Ruồi đục quả Phương Đông (Bactrocera dorsalis Hendel) phân bố ở 75 quốc gia, trong đó phần lớn các quốc gia (chiếm 86,3%) nằm tại châu Á và châu Phi (Jiang & cs., 2013; Vargas & cs., 2015). Bactrocera dorsalis bị coi là đối tượng kiểm dịch thực vật của rất nhiều quốc gia trên thế giới, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho các vùng sản xuất cây ăn quả (Zeng & cs., 2019). Ruồi đục quả Phương Đông được coi là loài bản địa ở khu vực các nước nhiệt đới châu Á và ghi nhận gây hại trên 270 loài thực vật khác nhau như xoài, cam, cà phê, vải, thanh long, nhãn... (Allwood & cs., 1999; Waite & Hwang, 2002; White & Elson-Harris, 1992; Ye & Liu, 2005). Tại Việt Nam, ruồi đục quả Phương Đông được ghi nhận lần đầu trong đợt điều tra năm 1997-1998 của Viện Bảo vệ Thực vật, phát hiện gây hại trên 21 loài cây ăn quả khác nhau (Nguyễn Thị Thanh Hiền, 2014; Viện Bảo vệ Thực vật, 1999). Cơ sở quan trọng để đưa ra các biện pháp phòng trừ ngoài đồng ruộng hoặc xử lý kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu là phải xác định được các đặc điểm sinh học của ruồi đục quả như thời gian phát dục, khả năng sinh sản hay các chỉ tiêu về sức tăng quần thể (Chang & cs., 2004; Vargas & cs., 2000). Theo Jayanthi & Verghese (2002), thời gian hoàn thành vòng đời của ruồi đục quả Phương Đông khi nuôi bằng xoài là dài nhất 26 ngày, tiếp đó là ổi (23 ngày), chuối (19 ngày) và ngắn nhất là đu đủ (18,5 ngày). Ngoài ra, nghiên cứu đặc điểm sinh học khi ruồi đục quả ăn các loại thức ăn nhân tạo khác nhau còn giúp xác định được loại thức ăn nhân tạo phù hợp nhất để nhân nuôi số lượng lớn ruồi đục quả phục vụ các thí nghiệm xác định thông số kỹ thuật cho biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật đối với quả tươi trước khi xuất khẩu (Clarke, 2019; Jaleel & cs., 2018; Orankanok & cs., 2007; PMRG, 2019). Sâu non ruồi đục quả Phương Đông đã được nghiên cứu nuôi trên một số loại thức ăn nhân tạo khác nhau. Trong số đó có các nghiên cứu trên thức ăn có bổ sung hỗn hợp bột ngô, bột khô dầu đậu tương, cám gạo (Nébié & cs., 2023), men bia (Khan & cs., 2011), cà rốt (Anato & cs., 2017; Dương Minh Tú & Tống Mai San, 2001), bột đậu tương (Khan & cs., 2011), khoai lang (Salmah & cs., 2019), cám mì (Huang & Chi, 2014; Phạm Thị Mỹ Nhan & cs., 2013), bột ngô (Hou & cs., 2020), khoai tây (Nguyễn Thị Than Hiền & cs., 2018). Ngoài ra một số nghiên cứu về đặc điểm sinh học của ruồi đục quả họ Tephritidae nói chung và ruồi đục quả Phương Đông nói riêng khi nhân nuôi bằng các thức ăn bán nhân tạo mà thành phần chính là các loại trái cây như xoài (Anato & cs., 2017), hỗn hợp chuối + bột ngô (Jaleel & cs., 2018), quả roi, quả ổi (Roy, 2021). Mặc dù đã có những nghiên cứu về thức ăn phù hợp với ruồi đục quả Phương Đông trong điều kiện phòng thí nghiệm nhưng ngoài sự phù hợp cho sinh trưởng, phát triển của ruồi đục quả thì cũng cần tính tới chi phí khi nhân nuôi số lượng lớn và sự tiện dụng trong quá trình sử dụng thức ăn. Trong nghiên cứu này, chúng tôi tiến hành đánh giá ảnh hưởng của bốn loại thức ăn nhân tạo khác nhau đến sinh trưởng, phát triển của ruồi đục quả Phương Đông, trên cơ sở đó xác định loại thức ăn phù hợp để nhân nuôi số lượng lớn loài ruồi đục quả này phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật.
Nghiên cứu này nhằm xác định được loại thức ăn nhân tạo thích hợp nhất cho nhân nuôi ruồi đục quả Phương Đông Bactrocera dorsalis. Thí nghiệm được thực hiện bằng cách đánh giá các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển của ruồi đục quả Phương Đông khi nuôi cá thể trong phòng thí nghiệm với bốn loại thức ăn nhân tạo với thành phần chính là men bia (TA1), cám mì (TA2), cám gạo (TA3) và cùi nhãn xay (TA4). Ruồi đục quả B. dorsalis cái nuôi bằng TA2 có vòng đời ngắn nhất (29,75 ngày) trong khi nuôi bằng ba loại thức ăn còn lại không có sự khác biệt rõ rệt, lần lượt là 34,23 ngày (TA1), 34,28 ngày (TA3) đến 34,27 ngày (TA4). Số lượng trứng đẻ hàng ngày và tổng số trứng đẻ của ruồi cái khi nuôi bằng TA2 là cao nhất, lần lượt là 13,11 trứng/ngày và 587,40 trứng/ruồi cái, cao hơn rõ rệt so với ba loại thức ăn còn lại. Hệ số nhân của một thế hệ R0 và tỷ lệ tăng tự nhiên rm khác nhau rõ rệt khi nuôi bằng các loại thức ăn khác nhau. R0 theo chiều giảm dần khi nuôi bằng TA2 (320,73), TA3 (264,55), TA1 (262,63), TA4 (258,78) trong khi rm giảm dần theo thứ tự TA2 (0,131), TA1 (0,120), tA3 (0,116), TA4 (0,115). Kết quả nghiên cứu cho thấy thức ăn nhân tạo với thành phần chính là cám mì TA2 phù hợp nhất cho sự phát triển, sinh sản và nhân nuôi ruồi đục quả Phương Đông B. dorsalis.
|