Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (30/03/2024) ]
Ảnh hưởng của giá thể và loại hom đến khả năng nhân giống vô tính cây ngải tiên (Hedychium coronarium Koenig) bằng phương pháp giâm hom thân khí sinh
Nghiên cứu: “Ảnh hưởng của giá thể và loại hom đến khả năng nhân giống vô tính cây ngải tiên (Hedychium coronarium Koenig) bằng phương pháp giâm hom thân khí sinh do nhóm tác giả: Phùng Thị Thu Hà, Phạm Thị Huyền Trang – Khoa nông học, học viện nông nghiệp Việt Nam; Nguyễn Thị Thúy Hạnh - Khoa công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.

Những thập kỷ gần đây, khi nhịp sống hiện đại ngày càng lan rộng từ thành phố' về nông thôn, công nghiệp hóa, nông thôn hóa diễn ra mạnh mẽ thì nhu cầu trồng các loại cây trang trí trong nhà, ngoài sân vườn... để tạo không gian xanh càng trở nên cần thiết và trở thành một xu thế" trong xã hội. Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với hệ thực vật đa dạng, đặc biệt là cây làm thuốc và các loại cây hoa, cây cảnh. Góp phần phong phú cho hệ thực vật Việt Nam nhưng cũng rất gần gũi với đời sống người dân phải kể đến họ Gừng (Zingiberaceae), một trong những họ lớn nhất của giới thực vật với 52 chi và hơn 1.300 loài, phân bố khắp vùng nhiệt đới châu Phi, châu Á và châu Mỹ (Devi & cs., 2014). Trong đó, chi Ngải tiên (Hedychium) gồm 80 loài và là một trong những chi quan trọng và phổ biến của họ Gừng (Sakhanokho & Rajasekaran, 2019). Ngải tiên được trồng để tách chiết tinh dầu từ lá, hoa, thân rễ và sản xuất nước hoa từ thân rễ, còn thân khí sinh thì dùng trong sản xuất giấy. Ngoài ra một vài loài Ngải tiên còn được canh tác theo hướng thu hoa làm thực phẩm (Gao & cs., 2008; He, 2000). Chi Ngải tiên cũng có vai trò quan trọng trong trang trí cảnh quan do có cụm hoa to, đẹp, trông giống như một đàn bướm đang ăn mật hoa cùng với hương thơm ngọt ngào. Ngải tiên ra hoa chủ yếu vào mùa hè và mùa thu, chỉ một số loài ra hoa vào mùa đông và mùa xuân. Hiện tại, hơn 100 giống Ngải tiên phục vụ trang trí cảnh quan đã được nhân giống trên toàn thế giới (Gao & cs., 2008; Hamidou & cs., 2008).

Trịnh Thị Mai Dung & cs. (2021) đã đánh giá đặc điểm nông sinh học của 5 mẫu giống Ngải tiên được thu thập ở Bản Khoang, Tả Phìn, Ô Quý Hồ (Sapa), Tây Tựu - Hà Nội và Gia Lâm - Hà Nội từ năm 2009-2016 và lưu giữ tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Kết quả cho thấy: các mẫu giống Ngải tiên thu thập đều sinh trưởng quanh năm, không lụi lá, ra hoa từ tháng 7 đến tháng 11. Trong 5 mẫu giống nghiên cứu thì mẫu giống thu thập tại Ô Quý Hồ - Sapa năm 2016 có hoa màu vàng, còn 4 mẫu giống còn lại đều có hoa màu trắng, hoa thơm. Cả 5 mẫu giống đều thích hợp trồng với mục đích trang trí cảnh quan và thu hoa cắt cành tại Gia Lâm - Hà Nội và các vùng sinh thái tương đồng.

Tuy nhiên, để phát triển rộng rãi, sản xuất trên diện rộng thì việc đảm bảo nguồn giống là vô cùng quan trọng. Ngải tiên được nhân giống hữu tính bằng hạt, nhân giống vô tính từ củ là thân rễ - thân thật của cây và nhân giống vô tính bằng nuôi cấy mô. Tuy nhiên khả năng đậu quả của Ngải tiên trong tự nhiên không cao (Souza & Correia, 2007), vì vậy việc nhân giống chủ yếu là vô tính từ thân rễ. Ngoài thân rễ nằm dưới mặt đất và thân giả nằm trên mặt đất do bẹ lá ôm nhau tạo thành thì cây Ngải tiên còn có loại thân thứ 3 là thân khí sinh - được hình thành từ thân rễ, xuyên qua thân giả do bẹ lá tạo thành và mang cụm hoa trên đỉnh (Trịnh Thị Mai Dung & cs., 2021). Chưa có nghiên cứu nhân giống Ngải tiên nói riêng và cây có thân khí sinh nói chung bằng phương pháp giâm hom từ thân khí sinh nằm trên mặt đất, mặc dù phương pháp nhân giống bằng giâm hom rất phổ biến ở các cây có thân thật nằm trên mặt đất như cây cà gai leo (Phùng Thị Thu Hà & cs., 2017), cây hoa Hồng (Traversari & cs., 2022; Nguyễn Thị Ảnh & Phan Diễm Quỳnh, 2021), cây Dạ hợp (Đặng Văn Hà & Nguyễn Thị Yến, 2017), giâm ngọn ở cây hoa Cúc (Nguyễn Văn Đính & cs., 2017) và Dã yên thảo (Nguyễn Thị Đan Thi & Lê Văn Hòa, 2019). Việc nhân giống thành công cây Ngải tiên bằng phương pháp giâm hom thân khí sinh sẽ đóng góp thêm một phương pháp nhân giống mới cho cây Ngải tiên nói riêng và mở ra triển vọng nhân giống cho các cây có đặc điểm thân tương tự.

Trong phương pháp giâm hom thì giá thể có vai trò quan trọng, quyết định sự thành công của phương pháp nhân giống. Giá thể không chỉ là giá đỡ cho cây mà còn cung cấp độ ẩm, độ thoáng khí và đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho hom giâm (Shanker & cs, 2019), chính vì vậy, các vật liệu khác nhau sẵn có thường được tận dụng để phối trộn làm giá thể như than bùn và đá trân châu (Traversari & cs, 2022), đất phù sa và mùn vỏ keo (Phùng Thị Thu Hà & cs., 2017), phân rơm với trấu hun và xơ dừa (Nguyễn Thị Ảnh & Phan Diễm Quỳnh, 2021), cát và trấu hun (Đặng Văn Hà & Nguyễn Thị Yến, 2017).

Mặt khác, nhiều kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng loại hom giâm cũng là một là yếu tố quan trọng, quyết định đến sức sống và tỷ lệ ra rễ của hom giâm và sự thành công của quá trình nhân giống như đối với cây cà gai leo (Phùng Thị Thu Hà & cs., 2017) và hoa Hồng cổ’ Hải Phòng (Nguyễn Thị Ảnh & Phan Diễm Quỳnh, 2021). Còn đối với nhóm cây thân thảo, thân hóa gỗ ít, có thân thật nằm trên mặt đất như Cúc, Dã yên thảo... thì chỉ sử dụng phần ngọn gồm đỉnh sinh trưởng để nhân giống bằng phương pháp giâm cành (Nguyễn Văn Đính & cs., 2017; Nguyễn Thị Đan Thi & Lê Văn Hòa, 2019).

Xuất phát từ các lý do trên, chúng tôi tiến hành nhân giống vô tính cây Ngải tiên bằng phương pháp giâm hom từ thân khí sinh. Đây là nghiên cứu đầu tiên sử dụng thân khí sinh để giâm hom. Sự thành công của nghiên cứu sẽ góp phần góp phần bổ sung thêm phương pháp nhân giống mới cho cây Ngải tiên nói riêng và các cây có Chi Ngải tiên (Hedychium) gồm 80 loài, là một trong những chi quan trọng và phổ biến của họ Gừng (Zingiberaceae). Ngải tiên ngoài công dụng làm dược liệu, còn được sử dụng trong trang trí cảnh quan và làm hoa cắt cành. Nghiên cứu này nhằm đánh giá khả năng nhân giống của cây Ngải tiên bằng phương pháp giâm hom từ thân khí sinh, góp phần bổ sung thêm một phương pháp nhân giống mới cho cây Ngải tiên nói riêng và các cây có đặc điểm thân tương tự nói chung. Thí nghiệm khảo sát các loại giá thể và loại hom thân khí sinh cây Ngải tiên được bố trí theo khối ngẫu nhiên đầy đủ với 3 lần nhắc lại. Kết quả nghiên cứu cho thấy sử dụng giá thể trấu hun : cát (1 : 1) và loại hom gốc gồm có 2 mắt ngủ là phù hợp nhất để nhân giống vô tính cây Ngải tiên bằng phương pháp giâm hom với thời gian bật mầm của hom giâm là 10 ngày sau giâm hom; chiều dài mầm đạt 20,2cm; đường kính mầm đạt 0,74cm, với 7,8 lá/mầm và 7,4 rễ/mầm, chiều dài rễ đạt 7,0 cm.

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Giá thể trấu hun: cát (tỷ lệ 1 : 1) và loại hom gốc gồm 2 mắt ngủ là thích hợp nhất để nhân giống vô tính cây Ngải tiên bằng phương pháp giâm hom. Hom giâm bật mầm bật sau 10 ngày giâm hom, chiều dài mầm đạt 20,2cm, đường kính mầm đạt 0,74cm với 7,8 lá/mầm và 7,4 rễ/mầm, rễ dài 7,0cm. Nghiên cứu của chúng tôi góp phần bổ sung thêm một phương pháp nhân giống vô tính mới cho cây Ngải tiên nói riêng và mở ra tiền đề nhân giống cho các cây có đặc điểm thân khí sinh tương tự.

ntdinh
Theo Tạp chí khoa học nông nghiệp Việt Nam, số 2/2024
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->