Thái Bình năm 2019’, Trần Thị Liên và Lê Thanh Tùng đã thống kê nhu cầu của người bệnh ung thư về việc cần được điều dưỡng có chuyên môn chăm sóc (78,2%), nhu cầu về thông tin, chẩn đoán bệnh (91,8%), cần sự động viên khích lệ của gia đình (82,4%), nhu cầu được mọi người xung quanh tôn trọng và đối xử bình thường (87,9%). Nghiên cứu ‘Đáp ứng nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ của người bệnh ung thư điều trị nội trú tại bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định năm 2020’ của Phạm Thu Dịu và Vũ Văn Thành cho thấy người bệnh ung thư có nhu cầu khác nhau theo từng nhóm, cao nhất là nhu cầu biết được chẩn đoán bệnh (82,9%) và thấp nhất là nhu cầu được tham gia các hoạt động giúp giảm cảm giác phiền muộn (62,3%). Nhìn chung, việc xác định các nhu cầu cần được hỗ trợ của người bệnh là rất cần thiết để cải thiện kết quả chăm sóc, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Đối tượng nghiên cứu: Người bệnh được chẩn đoán ung thư, đang được điều trị nội trú tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh.

Trong 110 người bệnh tham gia nghiên cứu, tỉ lệ người bệnh có nhu cầu cần được hỗ trợ chăm sóc chiếm tỉ lệ cao. Các nhu cầu cần được hỗ trợ nhiều như cần điều dưỡng có kiến thức chuyên môn chăm sóc (82,7%), cần được chăm sóc để kiểm soát tốt hơn các triệu chứng (72,7%), cần hướng dẫn cách tự chăm sóc cho bản thân (55,5%), cần hỗ trợ trong việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng (47,3%), cần hỗ trợ trong việc vận động di chuyển (41,8%), cần hỗ trợ trong việc chăm sóc vệ sinh cá nhân (40%), cần hỗ trợ để làm giảm tình trạng rối loạn chức năng tình dục (13,6%).


Nhu cầu hỗ trợ về tinh thần của người bệnh

Tinh thần của người bệnh ung thư cũng cần được hỗ trợ tương đối cao. Các nhu cầu chiếm tỉ lệ cao như cần được mọi người xung quanh tôn trọng, cư xử bình thường (88,2%), cần hỗ trợ để làm giảm lo lắng do giảm thu nhập và thêm chi phí điều trị (59,1%), cần chăm sóc để làm giảm tâm trạng chán nản (56,4%), cần chăm sóc để làm giảm nỗi sợ (47,3%), cần chăm sóc để làm giảm nỗi buồn phiền về sự thay đổi diện mạo do tác dụng phụ (46,4%), cần tham gia các hoạt động có ích giúp giảm bớt cảm giác phiền muộn về bệnh tật (45,5%).

Để gia tăng hiệu quả điều trị và chăm sóc, nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng các nhu cầu cần thiết của người bệnh, nhân viên và cơ sở y tế cần quan tâm đến việc khảo sát nhu cầu cần được hỗ trợ về chăm sóc, về tinh thần của người bệnh ung thư để chăm sóc tốt hơn cho người bệnh.

lttsuong
Theo Tạp Chí Khoa Học Trường Đại Học Trà Vinh, Tập 13, Số Chuyên Đề (2023)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->