Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (27/04/2024) ]
Các thông số chất lượng của fucoidan và một số sản phẩm khác được phân lập từ rong mơ (Sargassum) Thừa Thiên Huế
Trong nghiên cứu này, fucoidan cùng với các sản phẩm khác như alginate, laminaran, mannitol, các hợp chất màu chlorophyll, carotenoid đã được tách chiết từ rong mơ (Sargassum) và cấu tạo của chúng đã được xác nhận bằng UV-Vis, IR, 13C-NMR.

Rong mơ (Sargassum) là một loài rong thuộc ngành rong nâu (Phaeophyta), sống tập trung ở vùng ven biển, tại các vùng có bãi đá ngầm. Thành phần chính của rong mơ là các polysaccaride (cellulose, alginate, laminaran, fucoidan), ngoài ra còn có mannitol, gibberellin, cytokinin,… và nhiều loại vitamin.

Việt Nam có bờ biển trải dài với nhiều bãi đá ngầm, thích hợp cho sự phát triển của nhiều loài rong, trong đó có rong mơ với trữ lượng đáng kể (khoảng 35000 tấn/năm) và đa dạng về loài (khoảng 78 loài). Tuy nhiên, nguồn lợi này vẫn chưa được chú ý khai thác ở nước ta. Tại Thừa Thiên Huế, vẫn chưa có số liệu cụ thể đánh giá trữ lượng của rong mơ nhưng đã có một số tài liệu cho biết chúng tập trung nhiều tại vùng biển Lăng Cô.

Nguồn lợi mà rong mơ đem lại cho thế giới rất lớn. Các sản phẩm truyền thống của nó là mannitol (35000 tấn/năm), alginate (hàng triệu tấn/năm). Trong khoảng chục năm gần đây, các nhà khoa học còn phát hiện rong mơ có chứa một thành phần quan trọng khác, đó chính là fucoidan với những hoạt tính sinh học quí giá như chống đông cục máu, kháng khuẩn, kháng virut (kể cả virut HIV), chống nghẽn tĩnh mạch, chống ung thư,... Fucoidan là một polysaccaride sulfat phân cực, có thành phần chính là  - L – fucose, thường chứa nhóm sulfat ở vị trí 2 hoặc 4. Ngoài ra, còn chứa một lượng nhỏ các đường đơn như galactose, xylose, mannose,…và axit guluconic.

Hiện nay, trên thế giới cũng như trong nước đã có nhiều công trình nghiên cứu tách chiết riêng lẻ alginate, fucoidan, mannitol. Tuy nhiên, chưa có công bố nào về việc xây dựng qui trình tách chiết đồng thời các sản phẩm có giá trị trong rong mơ. Nghiên cứu của chúng tôi hướng đến mục tiêu này.


Thu và xử lý mẫu rong mơ:

Bốn loài rong mơ được thu hái vào thời vụ đầu tháng 5/2006, tháng 5/2008 và tháng 5/2009 ở vùng biển Lăng Cô – Thừa Thiên Huế. Mẫu rong sau khi thu hái về được phân loại, rửa sạch bằng nước máy, đem phơi khô rồi sấy khô ở 600C trong 3 giờ, giã vụn và bảo quản. Các mẫu rong được định danh tại Khoa Sinh học – Trường Đại học Khoa học Huế, gồm 4 loài sau:

Mẫu A: loài Sargassum henslowianum C. Ag. Ex J. Ag (Rong mơ Henslow)

Mẫu B: loài Sargassum heterocystum Mont (Rong mơ dị nang)

Mẫu C: loài Sargassum gracile J. Ag (Rong mơ mịn)

Mẫu D: loài Sargassum polycystum C. Ag (Rong mơ nhiều phao)

Ngoài ra, còn nghiên cứu một mẫu hỗn hợp (không phân loài).

Trong nghiên cứu này, fucoidan cùng với các sản phẩm khác như alginate, laminaran, mannitol, các hợp chất màu chlorophyll, carotenoid đã được tách chiết từ rong mơ (Sargassum) và cấu tạo của chúng đã được xác nhận bằng UV-Vis, IR, 13C-NMR. Các thông số chất lượng của fucoidan được xác định bằng phương pháp phenol-axit sulfuric- trắc quang, Kjeldahl, F-AAS, ICP-MS, tạo dẫn xuất-GC-MS… đã cho thấy fucoidan đạt yêu cầu của sản phẩm thương mại.

lttsuong
Theo Tạp chí khoa học Đại học Huế, Tập 74A, Số 5, (2012)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->